Xác định tuyên truyền là một trong những giải pháp trọng tâm để nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông, những năm qua, lực lượng CSGT trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã không ngừng triển khai đồng bộ các hoạt động tuyên truyền pháp luật trật tự an toàn giao thông (TTATGT) tới mọi tầng lớp nhân dân ở cả thành thị và nông thôn.
Theo Đại úy Nguyễn Thành Công - Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) - Trật tự - Cơ động (Công an huyện Văn Chấn, Yên Bái), Văn Chấn là huyện có địa hình rộng, kéo dài, nhiều chia cắt, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nên công tác bảo đảm TT ATGT gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền, nhất là các thôn, bản vùng cao luôn được Ban ATGT huyện và các đơn vị chức năng chú trọng. Hàng năm, tại các xã vùng cao như: Sùng Đô, Nậm Mười, An Lương, Tú Lệ... các chiến sỹ CSGT thường xuyên đến các thôn, bản “nóng” về vi phạm, TNGT để phổ biến, tuyên truyền pháp luật về ATGT.
Đại tá Nguyễn Văn Chí - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh Yên Bái) cho biết: “Muốn bảo đảm TTATGT trên địa bàn, trước hết, phải làm sao để người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số hiểu và chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước. Do vậy, công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật được lực lượng CSGT đặc biệt coi trọng với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo, mang lại hiệu quả cao”.
Theo Đại tá Nguyễn Văn Chí, những buổi tuyên truyền này thường được lồng ghép vào lúc họp thôn, chi bộ, bởi chỉ những lúc như thế mới có đông đảo bà con dự. Ngoài những văn bản, quy phạm pháp luật, nghị định, thông tư mới, trong hành trang của các anh luôn phải có thêm đĩa hình tuyên truyền bằng tiếng Mông, Thái, Dao hoặc cũng có khi là những vụ tai nạn, vi phạm trực tiếp anh em ghi lại tại địa phương. Ngoài ra, hàng năm, cán bộ, chiến sỹ CSGT đều có buổi nói chuyện, phổ biến pháp luật ATGT với tập thể giáo viên, học sinh các trường THPT trên địa bàn. Mỗi khi có mưa bão lớn, tại các đầu đập tràn đều có CSGT chốt chặn, nhắc nhở không để người dân và các phương tiện giao thông đi qua, tránh thiệt hại không đáng có về người và tài sản.
Đặc biệt, trong quá trình tuần tra, kiểm soát, cùng với việc xử lý nghiêm các lỗi vi phạm, lực lượng CSGT luôn dành thời gian giải thích tác hại, nguy cơ gây nguy hiểm cho chính người tham gia giao thông và người khác. Một điều dễ nhận thấy, song song với hoạt động tuyên truyền trực tiếp bằng miệng, lực lượng CSGT cũng đã đa dạng hóa việc đưa pháp luật TTATGT vào cuộc sống với nhiều hình thức phong phú thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, phát tờ rơi, diễu hành...
Theo đó, trong năm 2015, Phòng Cảnh sát giao thông đã tổ chức thành công 3 hội nghị tuyên truyền pháp luật về TTATGT đường thủy nội địa cho 610 cán bộ chủ chốt tại cơ sở và các đối tượng có liên quan; trực tiếp tuyên truyền và qua cầu truyền hình cho 856 giáo viên, sinh viên, học sinh tham dự; phối hợp mở 9 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác bảo đảm TTATGT cho 406 công an xã; xây dựng 13 phóng sự, cung cấp 26 lượt tin, bài cho các cơ quan thông tấn báo chí. Ngoài ra, Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng CSGT các địa phương phối hợp tổ chức 2 hội thi tìm hiểu pháp luật về TTATGT cho 7 đội tuyển với 40 thí sinh và 714 người tham gia; hướng dẫn cho 16.420 cán bộ, giáo viên, học sinh, 1.232 hộ gia đình, 22 lái xe ô tô tải ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về TT ATGT…
Có thể nói, với sự đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền, lực lượng CSGT đã góp phần truyền tải pháp luật TTATGT vào cuộc sống đến mọi tầng lớp nhân dân. Qua đó, tạo chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của người tham gia giao thông, làm giảm các hành vi vi phạm là nguyên nhân gây TNGT, từ đó kéo giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí trong thời gian qua.