Trong giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT), nên tình hình tai nạn giao thông được kiềm chế cả 3 tiêu chí. Toàn tỉnh xảy ra 829 vụ tai nạn giao thông, làm chết 499 người, bị thương 871 người; so với cùng kỳ 5 năm (2011 - 2015) giảm 445 vụ (giảm 9,41%), giảm 161 người chết (giảm 34,93%), giảm 714 người bị thương (giảm 45,05%).
Nâng cao ý thức chấp hành giao thông qua các hội thi.
Theo Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Nguyễn Quốc Tuấn, để đạt được kết quả này, Ban ATGT đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành, các đoàn thể chính trị thực hiện các giải pháp đảm bảo trật tự ATGT. Tổ chức 16.463 cuộc tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường bộ, nghị định xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến đường bộ, đường thủy nội địa cho trên 905.000 lượt người; cung cấp 540 clip chứa các thông điệp tuyên truyền ATGT; phát 365.163 tờ rơi, 10.620 sổ tay, dán 18.432 logo tuyên truyền đã sử dụng rượu, bia thì không lái xe. Nhiều loại hình, phương pháp tuyên truyền được triển khai hiệu quả như: tổ chức sáng tác, biểu diễn các ca khúc, vở kịch, tiểu phẩm với chủ đề ATGT tại các điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng dân cư; tổ chức ngày hội “Thanh niên với ATGT”; tổ chức hội thi “Tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ, đường thủy nội địa”, “Tuyên truyền viên giỏi”, “Tìm hiểu kiến thức pháp luật về ATGT”, “Bé với ATGT”…
Trong công tác đảm bảo ATGT, Sở Giao thông vận tải Sóc Trăng đã nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về điều kiện kinh doanh để đảm bảo quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh vận tải hành khách và vận tải hàng hóa đường bộ. Hướng dẫn, triển khai thực hiện việc khai thác thông tin từ thiết bị giám sát hành trình phục vụ cho việc kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm. Hiện trên địa bàn tỉnh có 44 đơn vị kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa, với 1.933 xe ôtô kinh doanh vận tải (753 xe khách, 1.141 xe tải, 23 xe container, 16 xe đầu kéo) đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng hoàn thiện quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, lồng ghép mục tiêu ATGT, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ hành lang đường bộ, đường thủy nội địa. Trong giai đoạn 2016 - 2020, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tiếp tục được đầu tư và phát triển, gồm: Quốc lộ 1A và tuyến tránh ngang qua địa bàn TP. Sóc Trăng được nâng cấp, mở rộng; Quản lộ Phụng Hiệp được nâng cấp, mở rộng; 5 cầu trên Quốc lộ 61B được đầu tư mới; đường trục phát triển kinh tế từ TP. Sóc Trăng qua cầu Dù Tho đến vùng kinh tế trọng điểm tôm - lúa tỉnh Sóc Trăng; một số cầu yếu trên các tuyến đường tỉnh được thi công hoàn thành đưa vào sử dụng; công tác quản lý, bảo trì, sửa chữa đột xuất, đảm bảo giao thông trên hệ thống đường tỉnh được triển khai thường xuyên hàng năm…
Kiểm soát chạy quá tốc độ trên những tuyến đường mới được nâng cấp, mở rộng.
Công tác xử lý theo chuyên đề, các đợt cao điểm được thực hiện thường xuyên, huy động lực lượng, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm các hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông như: vi phạm tốc độ, nồng độ cồn, làn đường, tránh vượt, chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm… Trong 5 năm, các lực lượng đã tổ chức 79.761 cuộc tuần tra, kiểm soát, xử lý 143.716 trường hợp vi phạm (thu hơn 148 tỉ đồng, tước 9.569 giấy phép lái xe có thời hạn, tạm giữ 56.630 phương tiện).
Có thể nói, qua 5 năm, tỉnh Sóc Trăng đã thực tốt các biện pháp để kéo giảm 3 tiêu chí tai nạn giao thông. Để duy trì được điều này, đòi hỏi công tác quản lý nhà nước về trật tự ATGT phải được thực hiện nghiêm túc, có hiệu lực, hiệu quả. Phân tích, xác định chính xác các nguyên nhân tai nạn giao thông, đánh giá khách quan những khuyết điểm, tồn tại, dự báo tình hình trật tự ATGT và đề ra những giải pháp, biện pháp đúng đắn. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và lâu dài, với nhiều hình thức phong phú, nội dung sát thực, quan tâm đặc biệt đến đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên. Đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm pháp luật về trật tự ATGT, chú trọng việc xử lý vi phạm hành lang ATGT, kinh doanh vận tải, các hành vi người tham gia giao thông có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông.