Cần nhiều biện pháp quyết liệt đảm bảo TTATGT

Thứ hai, 19/10/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Do nhu cầu đi lại của nhân dân tăng cao, đặc biệt là sự giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa các vùng miền, hoạt động của các lễ hội… dẫn đến mật độ phương tiện tham gia giao thông quá tải, trong khi kết cấu hạ tầng giao thông chưa đáp ứng, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông còn yếu, tùy tiện... đã tác động mạnh đến tình hình TTATGT và TNGT. ...
Do nhu cầu đi lại của nhân dân tăng cao, đặc biệt là sự giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa các vùng miền, hoạt động của các lễ hội… dẫn đến mật độ phương tiện tham gia giao thông quá tải, trong khi kết cấu hạ tầng giao thông chưa đáp ứng, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông còn yếu, tùy tiện... đã tác động mạnh đến tình hình TTATGT và TNGT.

Theo thống kê của Tổng cục Cảnh sát nhân dân - Bộ Công an mới đây cho thấy có 85,5% số vụ TNGT là do lỗi của người tham gia giao thông, nhóm vi phạm nhiều nhất là người điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ quy định, vi phạm các quy tắc tránh vượt, đi không đúng làn đường, phần đường, điều khiển phương tiện khi đã sử dụng rượu bia…

Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị - Cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt cho biết, hiện nay phát triển kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn chế, đường sá tuy đã được nâng cấp, cải tạo nhưng thực tế chưa đáp ứng được yêu cầu gia tăng và khả năng lưu thông của phương tiện. Mặt khác, do đường được nâng cấp mở rộng nên tốc độ phương tiện được cải thiện nhưng nhiều tuyến chỉ có 2 làn xe, các phương tiện tham gia hỗn hợp nên chưa đáp ứng yêu cầu về an toàn.

Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT được quan tâm tăng cường hơn nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa đến được với mọi người dân, đặc biệt là người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Cấp ủy, chính quyền địa phương nhiều nơi, nhất là cấp cơ sở chưa quan tâm thường xuyên đến công tác đảm bảo TTATGT, chưa sát với tình hình thực tế, điều hành thiếu quyết liệt, thiếu biện pháp thiết thực, biện pháp chưa đủ mạnh, chưa kiên trì và kiên quyết để giảm thiểu tai nạn giao thông.

Lực lượng CSGT kiểm tra an toàn xe

Những tồn tại, yếu kém trong quản lý Nhà nước về TTATGT chậm được khắc phục, nhất là trong quản lý vận tải và lái xe khách. Hiện nay, phổ biến tình trạng doanh nghiệp nhỏ, tư nhân đầu tư thấp, xe chất lượng thấp, thực hiện hợp đồng và khoán cho lái xe, chưa quan tâm đến quản lý, giáo dục đạo đức cho lái xe và phụ xe nên lái xe chịu áp lực khoán chỉ chạy theo lợi nhuận, bất chấp tính mạng của người tham gia giao thông, vi phạm chạy quá tốc độ, tránh vượt sai, tranh giành khách diễn ra phổ biến, là nguyên nhân chính của các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng (80% số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng do xe khách gây ra, chủ quản lý xe là tư nhân, 97% do vi phạm tốc độ, đi không đúng phần đường, tránh vượt sai quy định, thiếu chú ý quan sát).

Bên cạnh đó, việc quản lý lái xe sau khi sát hạch được cấp giấy phép lái xe còn hạn chế, người điều khiển mô tô chưa qua đào tạo nên chưa có kỹ năng lái xe, trình độ hiểu biết pháp luật yếu, tham gia giao thông theo thói quen và tùy tiện.

Đại tá Vũ Đỗ Anh Dũng - Phó Cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt cho biết hiện nay, lực lượng trực tiếp làm công tác đảm bảo TTATGT còn thiếu, chưa đủ quán xuyến các địa bàn, do đó nhiều tuyến đường, nhất là đường giao thông nông thôn bị bỏ trống, việc huy động lực lượng công an xã tham gia công tác đảm bảo TTATGT còn hạn chế. Do vậy, tình hình TTATGT còn nhiều diễn biến phức tạp.

Hiện trường một vụ TNGT

Đáng chú ý nổi lên là tình trạng TNGT đường bộ đặc biệt nghiêm trọng tăng về số vụ và số người chết (113 vụ, làm chết 336 người, bị thương 381 người); riêng đối với xe ôtô chở khách xảy ra 25 vụ, làm chết 86 người, bị thương 238 người. Một số vụ tai nạn do xe khách gây ra làm chấn động dư luận, làm chết và bị thương nhiều người, 20/25 vụ (80%) số vụ do xe của tư nhân gây nên. TNGT đường sắt xảy ra 354 vụ, làm chết 153 người, bị thương 233 người, so với 9 tháng đầu năm 2008 thì tăng 22 vụ, giảm 1 người chết, tăng 12 người bị thương.

Tại nhiều địa phương như Hà Nội, TP HCM, Quảng Ninh, Hải Phòng… xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trên 1 giờ hoặc các vụ chống lại CSGT đang thi hành nhiệm vụ, tình trạng thanh thiếu niên tụ tập đi xe mô tô phóng nhanh, lạng lách gây mất TTCC. Do vậy, trong thời gian từ giờ đến cuối năm và trong thời gian tới, công tác giữ gìn TTATGT sẽ có nhiều khó khăn, đòi hỏi sự tham gia tích cực và chủ động, phối hợp lực lượng giữa các cơ quan và lực lượng chức năng mới có thể kiềm chế và đẩy lùi TNGT, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thượng tướng Lê Thế Tiệm - Thứ trưởng Bộ Công an tại Hội nghị giao ban tình hình và công tác đảm bảo TTATGT 9 tháng đầu năm tổ chức tại Hà Nội ngày 9-10 vừa qua đã yêu cầu lực lượng CSGT toàn quốc tập trung thực hiện các biện pháp quyết liệt nhằm kiềm chế và đẩy lùi TNGT trên cả ba tiêu chí, đồng thời đồng chí Thứ trưởng cho biết sẽ ký công văn gửi Chủ tịch UBND 18 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có số vụ TNGT tăng trong 9 tháng đầu năm đề nghị chỉ đạo các lực lượng ở địa phương nỗ lực hơn nữa nhằm kéo giảm tình trạng TNGT trên địa bàn.

 

Theo Báo ANTD

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)