Bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) trong trường học đang được sự quan tâm của các cấp, các ngành. Nhiều mô hình hay được các trường học áp dụng, cổng trường an toàn, không còn các vụ vi phạm về giao thông hay các vụ tai nạn giao thông (TNGT) trong học sinh đang là mục tiêu phấn đấu của toàn ngành Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Long An.
Học sinh tham khảo tài liệu về an toàn giao thông
TNGT trong học sinh giảm qua các năm
Theo Sở GD&ĐT tỉnh Long An, để bảo đảm việc tham gia giao thông của cán bộ, giáo viên cũng như học sinh được an toàn, ngay từ đầu năm, sở chỉ đạo các trường tổ chức cho học sinh ký cam kết thực hiện các quy định về trật tự, ATGT.
Đồng thời, triển khai phổ biến đến toàn thể phụ huynh nhằm tuyên truyền, nhắc nhở, cam kết việc không giao xe máy cho học sinh khi chưa có giấy phép lái xe, cam kết cho học sinh đội nón bảo hiểm khi ngồi trên xe môtô, xe gắn máy khi tham gia giao thông.
Trưởng Phòng Pháp chế Sở GD&ĐT, Huỳnh Văn Hiệp cho biết: “Từ việc triển khai đồng loạt các biện pháp trong toàn ngành, số vụ vi phạm giao thông, TNGT giảm rõ rệt. Nếu như năm trước có 24 trường hợp học sinh vi phạm luật giao thông thì tới thời điểm hiện tại chỉ có 1 trường hợp vi phạm. Tương tự, số vụ TNGT trong học sinh cũng giảm hẳn so với các năm trước khi chỉ xảy ra 16 vụ trong toàn ngành”.
Học sinh tích cực tham gia mô hình cổng trường an toàn giao thông
Vẫn còn phụ huynh học sinh xem nhẹ Luật giao thông
Phần lớn các bậc phụ huynh đều đã ý thức được việc bảo đảm ATGT khi tham gia đưa rước học sinh. Tuy nhiên, ở một số trường học vẫn còn phụ huynh khi đưa đón con dừng, đậu xe dưới lòng đường gây ùn tắc, mất ATGT trước cổng trường.
Trường Tiểu học Thạnh Đức, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức nằm sát Quốc lộ 1, mặc dù ngay trước cổng trường, nhà trường có nhiều tấm biển cùng panô tuyên truyền về ATGT cho học sinh, cũng như phụ huynh nhưng vẫn còn nhiều phụ huynh chủ quan, xem nhẹ an toàn khi tham gia giao thông.
Tình trạng kẹt xe trước cổng Trường Tiểu học Long Thượng, huyện Cần Giuộc
Hiện nay, đa phần học sinh đều sử dụng xe đạp, xe đạp điện và xe máy dưới 50cm3 để đi học nhưng vẫn còn tình trạng học sinh đi xe gắn máy khi chưa đủ điều kiện, không chấp hành nghiêm quy định về đội nón bảo hiểm, chạy xe lấn làn đường, đi ngược chiều, chở quá số người quy định. Nhiều bậc phụ huynh còn chưa quan tâm đến vấn đề an toàn của học sinh khi cho con em sử dụng xe môtô, xe gắn máy đến trường khi chưa đủ điều kiện lái xe, thậm chí chính phụ huynh cũng là người trực tiếp vi phạm.
Một số đơn vị trường học chưa xử lý nghiêm học sinh không đội nón bảo hiểm khi điều khiển xe môtô, xe gắn máy, xe đạp điện, xe máy điện đến trường và việc thiếu kiên quyết trong phối hợp lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra và xử lý những trường hợp học sinh điều khiển xe phân khối lớn gửi bên ngoài khuôn viên trường học, dẫn đến hạn chế trong thực hiện việc bảo đảm ATGT trong trường học.
Trước thực trạng đó, Trưởng Phòng Pháp chế, Sở GD&ĐT cho rằng, để tiếp tục nâng cao ý thức của học sinh và việc chấp hành pháp luật, trong thời gian tới, sở đề nghị tất cả các trường trong toàn tỉnh tăng cường công tác tự kiểm tra, xử lý vi phạm, tự chịu trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục đối với việc để xảy ra vi phạm luật giao thông trong cán bộ, học sinh, sinh viên. Đồng thời, lồng ghép nội dung giảng dạy về ATGT trong các tiết học chính khóa và hoạt động ngoại khóa, duy trì các mô hình đội cờ đỏ, đội xung kích, thanh niên tình nguyện, mô hình Cổng trường ATGT trong công tác thực hiện trật tự, ATGT của đơn vị.
Đồng tình với quan điểm trên, nhiều người cho rằng, để học sinh chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật ATGT, ngoài các giải pháp của nhà trường, ngành chức năng thì gia đình, phụ huynh phải tích cực tham gia giáo dục, tuyên truyền, nhắc nhở con em mình. Đặc biệt, thái độ kiên quyết bắt buộc con em trước khi ra đường phải đội nón bảo hiểm, không cho sử dụng xe mô tô khi chưa đủ tuổi và chưa có giấy phép lái xe... hình thành thói quen, ý thức chấp hành pháp luật của các em khi tham gia giao thông.