Bắc Kạn: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông

Thứ năm, 15/11/2012 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn thời gian qua tiếp tục có những diễn biến phức tạp, số vụ tai nạn giao thông so với cùng kỳ tăng cả về số vụ và số người chết, tuy không có sự đột biến lớn, nhưng mức độ nghiêm trọng hơn.
Tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn thời gian qua tiếp tục có những diễn biến phức tạp, số vụ tai nạn giao thông so với cùng kỳ tăng cả về số vụ và số người chết, tuy không có sự đột biến lớn, nhưng mức độ nghiêm trọng hơn.

Cụ thể trong 10 tháng của năm 2012, toàn tỉnh đã xảy ra 29 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, làm chết 34 người, bị thương 17 người. Riêng trong tháng 10/2012 xảy ra 3 vụ tai nạn giao thông, làm chết 3 người, bị thương 5 người, ước thiệt hại khoảng 94 triệu đồng. So với tháng 9/2012, số vụ và số người chết đều giảm, nhưng số người bị thương tăng cao.

Nhằm kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn, thời gian qua, các cấp, ngành chức năng tỉnh Bắc Kạn đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, tăng cường lực lượng tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm; bổ sung, lắp đặt thêm nhiều hệ thống biển báo giao thông tại các đoạn đường cua, đèo dốc nguy hiểm; tập trung giải toả tình trạng lấn chiếm vỉa hè, hành lang an toàn giao thông trên quốc lộ 3; các đoạn đường đi qua khu vực trung tâm thị xã, thị trấn. Cùng với đó là tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn giao thông taị các điểm khu dân cư, nơi có các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ đi qua…

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, việc bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, hạn chế. Qua phân tích, nguyên nhân hầu hết các vụ tai nạn giao thông đều do lỗi chủ quan của người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông, như tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển phương tiện mô tô, xe máy; uống rượu bia quá nồng độ cồn cho phép vẫn cố tình điều khiển phương tiện; không quan sát, bật đèn tín hiệu khi chuyển hướng làn đường.

Từ phân tích nguyên nhân các vụ va chạm và tai nạn giao thông trên địa bàn cho thấy, hiện nay tình hình chấp hành pháp luật về an toàn giao thông ở một bộ phận nhân dân còn nhiều yếu kém, điều này được thể hiện trên thực tế hằng ngày nhiều người dân khi điều khiển các phương tiện tham gia giao thông, nhất là xe máy chưa tuân thủ các qui tắc về an toàn giao thông; tình trạng phóng nhanh, vượt tránh sai qui định, không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển phương tiện mô tô, xe máy còn khá phổ biến, đặc biệt là ở những nơi không có trạm kiểm soát của các lực lượng chức năng, hoặc ở các địa bàn vùng sâu vùng xa.

Cũng phải nhận thấy rằng, việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp Luật Giao thông đường bộ của các cấp, ngành chức năng chưa sâu, rộng tới mọi đối tượng; công tác tuyên truyền chưa có nhiều hình thức phong phú, sáng tạo, nên hiệu quả tuyên truyền chưa cao. Theo nhận định của ngành chuyên môn, việc tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh còn khô khan, đơn điệu, chưa thu hút được đông đảo người dân tham gia.

Hiện nay, cùng với lực lượng Công an, Thanh tra giao thông thì các hội đoàn thể, như Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, cơ quan Mặt trận Tổ quốc… cũng tham gia tuyên truyền về an toàn giao thông, tuy nhiên số lượng các buổi tuyên truyền còn rất khiêm tốn. Việc xây dựng các mô hình điểm về an toàn giao thông cũng mới chỉ tập trung ở một số điểm khu dân cư nằm dọc quốc lộ 3 nên số lượng thôn, bản, số người tham gia kí cam kết không vi phạm về an toàn giao thông còn quá ít so với dân số ở trong khu vực.

Có thể thấy rằng, nguyên nhân việc tuyền truyền chưa được sâu rộng, hiệu quả là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp chưa thường xuyên; sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị thực hiện chức năng tuyên truyền giáo dục pháp luật về an toàn giao thông chưa chặt chẽ, đồng bộ; hình thức tuyên truyền chưa phong phú, đa dạng, chưa thu hút được mọi tầng lớp nhân dân tham gia, từ đó một bộ phận nhân dân chưa hiểu biết về Luật Giao thông đường bộ dẫn đến vi phạm. Cùng với đó, chế tài xử phạt về an toàn giao thông hiện nay chưa đủ mạnh, dẫn đến hiện tượng coi thường kỉ cương pháp luật.

Bảo đảm an toàn giao thông là trách nhiệm của các cấp, ngành, và toàn thể xã hội. Trước những diễn biến phức tạp về trật tự an toàn giao thông trong toàn tỉnh hiện nay, đòi hỏi các cấp, ngành chức năng, đặc biệt là Ban An toàn Giao thông tỉnh trong thời gian tới tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn về công tác giữ gìn trật tự an toàn giao thông trên địa bàn. Tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật giao thông đường bộ sâu rộng trong nhân dân; tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, sáng tạo, các buổi tuyên truyền cần cụ thể hoá nội dung các điều luật qui định; phổ biến, hướng dẫn chi tiết cho người dân khi tham gia giao thông phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản; xây dựng nội dung tuyên truyền phù hợp với mọi lứa tuổi, mọi đối tượng. Khi hiểu biết và nắm chắc pháp luật mỗi người khi tham gia giao thông mới tuân thủ đúng qui định; cùng với việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức cho người dân tham gia giao thông, các lực lượng Công an, Thanh tra giao thông cần kiên quyết xử lí đối với các trường hợp có hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ, bảo đảm thực thi tính nghiêm minh của pháp luật, góp phần giữ gìn trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Theo báo Bắc Kạn

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)