Tôi cũng như rất nhiều bạn đọc khác hết sức "lo sợ" về sự an toàn giao thông cho chính bản thân mình và những người thân nhất là sau khi sự việc tai nạn xảy ra với hai giáo sư khoa học hàng đầu thế giới.
Thực sự mà nói thì tai nạn giao thông có thể xảy ra bất cứ lúc nào và tới bất kỳ người nào. Sự mất mát về con người là những mất mát cực kỳ to lớn đối với gia đình của họ, nhưng sự mất mát của giáo sư Nguyễn Văn Đạo và sự trọng thương của giáo sư Seymour Papert là một tổn thất to lớn cho cả nhân loại.
Với chứng kiến của một kỹ sư tôi xin góp một vài điều sau đây mong đóng góp vào sự thay đổi tốt đẹp hơn cho trật tự giao thông.
1. Để tăng cường sự hiểu biết và văn hoá của những người tham gia giao thông, theo tôi chúng ta nên mở rộng và làm một cách thực tế hơn nữa về giáo dục an toàn giao thông để tất cả mọi người đều hiểu không riêng gì chỉ một số tiết học giới thiệu qua loa về an toan giao thông ở một vài bục giảng và sau đấy quên lãng.
Theo tôi cần thực tế hơn nữa có nghĩa là những bài học trong trường dành cho học sinh và sinh viên hoặc trong các công ty và các nhà máy cần được phát triển từng học kỳ hoặc từng quí một và với những bài giảng sinh động và sự kiểm tra để khuyến khích chứ không phải là chỉ "một lần và mãi mãi quên."
2. Chúng ta nên làm sáng tỏ một điều quan trọng là làm sao cho tất cả mọi người hiểu được vi phạm luật giao thông, giết người và buôn bán ma tuý (ví dụ) đều vi phạm pháp luật (nhưng đương nhiên là) ở hai mức độ khác nhau.
Để làm được điều này các cơ quan nhà nước, công ty hoặc các nhà máy khi tuyển lao động nên chú ý tới cả những thông tin này (hi vọng là việc quản lý hồ sơ lái xe được làm tốt hơn để các công ty có thể rể dàng hơn trong việc thu thập các thong tin đó) bởi vì khi một người lao động xem nhẹ việc vi phạm pháp luật ở một nơi khác (vi phạm luật giao thông) cũng đồng nghĩa với viêc họ có thể vi phạm luật của công ty trong tương lai.
3. Cơ quan quản lý và cung cấp bảo hiểm cho phương tiện và người tham gia giao thông nên đồng thời sử dụng các dữ liệu về khả năng lái xe, tuổi đời và những sai phạm giao thông của người điều khiển giao thông để áp dụng định giá cho các sản phẩm bảo hiểm của mình.
Bởi vì một điều đơn giản là một lái xe thường vi phạm luật giao thông sẽ có thể dễ dàng gây tai nạn và sẽ làm cho hãng bảo hiểm có thể phải đền bù rất lớn và rất nhiều lần trong những trường hợp tai nạn nghiêm trọng. Những lái xe tốt chưa bao giờ vi phạm luật giao thông hoặc không bao giờ gây tai nạn có thể được ưu tiên giảm phí bảo hiểm vì khả năng gây tai nạn rất nhỏ so với người thường vi phạm luật giao thông.
4. Về tổ chức thi bằng lái cần được làm chặt chẽ và chính xác hơn: bằng cách áp dụng công nghệ tin học cho phần thi luật và có những kiểm tra chéo trong phần thi thực hành, đương nhiên yếu tố con người (giám thị) cần được giáo dục, quan tâm thích đáng và sử lý triệt để nếu phát hiện têu cực trong thi cử.
5. Cần điều tra và xử lý mạnh tay với tiêu cực để tránh tình trạng mua bán bằng lái bằng cách: khi phát hiện người mua bằng cơ quan quản lý bằng có thể lưu giữ thông tin sai phạm trong hệ thống máy tính trên toàn quốc (hoặc thông báo đi từng địa phương) và tuỳ theo từng trường hợp sai phạm có thể (nặng nhất) không cấp bằng vĩnh viễn.
Tôi cũng được biết rất nhiều trường hợp có bằng lái xe nhưng chưa bao giờ điều khiển xe. Tôi rất vui mừng vì bộ công an chuẩn bị áp dụng công nghệ và chất liệu mới cho bằng lái xe, hi vọng là có thể tăng cường quản lý bằng thật và giả và bỏ được việc bấm lỗ vốn gây rất nhiều búc xúc trong xã hội. Đương nhiên việc trừ điểm vẫn nên áp dụng để người điều khien phương tiện hiểu trach nhiệm của mình.
6. Khi chuyển đổi hạng xe (trong bằng lái) hoặc đổi bằng lái xe đã hết hạn người điều khiển phương tiện cần được thẩm định lại về sức khoẻ (thể lực, thị lực..) vì con người già yếu đi theo ngày tháng không thể dùng một tờ giấy khám sức khoẻ khi thi lấy bằng (có thể 5-10 năm trưóc) và theo từng mức độ thay đổi có thể phải thẩm định lái khả năng hiểu biết luật (thi lại luật vì có nhiều thay đổi về tốc độ và cung đường tuyến đường...) hoặc khả năng điều khiển phương tiện (thi lại lái xe).
7. Cần xử lý nghiêm về sai phạm luật giao thông (treo bằng 1 năm, 2 năm hoặc vĩnh viễn hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự) nhất là những sai phạm nghiêm trọng có thể dẫn tới tai nạn chết người như: say rượu lái xe, vượt đèn đỏ, lạng lách...(những nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra nhiều tai nạn gần đây và nhất là dẫn đến chuyện đáng tiếc xảy ra tới hai vị giáo sư nói trên.
8. Về phần trách nhiệm của những người kiểm soát và điều khiển giao thông (cảnh sát giao thông) cơ quan chủ quản chỉ nên cho phép họ quyền kiểm soát (sát hạch) và hướng dẫn giao thông tức là: khi phát hiện sai phạm họ sẽ (chỉ được) viết biên lai phạt và giữ thông tin cá nhân (như bằng lái...) và chuyển về cho đơn vị sử lý (như toà án) không nên để cho họ làm công việc của họ khó khăn của "quan toà" và sẽ tránh được tình trạng mãi lộ (nỗi bức xúc trong rất nhiều bài viết vừa qua).
9. Về chi tiết thiết kế cho từng hệ thống đèn giao thông ở từng nút giao thông đều đã được qui chuẩn (nhất là những hệ thộng đèn mới được thay thế) đều có sẵn các thông tin và dữ liệu và việc điều chỉnh thời gian cho phù hợp với từng nút giao thông hoàn toàn là điều có thể làm được.
Hàng năm nhà nước đào tạo ra rất nhiều kỹ sư (ĐH GT, ĐHBK & ĐHXD) thậm chí hàng chục thạc sĩ và tiến sĩ với những công trình, đồ án và nghiên cứu đồ sộ, theo tôi việc thiết kế một hệ thống đèn cho một nút giao thông (cá biệt). Đương nhiên việc thiết kế một mạch điều khiển (IC or chip) đó đòi hỏi đầu tư một ít thời gian để nghiên cứu qui luật giao thông tại từng nút giao thông vào từng thời điểm trong ngày.
Trên đây là nhưng ý kiến đóng góp từ bản thân tôi, một người cũng ngày đêm lo sợ cho tính mạng của mình, của người thân và tất cả những người khác. Hi vọng nhữn dòng góp ý này có thể bổ sung ý tưởng cho nhưng người đang ngày đêm tìm những biện pháp hữu hiệu để giảm đi thương vong từ những vụ tai nạn giao thông.