Mặc dù đã tăng cường triển khai thực hiện các giải pháp, nhưng tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) vẫn còn những bất ổn, người chết do tai nạn giao thông (TNGT) gia tăng.
Cảnh sát giao thông huyện Đại Lộc kiểm tra, nhắc nhở người dân buôn bán
tại chợ Quảng Huế không lấn chiếm lòng đường ĐT609B
Năm ATGT 2019, địa bàn huyện Đại Lộc đã xảy ra 17 vụ TNGT đường bộ khiến 19 người chết và làm bị thương nặng 2 người khác. So với cùng kỳ năm 2018, số vụ giảm 1, giảm 3 người bị thương nhưng lại gia tăng 2 trường hợp tử vong. Đại Lộc đứng vị trí cao thứ 6 trong các địa phương cấp huyện của tỉnh có xảy ra TNGT, còn số người chết nhảy vọt lên đứng thứ 3. Người có trách nhiệm đưa ra rất nhiều lý giải cho thực trạng mất ATGT này. Trước hết, cơ sở hạ tầng giao thông xuống cấp, mặt đường chật hẹp, lưu lượng phương tiện đông đúc là tác nhân gây xung đột. Theo thống kê, địa phương hiện có 820km đường bộ; cùng với đó là 28km đường sông, 7 bến thủy nội địa gồm khoảng 245 phương tiện đang hoạt động. Chủ tịch UBND, Trưởng ban ATGT huyện Đại Lộc - ông Trần Văn Mai chia sẻ, địa bàn huyện có Quốc lộ (QL) 14B đi qua với chiều dài 37km. Đây là tuyến đường tiềm ẩn nguy cơ về TNGT cao bởi địa hình phức tạp, nhiều đoạn cong, cua gấp; còn phương tiện tham gia giao thông phần lớn là ô tô hoạt động xen kẽ với sinh hoạt của người dân sinh sống ven tuyến.
Đội phó phụ trách Đội Cảnh sát giao thông - trật tự cơ động Công an huyện Đại Lộc, Thiếu tá Phạm Minh Tuấn cho biết năm 2019 xảy ra 5 vụ TNGT trên QL14B làm 4 người tử vong. Nghịch lý là cảnh sát giao thông huyện không được làm công tác phòng ngừa thuộc tuyến đường vừa nêu, song phải chịu trách nhiệm khi sự cố xảy ra. Vẫn hạn chế của hạ tầng, kể từ khi cầu Giao Thủy đưa vào sử dụng, lưu lượng người và phương tiện qua Đại Lộc trên tuyến ĐT609B gia tăng đột biến. Ngược lại, mặt đường đoạn ngã ba Đại Hiệp - ngã ba Hòa Đông thuộc ĐT609B hướng ra Đà Nẵng rất nhỏ hẹp, nhiều “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT. Dù đã có dự án nâng cấp, mở rộng nhưng công trình đang “đứng bánh” nhiều tháng qua vì mặt bằng thi công vướng đường ống dẫn nước sạch. Ban ATGT huyện Đại Lộc tiếp tục khẳng định, ý thức kém của một bộ phận người tham gia giao thông cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn. Chẳng hạn, tình trạng phóng nhanh vượt ẩu; đi sai phần đường, làn đường; không chú ý quan sát; không đội mũ bảo hiểm… còn phổ biến. Lấn chiếm vỉa hè, hành lang ATGT, lòng đường để buôn bán, họp chợ tái diễn. Tại lòng hồ Khe Tân, người dân đã bị nhắc nhở vẫn cố tình sử dụng phương tiện giao thông thủy bất chấp không đáp ứng điều kiện an toàn.
Ban ATGT huyện Đại Lộc sẽ giám sát việc kiểm tra thường xuyên, liên tục hoạt động của xe chở hàng hóa quá tải trọng quy định. Trước tình trạng tuyến đường ĐH1.ĐL (đường Huỳnh Ngọc Huệ) qua thị trấn Ái Nghĩa xuống cấp nặng, một phần do xe tải vận chuyển vật liệu quá tải trọng gây ra, Phòng Kinh tế và hạ tầng Đại Lộc cho biết đã tham mưu UBND huyện, kiến nghị lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm trên tuyến đường chỉ cho phép phương tiện có tổng tải trọng 18 tấn (tính cả thân xe và hàng hóa) trở xuống được lưu thông. |
Theo ông Trần Văn Mai, nhiều tồn tại, hạn chế khác cũng được nhận diện, đó là việc cấp ủy Đảng, chính quyền một số địa phương và một bộ phận nhân dân chưa nhận thức sâu sắc về hậu quả của TNGT, vẫn còn thờ ơ, chủ quan trong công tác phòng vệ. Giải pháp đảm bảo ATGT đã ban hành, song việc thực hiện không quyết liệt, chưa thường xuyên khiến kết quả đạt được hạn chế. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành chưa chặt chẽ, chủ yếu làm theo chức trách được giao; việc tuyên truyền, vận động, giáo dục chỉ theo đợt, chưa phù hợp đặc điểm từng đối tượng, địa bàn, chưa đến cơ sở. Để đạt mục tiêu kiềm chế, giảm thiểu 5 - 10% cả số vụ, số người chết và bị thương do TNGT trong năm 2020, Ban ATGT huyện Đại Lộc khẳng định sẽ thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các ngành, địa phương, lực lượng chức năng trong triển khai công tác đảm bảo trật tự ATGT; nêu cao trách nhiệm, gương mẫu chấp hành của người đứng đầu về chấp hành pháp luật có liên quan. Đẩy mạnh tuyên truyền về nguy cơ cao gây TNGT như tốc độ tối đa cho phép; khoảng cách xe khi lưu thông; buồn ngủ và mệt mỏi; uống, rượu bia khi lái xe; lấn làn; nhập làn từ đường nhánh vào đường chính; vượt xe; vượt ẩu…
Ban ATGT huyện Đại Lộc cho biết, địa phương sẽ chú trọng hơn nữa việc xử lý, đề nghị xử lý dứt điểm “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT; đồng thời chủ động kiểm tra, kịp thời phát hiện và cập nhật những vị trí mất an toàn. Hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng, hệ thống vạch kẻ đường, chỉnh trang hệ thống báo hiệu đường bộ bảo đảm dễ nhìn, dễ hiểu và dễ chấp hành. Cạnh đó, huyện phải giải quyết triệt để tình trạng lấn chiếm hành lang ATGT, che khuất tầm nhìn lái xe trên các tuyến đường. Còn theo Thiếu tá Phạm Minh Tuấn, lực lượng chức năng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự ATGT nơi trường học, các hộ dân sinh sống ven đường. Ưu tiên tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT như đi không đúng phần đường, làn đường, vi phạm tốc độ, lạng lách đánh võng, vi phạm nồng độ cồn. Sử dụng các biện pháp nghiệp vụ tuần tra như hóa trang bắn tốc độ; triển khai các chuyên đề xử lý vi phạm nồng độ cồn, học sinh chưa đủ tuổi sử dụng xe máy đến trường…