Vào mùa mưa bão, nhiều tuyến giao thông, nhất là ở các huyện miền núi, các vùng bị ngập lụt thường xảy ra tình trạng xói lở, hư hỏng mặt đường..., gây khó khăn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Để chủ động phòng ngừa, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại các tuyến đường, ngành GTVT Phú Yên triển khai sớm phương án phòng, chống thiên tai; trong đó chú trọng bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt.
Sửa chữa mặt đường Quốc lộ 1 để đảm bảo an toàn giao thông.
Sở GTVT Phú Yên đang thi công, sửa chữa nhiều vị trí hư hỏng cần nâng cấp trên các tuyến đường tỉnh, quốc lộ để đảm bảo an toàn giao thông (ATGT).
Sửa chữa nhiều vị trí hư hỏng trên các tuyến đường để đảm bảo ATGT.
Nhiều nguy cơ mất an toàn
Trong thời gian xảy ra lụt bão, thiên tai, ngoài các đơn vị quản lý, bảo trì đường bộ, khi phát hiện các sự cố về giao thông, người dân có thể báo trực tiếp về Ban Phòng chống thiên tai của Sở GTVT qua số điện thoại: 02573.843701 - 02573.553928 để đơn vị kịp thời xử lý.
Theo Sở GTVT, thường vào cuối tháng 9-12, trên địa bàn tỉnh Phú Yên xuất hiện nhiều đợt mưa lớn, liên tục và kéo dài, gây thiệt hại cho hệ thống giao thông. Nhiều tuyến đường thường xuyên sạt lở, ngập nước. Năm 2019, tổng thiệt hại trên các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ đoạn qua địa bàn tỉnh trên 23 tỉ đồng.
Điển hình như trên Quốc lộ 1, mưa lớn kéo dài khiến mặt đường thường xuyên phát sinh ổ gà, mặt đường lún, gợn sóng trâu, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Đơn vị bảo hành phải thường xuyên tổ chức đảm bảo giao thông, tập trung vá ổ gà trên mặt đường để các phương tiện qua lại an toàn. Trên các Quốc lộ 29, 25, nhiều cây ngã đổ trên đường gây tắc giao thông. Nhiều đoạn trên Quốc lộ 19C cũng sạt lở mái taluy dương, gây bồi lấp mặt đường khi có mưa lớn. Các tuyến ĐT641, ĐT642, ĐT643… thường xuyên ngập sâu trong nước.
Không chỉ đường bộ mà trên hệ thống đường sắt đoạn qua địa bàn tỉnh cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Theo Công ty CP Đường sắt Phú Khánh, tuyến đường sắt đoạn qua Phú Yên thường xuyên chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão lũ, trong đó xung yếu nhất là đoạn đường sắt đi qua khu vực đèo Cả, thị xã Đông Hòa. Ở đây, đỉnh đèo là khu vực tiếp giáp giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, địa hình một bên là núi cao, một bên là vực sâu nên tiềm ẩn nguy cơ sạt lở núi, uy hiếp an toàn trên tuyến đường sắt.
Đơn vị thi công gấp rút sửa chữa mặt đường trên Quốc lộ 29, đoạn qua TX Đông Hòa.
Gấp rút sửa chữa đường
Với kinh nghiệm từ mùa mưa bão những năm trước, Sở GTVT Phú Yên đã có nhiều biện pháp để xử lý cũng như đảm bảo ATGT trong mùa mưa bão năm nay.
Trên tuyến Quốc lộ 29, đoạn qua thị xã Đông Hòa, các huyện Tây Hòa, Sông Hinh, đơn vị thi công đang tập trung thảm nhựa mặt đường tại nhiều vị trí. Ông Nguyễn Lê Hoan, Giám đốc Ban quản lý Dự án vốn bảo trì đường bộ Phú Yên, cho biết: Đơn vị đang tập trung đẩy nhanh tất cả các gói thầu để có thể hoàn thành trong tháng 9, đảm bảo việc đi lại an toàn cho người dân trong mùa mưa bão năm nay. Đơn vị thi công đang tập trung thảm nhựa quốc lộ 29 đoạn từ Km37-Km40, Km67-Km69... với tổng diện tích thảm nhựa trên 34.257m2. Trên Quốc lộ 19C, đoạn qua huyện Sơn Hòa, nhà thầu cũng đã hoàn thành việc cải tạo mở rộng đường cong, xây dựng tường chắn, hệ thống rãnh dọc thoát nước, sửa chữa mặt đường. Cầu Suối Cái trên Quốc lộ 25 đoạn qua huyện Phú Hòa cũng đã hoàn thành, đang lắp hệ thống ATGT trên cầu.
Tranh thủ thời tiết thuận lợi, đơn vị thi công đang tập trung hoàn thiện các công trình cầu dân sinh bắc qua các sông, suối. Theo Ban quản lý Các dự án đầu tư xây dựng tỉnh, xác định tầm quan trọng của các cầu dân sinh đối với việc đi lại của người dân, nhất là trong mùa mưa bão, ngay từ khi triển khai dự án, đơn vị đã yêu cầu nhà thầu huy động tối đa lực lượng, khẩn trương thi công cầu Bến Đình và cầu Kênh Nam (huyện Tây Hòa). Đến nay, hai công trình cầu dân sinh này đã hoàn thành phần hạ bộ, mặt cầu. Nhà thầu đang tập trung thi công đường dẫn hai bên cũng như hệ thống ATGT. Các công trình sẽ hoàn thành trong tháng 9 này.
Theo ông Nguyễn Tấn Chân, Phó Giám đốc Sở GTVT Phú Yên, để công tác đảm bảo ATGT trong mùa mưa bão, Sở GTVT đã thành lập đoàn kiểm tra, rà soát từng tuyến đường và công tác chuẩn bị vật tư dự phòng, thiết bị khắc phục sự cố, phương án phân luồng, đảm bảo giao thông khi có tình huống xấu xảy ra. Các đơn vị thành viên Ban Phòng chống thiên tai của sở gồm đơn vị thực hiện bảo trì đường bộ, đơn vị sản xuất vật liệu đá… đã tiến hành rà soát, đăng ký về số lượng vật tư (sắt thép, đá các loại, vật tư dự phòng lụt bão…), xe máy các loại với hơn 100 đầu thiết bị. Từ đó, đơn vị tổng hợp, lên phương án điều động xử lý, khắc phục kịp thời hậu quả do mưa, lũ và tổ chức điều động khi có yêu cầu của cấp trên. Sở cũng đã rà soát các vị trí xung yếu có nguy cơ sạt lở cao, ngập lụt và thường xuyên bị hư hỏng, ách tắc giao thông trong mùa mưa bão để có phương án sửa chữa, xử lý khi thiên tai xảy ra.
Cũng theo ông Chân, việc đảm bảo ATGT đường thủy mùa mưa lũ cũng được quan tâm. Sở GTVT phối hợp với các đơn vị, địa phương kiểm tra an toàn đường thủy nội địa, xác định khu tránh trú bão, neo đậu tàu thuyền để có phương án sắp xếp neo đậu; nhắc nhở các chủ phương tiện, địa phương về quy định đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, nhất là trong mùa mưa bão. Đối với các công trình giao thông đang triển khai như nâng cấp Quốc lộ 25, đường Phước Tân - Bãi Ngà..., Sở GTVT yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm các giải pháp đảm bảo an toàn cho công trình và các phương tiện khi qua lại.
Đối với tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn qua địa bàn tỉnh, ngành Đường sắt cũng có nhiều giải pháp để chủ động ứng phó với thiên tai, lũ lụt. Theo Công ty CP Đường sắt Phú Khánh, trước mùa mưa bão, đơn vị đã chuẩn bị vật tư trang thiết bị sẵn sàng ở những vị trí xung yếu thường ảnh hưởng mưa bão để khắc phục ngay. Lực lượng đi tuần dọc tuyến phải bám sát địa bàn, báo cáo sự cố để xử lý kịp thời.