Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh (QN) đã ký Quyết định về việc phê duyệt đề án tăng cường đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh đến năm 2010. Theo đó, trong vòng 3 năm (từ 2008 đến 2010), với nguồn kinh phí 62 tỷ đồng, tỉnh QN tập trung giải quyết một bài toán tổng thể về ATGT. Qua đó cho thấy, thể hiện quyết tâm của chính quyền địa phương trong công tác bảo đảm trật tự ATGT.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh (QN) đã ký Quyết định về việc phê duyệt đề án tăng cường đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh đến năm 2010. Theo đó, trong vòng 3 năm (từ 2008 đến 2010), với nguồn kinh phí 62 tỷ đồng, tỉnh QN tập trung giải quyết một bài toán tổng thể về ATGT. Qua đó cho thấy, thể hiện quyết tâm của chính quyền địa phương trong công tác bảo đảm trật tự ATGT.
Trong những năm gần đây, cùng với sự tăng trưởng về kinh tế và số lượng phương tiện cơ giới, cộng thêm sự bất cập về kết cấu hạ tầng làm cho tình hình TNGT trên địa bàn tỉnh QN diễn biến theo chiều hướng phức tạp. Số vụ TNGT, số người chết và bị thương có giảm nhưng chưa mang tính ổn định , bền vững, số người chết qua các năm không giảm đáng kể. Qua số liệu cho thấy, nếu như năm 2001 “đỉnh cao” với 409 vụ TNGT, làm chết 270 người thì đến năm 2006 chỉ xảy ra 224 vụ nhưng con số người chết do TNGT là 251 người.
Với mong muốn tập trung giải quyết các vấn đề liên quan đến trật tự, ATGT với tất cả các loại hình GTVT (sắt, thuỷ nội địa, bộ, biển), trong vòng 3 năm tỉnh QN tập trung 7 giải pháp bảo đảm trật tự ATGT. Theo đó, công tác tuyên truyền được đặc biệt chú trọng, đối với đường bộ, quan điểm của tỉnh cho rằng việc tuyên truyền về ATGT không chỉ được tổ chức cho lái xe mà còn cho tất cả các cán bộ quản lý điều hành và nhân viên của doanh nghiệp. Đồng thời, tiến hành nghiên cứu hướng dẫn các quy tắc đi lại tại các khu đô thị, dân cư đông và phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ngoài ra, Ban ATGT tỉnh chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng và tổ chức thực hiện đề án “giảm thiểu TNGT do người điều khiển môtô, xe gắn máy gây ra”, làm rõ trách nhiệm của chính quyền các cấp, các tổ chức xã hội và trường học.
Một trong những giải pháp liên quan đến kết cấu hạ tầng được đưa ra, đó là việc lập đề án báo cáo Cục Đường bộ VN để cải tạo 10 điểm thường xảy ra đổ xe gây ùn tắc giao thông trên đoạn Mông Dương - Móng Cái; Tăng cường xây dựng và lắp đặt các trang thiết bị bảo đảm TTATGT (như biển báo, chiếu sáng, rào phân cách...); Đồng thời, triển khai công tác thống kê chi tiết hiện trạng sử dụng hành lang đường bộ (đối với tỉnh lộ và QL). Trong đó thống kê chi tiết các công trình vi phạm, công trình vĩnh cửu, công trình tạm... và tiến hành thành lập Ban chỉ đạo từ cấp tỉnh đến địa phương để triển khai việc thống kê giải tỏa hành lang đường bộ.
Đối với phương tiện giao thông, ưu tiên phát triển vận tải khách công cộng, đặc biệt là ở TP Hạ Long và các thị xã thuộc tỉnh. Hạn chế phương tiện vận tải cá nhân tại các khu đô thị. Có cơ chế khuyến khích việc tổ chức xe ôtô đưa đón CBCNV, người lao động, học sinh tới cơ quan, trường học, nhà máy. Để đảm bảo an toàn và trật tự trong vận tải, các cơ quan chức năng tăng cường sự phối hợp thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm, chấn chỉnh thường xuyên hoạt động vận tải khách, đặc biệt quan tâm tới việc chấp hành các quy định của nhà nước đối với từng loại hình vận tải. Kiểm tra việc tuyển dụng và sử dụng lái xe của các chủ doanh nghiệp vận tải... Hơn thế nữa, sẽ tiến hành cuộc tổng điều tra phương tiện cơ giới đường bộ trong phạm vi toàn tỉnh nhằm đánh giá số lượng xe trong và ngoài tỉnh, chủng loại cũng như chất lượng của phương tiện để tăng cường các biện pháp quản lý, tổ chức đào tạo, tuyên truyền giáo dục trong từng khu vực kinh doanh vận tải, đối tượng cho phù hợp.
Giải pháp đảm bảo ATGT đường sắt, ngoài việc tập trung quy hoạch xây dựng các công trình theo đúng chỉ giới hành lang an toàn theo quy định, ở những khu vực tập trung nhiều đường dân sinh tự mở liền kề, tỉnh sẽ phối hợp với các cơ quan quản lý đường sắt lập dự án xây dựng hàng rào, đường gom, đường dân sinh trên phạm vi hành lang ATGTĐS.
Với các giải pháp về cưỡng chế vi phạm Luật Giao thông, tại các giao lộ lớn có tính chất phức tạp sẽ bố trí lực lượng cảnh sát trật tự thường trực để hướng dẫn và xử lý kịp thời các vi phạm. ở những đoạn đuờng thường có các vi phạm gây TNGT đặt hệ thống camera để quản lý giao thông và xử lý các hành vi vi phạm nhằm nâng cao ý thức tham gia giao thông. Đồng thời nghiên cứu thành lập Đội công tác lưu động cấp tỉnh có nhiệm vụ chủ động giải quyết kiên quyết các hành vi vi phạm về trật tự đô thị, hành lang ATGT tại các địa bàn.
Ngoài ra, để đảm bảo công tác cứu hộ, cứu nạn giao thông, tỉnh QN tiến hành lập quy hoạch và xây dựng thêm một số trạm y tế cấp cứu dọc tuyến QL 18; Xây dựng hệ thống thông tin báo hiệu cấp cứu TNGT trên các tuyến QL; Đào tạo nâng cao nghiệp vụ cấp cứu cho nhân viên y tế tại các Bệnh viện, TTYT, Phòng khám đa khoa khu vực, Trạm y tế. Sở y tế chỉ đạo việc cấp cứu nạn nhân ngay khi được đưa vào viện mà không cần chờ người người nhà đến làm thủ tục.
Bài ảnh: Đ.T