Người gửi: Ngô Văn Nam.
Địa chỉ: Văn phòng Thành ủy Hà Nội .
ĐT: 0986 237968
CQ: 04 8254847
Emall: caohocluat_11b@yahoo.com.
Phải làm cho người vi phạm Luật giao thông cảm thấy “đau đớn” về kinh tế nhưng sẽ tránh cho họ đau đớn về thể xác, thậm chí mất đi tính mạng. Nhiều người sẵn sàng nộp phạt vài chục ngàn cho các lỗi vi phạm chứ chưa ý thức được hậu quả của hành vi vi phạm.
Nhiều người cho rằng, đảm bảo TTATGT là trách nhiệm của cơ quan nhà nước mà trực tiếp là lực lượng công an, trách nhiệm không phải của người tham gia giao thông. Từ suy nghĩ đó, họ chỉ lo đối phó với lực lượng cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ, thậm chí khi vi phạm, cảnh sát giao thông yêu cầu dừng xe thì lạng lách, bỏ chạy tạo ra một cảnh lộn xộn trên đường phố.
Đảm bảo trật tự ATGT là trách nhiệm của người tham gia giao thông và lợi ích cũng thuộc về họ. Cơ quan nhà nước chỉ có trách nhiệm hướng dẫn các hoạt động giao thông, xây dựng cơ sở hạ tầng và duy trì nề nếp giao thông cho phù hợp với từng địa bàn, từng tuyến phố.
Quan trọng nhất là ý thức chấp hành của người dân
Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã có nỗ lực rất lớn trong việc giải quyết bài toán giao thông đô thị như việc tổ chức giao thông, cải tạo và mở mang đường sá, hiện đại hoá một số tuyến đường trọng tâm, phát triển giao thông công cộng…
Tuy nhiên, các phương tiện tham gia giao thông phát triển nhanh và đa dạng đã vượt xa so với sự phát triển và cải tạo hạ tầng cơ sở cho giao thông. Nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình trạng tai nạn giao thông (TNGT) trở thành vấn nạn như hiện nay là do ý thức pháp luật của nhiều người tham gia giao thông còn yếu kém. Thậm chí, đường giao thông càng hiện đại thì tính chất TNGT càng nghiêm trọng do sự chủ quan và ý thức chấp hành của người tham gia giao thông chưa tốt.
Hành vi vi phạm Luật giao thông không những gây nên hậu quả xấu cho người vi phạm mà nó còn gây ra TNGT cho người khác. Thói quen tuỳ tiện, bất cần của một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông là nguyên nhân chính gây nên TNGT gia tăng như hiện nay.
Hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật trong giao thông dễ nhận diện nhất vì nó xâm hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe con người. TNGT không những gây thiệt hại về vật chất, sức khỏe, tính mạng con người mà còn làm xấu đi hình ảnh của thủ đô Hà Nội trong con mắt những người nước ngoài sinh sống tại đây.
Con số được nhiều người biết đến là trung bình mỗi ngày nước ta có khoảng 30 người chết vì tai nạn giao thông. Như vậy, mỗi ngày sẽ có khoảng 30 người chết không tuân theo quy luật sinh - lão - bệnh - tử. Những cái chết ấy không chỉ gây tổn hại cho gia đình nạn nhận mà còn gây tổn thất lớn cho lực lượng lao động của xã hội. Do vậy, phải có những giải pháp mạnh và mang tính khả thi cho vấn đề giao thông đô thị.
Thuốc đắng sẽ giã tật
Giải pháp quan trọng sẽ mang lại hiệu qủa rõ nét nhất là phải sử dụng thuốc đủ liều cho căn bệnh tùy tiện, bất cần trong tham gia giao thông.
Có ý kiến cho rằng, việc xử phạt trong vi phạm Luật giao thông phải tương xứng với thu nhập của nhân dân… Vi phạm luật giao thông không thể so sánh với các vi phạm hành chính khác, vì nó đe dọa trực tiếp đến tính mạng con người.
Phải làm cho người vi phạm Luật giao thông cảm thấy “đau đớn” về kinh tế nhưng sẽ tránh cho họ đau đớn về thể xác, thậm chí mất đi tính mạng. Nhiều người sẵn sàng nộp phạt vài chục ngàn cho các lỗi vi phạm như không đội mũ bảo hiểm (phạt 20.000 - 40.000đ); đi không đúng phần đường, làn đường (phạt 40.000 - 60.000đ)… thậm chí sẵn sàng vượt đèn đỏ nếu “bị bắt” thì “vui vẻ” nộp phạt chứ chưa ý thức được hậu quả của hành vi vi phạm.
Giải pháp trước mắt: cần tăng nặng xử lý hành chính đối với người vi phạm. Các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin liên tục về mức xử lý đối với các lỗi vi phạm TTATGT, đây là biện pháp giáo dục quan trọng vì liên quan trực tiếp tới “hầu bao” của người vi phạm Luật giao thông.
Nghị định 152/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 của Chính phủ, quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (Nghị định 152) có nhiều điểm còn quá nhẹ, chưa đủ sức ngăn ngừa.
Theo điểm d, khoản 4, Điều 13 của Nghị định 152, quy định về chở quá số người thì bị xử phạt từ 60.000 đến 100.000đ. Chở 3 hoặc 4 người là một lỗi nguy hiểm nhưng mức phạt quá nhẹ nên tình trạng chở quá số người vẫn thường xuyên diễn ra. Đối với lỗi vi phạm này, mức phạt hành chính phải từ 300.000 đến 500.000đ.
Đối với các lỗi vi phạm nguy hiểm như không chấp hành tín hiệu giao thông, đi vào đường ngược chiều có thể phạt hành chính từ 500.000 - 1.000.000đ, giữ giấy phép lái xe, yêu cầu học lại Luật giao thông trong một tuần, khi có giấy chứng nhận đã hoàn thành lớp học thì sẽ trả lại giấy phép lái xe. Tuy nhiên, Nghị định 152 chỉ quy định xử phạt 100.000 đến 200.000đ.
Người tham gia giao thông sử dụng rượu quá nồng độ cồn cho phép có thể xử lý hành chính từ 1 triệu đến 2 triệu đồng, tịch thu giấy phép lái xe (Nghị định 152 quy định mức xử phạt 300.000 đến 500.000đ).
Quy định các hình thức xử lý bổ sung đối với các đối tượng khác nhau trong xã hội vi phạm như:
Đối với cán công chức: Cơ quan công an có công văn yêu cầu xử lý kỉ luật đối với các lỗi nặng có mức phạt từ 500.000đ trở lên, cơ quan có người vi phạm phải có công văn trả lời về hình thức kỷ luật đã tiến hành.
Đối với học sinh phổ thông: Nghiêm cấm sử dụng xe máy, nếu vi phạm ngoài các biện pháp hành chính có thể áp dụng hình thức kỉ luật, đình chỉ học tập đến một năm.
Về hạ tầng kỹ thuật: Cần khẩn trương xây dựng cầu vượt cho người đi bộ, kiểm soát việc đăng kiểm và sát hạch lái xe; cắm biển đi một chiều đối với các tuyến đường nhỏ hẹp, quy định các loại xe mô tô sản xuất từ năm 1995 mới được đi vào Thành phố.
Việc áp dụng các chế tài mạnh trong xử lý vi phạm TTATGT sẽ phát sinh mãi lộ, can thiệp của các cá nhân có chức quyền vào việc xử lý vi phạm. Do vậy, cần nghiêm khắc kỷ luật và điều động công tác đối với các cán bộ, công an có hành vi mãi lộ, có thể đưa ra khỏi ngành công an đối với các cán bộ công an cố tình mãi lộ.
Về lâu dài, tiếp tục xây dựng lộ trình giảm phương tiện cá nhân, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ; nâng cao chất lượng phục vụ của các phương tiện công cộng; dịch chuyển các trường Đại học, cao đẳng… ra khỏi khu vực nội thành; xây dựng các khu chung cư có cơ sở hạ tầng tốt ở khu vực ngoại thành nhằm thu hút dân cư chuyển dịch bớt khỏi nội thành…