Nhằm tăng cường các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT thời gian tới, góp phần thực hiện đạt mục tiêu phấn đấu giảm tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh trên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương, thực hiện văn bản số 1467/TTg-CN ngày 23/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ; UBND tỉnh Bình Định yêu cầu các sở, ban, ngành, hội đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan tiếp tục xác định công tác bảo đảm trật tự ATGT là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; đồng thời thực hiện tốt một số nội dung tại Văn bản số 7907/UBND-KT ngày 26/11/2020.
Ảnh minh họa
Tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh tại Kế hoạch số 05/KH-UBND ngày 21/01/2020 về triển khai Năm An toàn giao thông 2020 trên địa bàn tỉnh với chủ đề “Đã uống rượu, bia không lái xe”, Văn bản số 322/UBND-KT ngày 15/01/2020 về đẩy mạnh thực hiện Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, Văn bản số 2647/UBND-KT ngày 26/4/2020 về tăng cường các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh, Văn bản số 5444/UBND-KT ngày 13/8/2020 về tăng cường bảo đảm trật tự ATGT trong diễn biến mới, phức tạp của dịch Covid-19, Văn bản số 6372/UBND-KT ngày 22/9/2020 về tăng cường bảo đảm trật tự ATGT nhằm hạn chế các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ,... Xây dựng và triển khai kế hoạch bảo đảm trật tự ATGT, chống ùn tắc giao thông các dịp Lễ Noel, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Tân Sửu và các Lễ hội xuân năm 2021.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các đoàn thể, các sở, ban, ngành, các cơ quan thành viên Ban An toàn giao thông tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và hoạt động của các tổ chức đoàn thể để phổ biến pháp luật về trật tự ATGT đến từng người dân, hộ gia đình, khu dân cư - nhất là khu vực nông thôn; chú trọng tuyên truyền, giáo dục các đối tượng cá biệt; khuyến cáo các nguy cơ tai nạn giao thông, các biện pháp phòng tránh tai nạn và giáo dục ý thức tự bảo vệ mình để người tham gia giao thông thực hiện; vận động hội viên, đoàn viên tích cực tham gia bảo đảm trật tự ATGT.
Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường Đại học, Cao đẳng, Dạy nghề trên địa bàn tỉnh thực hiện các giải pháp tuyên truyền giáo dục và bảo đảm ATGT cho học sinh, sinh viên; tăng cường các họat động thực hiện văn hóa giao thông trong trường học; chỉ đạo các nhà trường có biện pháp đôn đốc, nhắc nhở học sinh chấp hành các quy tắc giao thông, phải đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện và ngăn chặn tình trạng học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy; có biện pháp bảo đảm ATGT khu vực cổng trường. Tổ chức cho học sinh, sinh viên ký cam kết không điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe theo quy định pháp luật.
Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định, Báo Bình Định tăng cường tuyên truyền các biện pháp ngăn chặn tai nạn giao thông, hoạt động bảo đảm ATGT của các đơn vị, địa phương trong tỉnh, thường xuyên phát sóng, đăng báo các thông điệp về ATGT; phản ánh được những hậu quả, mất mát, thiệt hại do tai nạn gây ra để nhân dân hiểu và tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về ATGT.
Sở Giao thông vận tải chỉ đạo các trường dạy lái xe trên địa bàn tỉnh có kế hoạch cụ thể tăng cường tuyên truyền, giáo dục kỹ năng điều khiển phương tiện, ý thức chấp hành luật giao thông đối với người học lái xe.
Công an tỉnh chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường lực lượng, đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự ATGT; tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ, tập trung phát hiện xử lý các lái xe có hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy; lái xe chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ, đi sai phần dường, làn đường; xử lý bằng chế tài nghiêm khắc nhất theo quy định pháp luật đối với các hành vi tụ tập đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng; cương quyết trấn áp, trừng trị những đối tượng manh động, chống người thi hành công vụ; xử lý nghiêm lái xe, chủ xe vi phạm quy định về tải trọng phương tiện; người đi mô tô, xe máy vi phạm quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm. Xây dựng kế hoạch chỉ đạo huy động lực lượng tăng cường tuần tra kiểm soát, mở các chuyên đề xử lý vi phạm trật tự ATGT. Tập trung lực lượng tăng cường tuần tra kiểm soát trên các tuyến đường, các địa phương có tai nạn giao thông tăng, phải xử lý kiên quyết tất cả các trường hợp vi phạm. Nghiêm cấm lợi dụng chức vụ để can thiệt vào việc xử lý của lực lượng chức năng đối với các hành vi vi phạm trật tự ATGT; gửi thông báo đối tượng quy phạm về cơ quan, đơn vị, địa phương để kiểm điểm, giáo dục, răn đe, phòng ngừa vi phạm.
Sở Giao thông vận tải tiếp tục triển khai thực hiện lập lại trật tự lòng, lề đường, hành lang an toàn giao thông các tuyến đường bộ thuộc phạm vi quản lý; phối hợp với các địa phương xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành lang an toàn giao thông. Tiếp tục xây dựng kế hoạch kiểm tra liên ngành xử lý vi phạm chuyên đề lái xe sử dụng chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn tại đơn vị doanh nghiệp và hợp tác xã kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh, đặc biệt lái xe khách, xe tải trong dịp lễ, Tết năm 2021. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả việc kiểm soát tải trọng phương tiện. Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với phương tiện tham gia giao thông đường thủy nội địa.
UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các lực lượng tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự ATGT trên các tuyến đường địa phương; Tổ chức ra quân xử lý nghiêm việc lấn chiếm lòng, lề đường để kinh doanh trái phép; xử lý nghiêm xe quá tải trọng hoạt động trên các tuyến đường ở địa phương. Tăng cường kiểm tra ATGT đường thủy tại các bến ngang sông, điểm du lịch trên địa bàn. Tổ chức phân công lực lượng Công an phường, xã, thị trấn, thanh niên tình nguyện điều hòa giao thông tại trước cổng trường học để hỗ trợ học sinh qua đường an toàn, hạn chế ùn tắc giao thông vào giờ tan học; xử lý nghiêm các trường hợp phương tiện dừng đỗ để đưa, đón học sinh không đúng quy định gây ùn tắc giao thông.
Bên cạnh đó, Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp các đơn vị, địa phương, các đơn vị quản lý đường bộ, đường sắt, chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, đề xuất xử lý kịp thời hư hỏng cầu đường, các bất cập hạ tầng giao thông theo phân cấp quản lý; vị trí nào hư hỏng, mất an toàn phải xử lý ngay để đảm bảo cho vận chuyển hành khách, hàng hóa và đi lại của người dân được thuận lợi, an toàn. Tăng cường công tác quản lý, bảo trì đường bộ trên các tuyến đường thuộc phạm vi quản lý, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và an toàn công trình giao thông; có phương án dự phòng nhân lực, phương tiện, vật tư, trang thiết bị cần thiết để sẵn sàng chủ động tổ chức phân luồng hướng dẫn giao thông và giải quyết các sự cố, tình huống phát sinh, đặc biệt là trong mùa mưa, lũ.
Ban An toàn giao thông tỉnh tiếp tục chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh và các đơn vị, địa phương rà soát, đề xuất khắc phục kịp thời các điểm mất an toàn giao thông; khảo sát đề xuất lắp đặt hệ thống cảnh báo, đèn tín hiệu giao thông, hệ thống đèn chiếu sáng, lắp đặt camera giám sát giao thông tại các nút giao phức tạp trên địa bàn tỉnh để phục vụ công tác quản lý trật tự ATGT.
UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động dành kinh phí thỏa đáng để xử lý các vị trí có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường phát quang tầm nhìn tại các ngã ba, ngã tư, các đoạn đường cong trên địa bàn. Tăng cường bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn nông thôn; rà soát và khắc phục các nguy cơ gây tai nạn giao thông trên tuyến đường nông thôn.Chủ động đề ra các phương án chống lấn, chiếm hành lang ATGT gây mất ATGT; xử lý kiên quyết việc lấn, chiếm hành lang ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa gây mất ATGT theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật. Chỉ đạo tiếp tục rà soát, bổ sung các thiết bị báo hiệu trên các tuyến đường địa phương quản lý như: Biển báo, vạch sơn, gờ giảm tốc; các điểm đấu nối với đường chính nhằm bảo đảm cho người dân lưu thông an toàn, thuận lợi. Tiếp tục thực hiện công tác duy tu, sửa chữa khắc phục ngay những đoạn đường hư hỏng; điều chỉnh tín hiệu đèn điều khiển giao thông hợp lý;....
Các địa phương có tuyến đường sắt đi qua chủ động rà soát, xử lý triệt để khi phát hiện các trường hợp xây dựng lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt, hành vi phá dỡ các lối đi tự mở đã rào xóa bỏ hoặc tạo lối đi mới. Tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả các biện pháp bảo đảm trật tự ATGT đường sắt trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các đơn vị đường sắt thường xuyên theo dõi, rà soát và triển khai thực hiện các biện pháp hiệu quả nhằm bảo đảm an toàn tại các lối đi tự mở đã được xóa bỏ và các vị trí đang tổ chức cảnh giới. Xử lý kịp thời những hành vi xâm phạm hành lang đường sắt, phá hoại công trình đường sắt; đồng thời xử lý, kỷ luật đối với người đứng đầu, các cá nhân và tổ chức có liên quan nếu để xảy ra trường hợp lấn, chiếm, sử dụng trái phép hoặc cấp phép xây dựng công trình, cấp phép kinh doanh trong hành lang đường sắt, phá hoại công trình đường sắt, để người dân phá dỡ các lối đi dân sinh đã rào xóa bỏ hoặc để phát sinh thêm lối đi tự mở mới.
Đề nghị Cục Quản lý Đường bộ III thường xuyên phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh, Sở Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, yêu cầu các Nhà đầu tư BOT, các đơn vị quản lý tuyến quốc lộ thực hiện nghiêm việc khắc phục các hư hỏng, bất cập hạ tầng giao thông, đặc biệt trên tuyến quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh Bình Định; đồng thời đánh giá kết quả thực hiện của Nhà đầu tư, báo cáo, đề xuất Bộ Giao thông vận tải, Tổng Cục đường bộ Việt Nam phương án xử lý theo quy định đối với các Nhà đầu tư chậm trễ hoặc không thực hiện đầy đủ các công tác bảo đảm ATGT, duy tu, sửa chữa hạ tầng giao thông; tổ chức kiểm tra, xử lý các vị trí ngập nước trên các tuyến quốc lộ. Kịp thời phối hợp, chỉ đạo các đơn vị quản lý tuyến quốc lộ khắc phục và điều chỉnh những bất hợp lý tại các nút giao đồng mức, xử lý “điểm đen” tai nạn giao thông và mất ATGT; khẩn trương rà soát và điều chỉnh hệ thống báo hiệu đường bộ theo Quy chuẩn 41:2019/BGTVT. Tiếp tục kiểm tra, yêu cầu các đơn vị quản lý tuyến bổ sung các cảnh báo, báo hiệu đường bộ tại các vị trí qua trường học trên tuyến quốc lộ nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các em học sinh tham gia giao thông.
Sở Giao thông vận tải tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô đến các đơn vị chuyên môn trực thuộc Sở Giao thông vận tải, các doanh nghiệp vận tải và hợp tác xã vận tải trên địa bàn tỉnh; đồng thời tăng cường kiểm tra việc triển khai thực hiện và chấp hành các yêu cầu của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP đối với các đơn vị hoạt động vận tải, Thông tư số 38/2019/TT-BGTVT ngày 08/10/2019 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT ngày 15/4/2017 của Bộ trưởng Giao thông vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ.
Yêu cầu các doanh nghiệp vận tải, hợp tác xã vận tải trên địa bàn tỉnh khẩn trương rà soát, kiểm tra các điều kiện an toàn kỹ thuật phương tiện, niên hạn xe, đăng kiểm, các điều kiện đăng ký hoạt động vận tải, phù hiệu và thời hạn của phù hiệu, hợp đồng xe,… đối với các phương tiện của đơn vị. Không điều động, không cấp lệnh cho lái xe xuất bến khi phương tiện không đảm bảo an toàn, không đầy đủ các điều kiện trong hoạt động vận tải theo quy định. Thường xuyên theo dõi các điều kiện hoạt động của phương tiện trước khi lưu thông trên đường, theo dõi qua thiết bị giám sát hành trình để nhắc nhở, cảnh báo kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về quy định trong hoạt động vận tải, các quy định khi tham gia giao thông. Theo dõi, thống kê các đơn vị doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải thường xuyên vi phạm các quy định trong hoạt động kinh doanh, vận tải, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự ATGT. Đưa các đơn vị này vào danh sách cảnh báo, xử lý nghiêm theo quy định tùy theo từng mức độ vi phạm có các hình thức xử lý như: Đình chỉ khai thác tuyến, đình chỉ hoạt động có thời hạn, thu hồi phù hiệu -biển hiệu hoặc Giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định của pháp luật, đồng thời thông báo danh sách cụ thể cho lực lượng Cảnh sát giao thông để phục vụ công tác kiểm soát và xử lý vi phạm.
Sở Y tế chỉ đạo các Bệnh viện, Trung tâm y tế trong tỉnh tăng cường công tác sơ cấp cứu, nhanh chóng chuyển người bị tai nạn giao thông tại hiện trường đến các cơ sở y tế; cấp cứu kịp thời, tích cực điều trị các trường hợp chấn thương do tai nạn giao thông; chỉ đạo việc tổ chức khám sức khỏe cho người thi lấy giấy phép lái xe cơ giới đường bộ và phương tiện thủy nội địa theo quy định.
Định kỳ, Ban An tòan giao thông tỉnh phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức các Đoàn công tác làm việc với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh về công tác bảo đảm trật tự ATGT nhằm kiểm tra việc thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT đồng thời đề ra các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT, góp phần giảm tai nạn giao thông; tổng hợp tình hình báo cáo UBND tỉnh theo quy định.
Số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận các ý kiến phản ánh của người dân về tình hình trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh Bình Định: 0917349977 (Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh), 0912544469 (Thanh tra Sở Giao thông vận tải), 0917442689 (Phòng Quản lý giao thông, Sở Giao thông vận tải), 0914944969 (Phòng Quản lý vận tải, Sở Giao thông vận tải), 02563822863 (Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ-đường sắt Công an tỉnh).