Thời gian gần đây, số vụ tai nạn giao thông gia tăng, nhiều vụ để lại hậu quả rất nghiêm trọng. “Lỗi chính là do tài xế phóng nhanh, vượt ẩu, đi sai làn… Nhưng nguyên nhân sâu xa hơn là công tác quản lý vận tải của chúng ta còn quá nhiều bất cập”- Thượng tá Trần Sơn, Phó Trưởng phòng Hướng dẫn luật và điều tra tai nạn giao thông (Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt) nhận xét.
Theo Thượng tá Trần Sơn thời gian vừa qua, Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt cùng các ngành, các cấp đã tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp của Nghị quyết 32, kết quả là đáng ghi nhận. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, toàn quốc đã xảy ra 75 vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Thống kê cho thấy, hầu hết các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đều xảy ra trên các tuyến quốc lộ, có 39/75 vụ liên quan đến ô tô (chiếm 52%), trong đó 16 vụ liên quan đến xe khách đường dài.
Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng này chủ yếu là do lái xe đi sai làn đường, chạy quá tốc độ, thiếu kỹ năng xử lý tình huống… Sau khi phân tích các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng vừa xảy ra, có tới 15/16 vụ tai nạn liên quan đến xe khách đều là xe của các đơn vị vận tải tư nhân.
Có thể nói rằng việc quản lý đội ngũ lái xe của các doanh nghiệp (DN) vận tải, nhất là các DN tư nhân chưa thật sự nghiêm túc. Nhiều DN vận tải tư nhân sẵn sàng thuê lái xe nhưng không kiểm tra trình độ. Với các tuyến vận tải đường dài, thay vì phải tuyển 2 lái xe có trình độ thay nhau lái thì DN chỉ tuyển một lái chính có giấy phép lái xe, còn một lái phụ không có giấy phép lái xe hoặc có nhưng không hợp lệ.
Bên cạnh đó, do sức ép cạnh tranh, các chủ xe tư nhân giao khoán cho lái xe dẫn đến việc lái xe thường xuyên vi phạm phóng nhanh vượt ẩu, tranh giành khách, trốn tránh sự kiểm soát của các cơ quan chức năng, không tuân thủ quy định thời gian điều khiển phương tiện liên tục (không được lái liên tục quá 4 giờ, không lái quá 10 giờ/ngày), dẫn đến lái xe buồn ngủ, mất khả năng xử lý tình huống trên đường…
Một vấn đề nóng bỏng nữa hiện nay là công tác đào tạo, sát hạch lái xe còn quá nhiều bất cập, dẫn đến việc tạo ra một đội ngũ lái xe không đủ trình độ chuyên môn, thiếu ý thức trách nhiệm trong công việc. Với một nghề nghiệp quyết định trực tiếp đến sinh mệnh của nhiều người không chỉ ở trên xe mà còn ở dưới lòng đường thì ý thức trách nhiệm, lương tâm đạo đức của người lái xe cần phải được chú trọng hơn nữa.
Trước tình hình đó, từ nay đến cuối năm, Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt sẽ mở 2 đợt cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ vào tháng 9, là tháng an toàn giao thông và đợt cuối năm, khi nhu cầu vận tải tăng đột biến.
Với các đợt cao điểm này, chúng tôi sẽ huy động tổng lực cả về nhân lực lẫn các phương tiện kỹ thuật và tập trung vào các chuyên đề riêng nhằm kiểm tra, xử lý các hành vi trực tiếp gây tai nạn. Với chuyên đề tổng kiểm soát xe khách, chúng tôi sẽ tập trung xử lý các lỗi như quá tốc độ, sai làn đường, không tuân thủ biển báo hiệu đường bộ, xe hết niên hạn sử dụng…
Với chuyên đề xử lý vi phạm liên tuyến, Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt sẽ phối hợp với ngành GTVT thực hiện xử lý vi phạm trên các tuyến xảy ra nhiều tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, lực lượng CSGT sẽ tiến hành xác định các điểm đen, những điểm bất hợp lý về tổ chức giao thông và kiến nghị ngành giao thông khắc phục. Với các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đã xảy ra, Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt sẽ phối hợp với lực lượng cảnh sát điều tra hoàn thiện sớm hồ sơ để nhanh chóng đưa ra xét xử trước pháp luật nhằm tăng hiệu quả giáo dục, tuyên truyền trong xã hội. Hy vọng, trong thời gian tới, các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng sẽ được hạn chế đến mức thấp nhất.
KG (theo SGGP)