Bắc Kạn: Mô hình thí điểm quản lý, bảo dưỡng đường giao thông

Thứ tư, 27/06/2012 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sau 5 năm triển khai thực hiện, mô hình "Thí điểm quản lý, bảo dưỡng hệ thống đường giao thông" trên trục đường Cao Kỳ-Thanh Vận (Chợ Mới) do Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bắc Kạn chủ trì đã đạt được những kết quả đạt đáng ghi nhận. Tuy vậy mô hình này cũng xuất hiện nhiều hạn chế, cần khắc phục trước khi nhân rộng.
Sau 5 năm triển khai thực hiện, mô hình "Thí điểm quản lý, bảo dưỡng hệ thống đường giao thông" trên trục đường Cao Kỳ-Thanh Vận (Chợ Mới) do Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bắc Kạn chủ trì đã đạt được những kết quả đạt đáng ghi nhận. Tuy vậy mô hình này cũng xuất hiện nhiều hạn chế, cần khắc phục trước khi nhân rộng.

Mô hình quản lý, bảo dưỡng hệ thống đường giao thông được thực hiện thí điểm trên trục đường Cao Kỳ-Thanh Vận. Đây là tuyến đường có chiều dài 5,6 km thuộc cấp huyện quản lý, được đưa vào thực hiện thí điểm từ năm 2008. Mục đích của mô hình là thí điểm các phần việc sửa chữa, khơi thông mương rãnh, phát quang… trên một trục đường do huyện quản lý. Mỗi năm mô hình này được Sở Giao thông phân bổ cho 40 triệu đồng, với các phần việc phải làm là quản lý và bảo dưỡng như phát cây cắt cỏ, khơi nước khi trời mưa, chôn chỉnh cọc tiêu biểu báo, thông cống, đắp phụ lề đường, hót sạt nhỏ, đào rãnh dọc ngang, vá ổ gà…

Sau khi đưa vào thí điểm, huyện Chợ Mới đã giao cho UBND 2 xã Thanh Vận, Cao Kỳ đảm nhận mô hình này. Đồng thời hướng dẫn 2 xã thành lập Ban quản lý cơ sở hạ tầng cấp xã cũng như các quy trình lập dự toán khối lượng giao khoán cho các hộ dân nhận khoán; đôn đốc các xã chủ động trong công tác quản lý, hướng dẫn về kỹ thuật sửa chữa, tính toán khối lượng và các định mức áp dụng…

Qua 5 năm thí điểm, mô hình đã mang lại những ưu điểm như: Nhân dân 2 bên đường tham gia quản lý, sửa chữa đã đảm bảo cho đường thông suốt và giảm tai nạn giao thông. Tình hình vi phạm hành lang giao thông giảm, những hư hỏng nhỏ được khắc phục, thuận lợi cho quá trình giao lưu, phát triển hàng hóa; người dân có thêm công ăn việc làm. Mô hình này còn chủ động trong công tác quản lý và huy động nhân lực tại chỗ để sửa chữa khi cần; UBND 2 xã cũng chủ động hơn trong việc xây dựng kế hoạch sửa chữa hàng tháng, cũng như kế hoạch triển khai trong các tình huống khi xảy ra mưa, lũ gây tắc đường, bảo vệ công trình giao thông.

Việc thí điểm mô hình quản lý, bảo dưỡng đường giao thông không chỉ thực hiện ở huyện Chợ Mới mà còn triển khai trên một số huyện trong tỉnh. Tới đây để mô hình đường Cao Kỳ-Thanh Vận phát huy hiệu quả, trở thành một trong những đoạn đường sạch-đẹp-thông thoáng, trọng điểm của huyện thì huyện Chợ Mới cần phải chỉ đạo sát sao hơn nữa đối với cơ sở khi đã nhận trách nhiệm. Đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra không chỉ riêng mỗi tuyến đường Cao Kỳ-Thanh Vận mà ở tất cả những tuyến đường do huyện quản lý. Cùng với đó là tinh thần tập thể tự nguyện của cộng đồng, đặc biệt là vai trò của người dân với các công trình tập thể. Điều này sẽ góp phần nâng cao chất lượng đường giao thông, phát huy, sử dụng đúng mục đích tiền đầu tư của Nhà nước mà không bị lãng phí.

Theo báo Bắc Kạn

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)