Để khách quốc tế thực hiện tốt Luật Giao thông

Thứ hai, 14/03/2016 07:41
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Những ngày qua, không ít xe khách mang biển số nước ngoài tham gia giao thông trên địa bàn một số tỉnh miền Trung vi phạm quy định đỗ, dừng đón trả khách, đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản của người tham gia giao thông, đã bị cơ quan chức năng xử lý...

Tình trạng người nước ngoài vi phạm Luật Giao thông đường bộ ở nước ta thời gian qua không còn xa lạ, nhất là ở các nơi có nhiều người nước ngoài làm việc, thuê ở như: Khu phố cổ, các tuyến đường có nhiều trường đại học... Chúng ta cũng thường gặp cảnh người nước ngoài điều khiển mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, không giấy phép lái xe, lạng lách, đánh võng, thậm chí chở ba người, vượt đèn đỏ… trên các đường phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam)… Lực lượng Cảnh sát Giao thông đã xử lý không ít trường hợp người nước ngoài vi phạm luật lệ giao thông, nhưng một số trường hợp người thực thi pháp luật rơi vào thế “khó” vì không thạo ngoại ngữ, nhất là khi người nước ngoài không biết tiếng Việt, hoặc giả vờ không biết, không hiểu chuyện gì đang xảy ra với mình.

 

Ảnh

Khách nước ngoài tham gia giao thông tại Việt Nam. Ảnh minh họa theo internet

Giao thông nước ta có yếu tố đặc thù. Người  dân Việt ta lại có truyền thống mến khách, thân thiện, nên dễ “thông cảm, bỏ qua” cho những người ngoại quốc có hành vi “lệch chuẩn” khi tham gia giao thông, như việc không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy... Song, nước có “quốc pháp”, nhà có “gia phong”! Luật Giao thông đường bộ đã quy định rõ, các đối tượng tham gia giao thông tại Việt Nam, không phân biệt người nước ngoài hay người Việt khi vi phạm đều phải xử lý theo luật định. Với những người thiếu tôn trọng luật pháp của Việt Nam thì dứt khoát phải xử lý theo đúng quy định. Pháp luật nhiều nước trên thế giới cũng quy định rất rõ công dân nước ngoài đến lao động, học tập, sinh sống, du lịch tại nước đó vi phạm pháp luật sẽ bị trục xuất, thậm chí không được nhập cảnh lại trong một thời gian nhất định.

Cùng với những chế tài đủ mạnh thì việc cải thiện, nâng cao trình độ ngoại ngữ đối với cán bộ tuần tra, kiểm soát giao thông cũng rất cần thiết để hạn chế tình trạng người nước ngoài vi phạm luật giao thông. Qua mỗi lần xử lý và khi được hướng dẫn, giải thích, người nước ngoài sẽ hiểu về luật giao thông ở Việt Nam. Thực tế hiện nay, không phải người nước ngoài nào khi đến Việt Nam cũng đều hiểu các quy định về giao thông ở nước ta. Do vậy, công tác tuyên truyền để người nước ngoài khi đến Việt Nam hiểu và chấp hành tốt hơn các quy định giao thông ở nước ta cũng cần được quan tâm (tuyên truyền từ xa, khi họ vừa đặt chân xuống sân bay, hay vừa bước vào biên giới), nhất là khi đất nước ta ngày càng phát triển, mở cửa, hội nhập sâu rộng với thế giới. Việc tạo điều kiện tinh giản, rút ngắn quy trình, thủ tục cấp, đổi giấp phép lái xe cho những người nước ngoài có nhu cầu thực sự rõ ràng, mục đích trong sáng khi đủ các điều kiện cũng cần được cơ quan chức năng nghiên cứu và đổi mới. Bên cạnh đó, việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân Việt Nam khi tham gia giao thông là liều thuốc “đặc trị” hiệu quả nhất, vì đó chính là tấm gương để người nước ngoài học tập, làm theo.

xuannguyen

Nguồn: Báo Quân đội nhân dân

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)