Sau hơn 1 tháng áp dụng xử phạt vi phạm Luật Giao thông đường bộ qua hệ thống camera giám sát (từ 5/11), đến nay lực lượng chức năng phát hiện gần 52 nghìn trường hợp vi phạm, song số bảo đảm các yếu tố xử phạt mới chỉ dừng lại ở 524 trường hợp (chiếm 9,27%). Thậm chí ngay cả khi đã xác định đầy đủ các yếu tố vi phạm và có biên bản xử phạt gửi tới chủ phương tiện, nhưng hiện cũng mới chỉ có 40 trường hợp chủ động đến làm việc, nộp phạt.
Ngã tư đường Huyền Quang - Lý Thái Tổ (thành phố Bắc Ninh), một trong những điểm
triển khai xử “phạt nguội” về vi phạm TTATGT qua hệ thống camera giám sát.
Có thể khẳng định việc triển khai lắp đặt, vận hành gần 300 camera (giai đoạn I) là chủ trương đúng đắn, kịp thời của tỉnh trong việc đầu tư xây dựng và hoàn thiện các giải pháp kỹ thuật nhằm hoàn chỉnh các hợp phần xây dựng Bắc Ninh trở thành thành phố thông minh. Trong đó, việc triển khai thí điểm xử phạt vi phạm hành chính về trật tự ATGT đường bộ qua hệ thống camera giao thông trên địa bàn tỉnh đã được các cơ quan chức năng như: Công an tỉnh, Sở Tư pháp, Sở Giao thông vận tải, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp chặt chẽ, triển khai đồng bộ, liên tục, hiệu quả, đúng kế hoạch đề ra. Từ việc tổ chức khảo sát, lựa chọn địa điểm lắp đặt phương tiện, trang thiết bị phục vụ quá trình xử phạt các hành vi vi phạm về trật tự ATGT; rà soát cơ sở pháp lý để tiến hành xử phạt vi phạm hành chính về trật tự ATGT đường bộ và xử lý những bất cập trong tổ chức giao thông; bố trí cán bộ chuyên trách vận hành hệ thống camera giao thông, theo dõi hình ảnh trật tự ATGT và ANTT từ các camera giao thông truyền về Trung tâm giám sát. Ngoài ra, Sở Thông tin và Truyền thông đã chỉnh sửa, hoàn thiện phần mềm hệ thống camera giao thông, đồng thời cung cấp tài khoản đăng nhập, tài khoản quản trị, vận hành cho cán bộ Phòng CSGT để chủ động phân quyền theo qui trình, nghiệp vụ xử lý chuyên ngành...
Sau một thời gian áp dụng xử “phạt nguội” (từ ngày 5/11 đến 11/12/2019), hệ thống camera phát hiện 51.983 trường hợp vi phạm (8.889 ô tô, 43.184 mô tô). Trong đó, số trường hợp ô tô không rõ biển số là 3.278, số trường hợp ô tô rõ biển số là 5.521. Tuy nhiên, trong số 5.521 trường hợp ô tô rõ biển số thì số trường hợp không bảo đảm các yếu tố để xác định hành vi vi phạm (không đủ căn cứ xử phạt) lên tới 4.997 trường hợp (chiếm 90,73%). Số trường hợp bảo đảm các yếu tố để xác định hành vi vi phạm là 524 trường hợp (chiếm 9,27%). Trong số 524 trường hợp vi phạm mới chỉ có 40 trường hợp đến làm việc và lập biên bản vi phạm hành chính. Phòng CSGT ra quyết định xử phạt 40 trường hợp, thu nộp Kho bạc Nhà nước 64 triệu đồng.
Từ kết quả trên cho thấy, hệ thống camera giám sát ghi nhận số trường hợp vi phạm là rất lớn nhưng số trường hợp thực tế có đủ dấu hiệu chứng minh vi phạm lại rất thấp. Nguyên nhân được cơ quan chức năng lý giải là do: Vào buổi tối, ánh sáng yếu nên camera khó nhận diện được đầy đủ các ký tự của biển số. Hệ thống không nhận diện được khi tín hiệu đèn là các mũi tên dẫn đến việc khi mũi tên xanh bật sáng thì các phương tiện được rẽ trái nhưng hệ thống vẫn báo lỗi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; nhiều phương tiện chỉ vi phạm lỗi không chấp hành hiệu lệnh của báo hiệu đường bộ, vạch sơn kẻ đường nhưng hệ thống vẫn báo lỗi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.
Trong khi đó, quá trình xác minh và xử lý vi phạm phức tạp, nhiều thủ tục, mất nhiều thời gian, công sức. Từ việc phát hiện và thu thập hình ảnh dữ liệu về phương tiện vi phạm trật tự ATGT, lực lượng chức năng tiến hành thẩm định lại hành vi vi phạm đối chiếu theo quy định của pháp luật, sau đó mới xác định chủ phương tiện. Việc này là hết sức khó khăn, bởi có nhiều xe mua bán sang nhượng qua nhiều người, ở nhiều địa phương khác nhau nhưng chưa làm thủ tục sang tên, chưa kể có nhiều phương tiện đeo biển số giả, biển số không rõ chữ, số... Thậm chí trong quá trình làm việc với chủ phương tiện để xác định người điều khiển phương tiện (chủ xe thường không hợp tác, không nhận là người điều khiển phương tiện hoặc cho mượn)...Vì thế xác lập biên bản vi phạm hành chính (đối với một số hành vi phải tước giấy phép và tạm giữ phương tiện) thường rất khó thực hiện, bởi một số người vi phạm ở ngoài tỉnh cách xa hàng trăm km, trong khi giữa các địa phương lại chưa có cơ chế phối hợp với nhau.
Ngoài ra, còn một nguyên nhân nữa ảnh hưởng tới quá trình triển khai thực hiện xử phạt nguội là trang thiết bị, máy móc đường truyền còn hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu công tác. Hiện phòng PC08 mới chỉ có 1 máy tính để lọc và xử lý vi phạm nên các cán bộ phải thay nhau làm việc vào cả ngoài giờ hành chính và ban đêm mới giải quyết hết các trường hợp vi phạm…
Việc phát hiện nhiều vi phạm, song lại gặp khó trong xử phạt đang là “điểm nghẽn” trong triển khai ứng dụng xử phạt vi phạm trật tự ATGT qua hệ thống camera giám sát. Vì thế các cấp, ngành chức năng cần sớm có giải pháp đồng bộ, hiệu quả nhằm tháo gỡ những bất cập, thiếu sót, tăng tính khả thi trong quá trình triển khai xử “phạt nguội”.