Ba tháng thí điểm giáo dục ATGT và sử dụng điện thoại di động cho học sinh: Nhà trường quyết tâm, phụ huynh ủng hộ, xã hội vào cuộc
Đó là bài học kinh nghiệm được rút ra sau 3 tháng thực hiện mô hình thí điểm về giáo dục an toàn giao thông (ATGT) và sử dụng điện thoại di động cho HS do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức chiều ngày 27-6. Kết quả triển khai là căn cứ để Hà Nội nghiên cứu, quyết định việc áp dụng đại trà trên địa bàn TP trong năm học 2011-2012.
Đó là bài học kinh nghiệm được rút ra sau 3 tháng thực hiện mô hình thí điểm về giáo dục an toàn giao thông (ATGT) và sử dụng điện thoại di động cho HS do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức chiều ngày 27-6. Kết quả triển khai là căn cứ để Hà Nội nghiên cứu, quyết định việc áp dụng đại trà trên địa bàn TP trong năm học 2011-2012.
Vi phạm giảm
Từ tháng 3-2011, mô hình thí điểm về giáo dục ATGT và sử dụng điện thoại di động cho HS được triển khai tại 5 trường THPT: Kim Liên, Việt - Đức, Quang Trung - Đống Đa, Phan Đình Phùng, Trần Phú. Thống kê của Công an TP và Sở GD-ĐT cho thấy, số vụ vi phạm giảm. Nếu như trong tháng 2, số HS của 5 trường này vi phạm các lỗi về ATGT (không đội mũ bảo hiểm, đi xe không có gương chiếu hậu, không có giấy phép lái xe…) là 37, thì sang tháng 5 chỉ còn 3 trường hợp. Số HS đi xe máy khi chưa đủ điều kiện cũng đã giảm từ 11 trường hợp (tháng 3) còn 8 trường hợp (tháng 4) và đến tháng 5 thì không còn trường hợp nào. Trong tháng 5-2011, chỉ có 1 HS vi phạm việc sử dụng điện thoại di động. Ý kiến của đại diện ban giám hiệu 5 trường tham gia thí điểm đều khẳng định sự cần thiết của việc tiếp tục triển khai mô hình này, tiến tới nhân rộng ra toàn TP.
Theo đánh giá của ông Mai Sỹ Nhật, Trưởng phòng công tác học sinh - sinh viên (Sở GD-ĐT Hà Nội): Mô hình này còn giúp đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình trong công tác quản lý, giảng dạy, giáo dục HS, từ đó mỗi người đều cố gắng gương mẫu hơn. Một trong những giải pháp được khẳng định có hiệu quả bền vững trong việc tiếp tục triển khai mô hình này là sự phối hợp nghiêm túc, có trách nhiệm của các lực lượng, trong đó có quyết tâm của nhà trường, sự ủng hộ của phụ huynh và sự chung tay của xã hội.
Phó trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ - Công an TP Hà Nội (PA83) Vũ Minh Chính cho rằng, Hà Nội đã dũng cảm khi chọn 2 việc rất khó, mang ý nghĩa xã hội lớn để triển khai. Đó là không chỉ giáo dục để các em không vượt đèn đỏ khi tham gia giao thông hôm nay, mà còn tạo cho các em thói quen chấp hành luật pháp trong tương lai…
Nỗi lo tăng
Kết quả về tình hình vi phạm ATGT và sử dụng điện thoại di động của HS trong 3 tháng qua chỉ là số liệu mang tính chất tham khảo chứ không mang tính quyết định, chúng ta phải cùng nhìn nhận rõ một thực tế như vậy để tìm ra giải pháp cụ thể, hiệu quả nếu áp dụng đại trà. Lời khẳng định đó của ông Vũ Minh Chính tại hội nghị dường như không khiến các thành viên tại hội nghị bất ngờ.
Thực tế cho thấy, 5 trường THPT được lựa chọn thí điểm đều là những trường có nhiều HS ngoan, học tốt. Quá trình triển khai các giải pháp, đặc biệt là bằng ghi hình đã khiến phần lớn HS sợ hơn, nhưng không hẳn là giảm vi phạm, mà thường tìm cách ngụy trang khéo léo hơn như khoác áo ngoài, gửi xe xa trường, thông đồng với chủ giữ xe…
Sự vào cuộc chưa tích cực của chính quyền địa phương một số nơi là lý do khiến cho công tác quản lý HS đi xe máy khi chưa đủ điều kiện gặp khó. Hiệu trưởng nhà trường, ban đại diện cha mẹ HS không thể yêu cầu chủ trông giữ xe đóng cửa, hoặc không được nhận xe của HS gửi, nơi nào nhiệt tình quá đều bị phản ứng dữ dội. Để tránh tình trạng này, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú Nguyễn Hữu Chiệu đề xuất UBND phường phải có trách nhiệm đối với các điểm trông giữ xe trên địa bàn.
Tăng cường tuyên truyền và có chế tài xử phạt nghiêm khắc là những giải pháp quan trọng được đề cập nhằm hạn chế HS vi phạm. Theo đó, việc thông báo đến tổ dân phố, nơi làm việc của bố (mẹ) về tình hình vi phạm của con cái được kỳ vọng có tác động tích cực đến trách nhiệm của phụ huynh. Ý kiến của đại diện ban giám hiệu các trường còn cho biết: Hình thức xử lý cao nhất với HS hiện nay theo quy định cũng chỉ là cảnh cáo trước toàn trường, hạ hạnh kiểm, song vẫn không đủ sức răn đe. Với các trường hợp cá biệt, các trường chưa có chế tài để xử lý.
Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ cho biết: Sắp tới, Hà Nội sẽ xây dựng rõ mô hình về việc giáo dục ATGT và sử dụng điện thoại di động cho HS, trong đó có quy chế hoạt động, giải pháp cụ thể và các văn bản, chế tài xử phạt…; xây dựng chuyên mục về ATGT trên websie của Sở (www.hanoi.edu.vn) để nhà trường, phụ huynh HS và những người quan tâm có điều kiện trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm hay trong việc giáo dục, quản lý HS. Việc triển khai thí điểm mô hình này có thể sẽ tiếp tục giai đoạn hai ở 4 quận: Đống Đa, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, sau đó sẽ nghiên cứu để thực hiện đại trà trên toàn TP.
VTTH-Theo Báo Hà Nội mới
Vũ Thúy Hoa