Thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU của Tỉnh ủy về Chương trình chuyển đổi số, ngành Giao thông vận tải xác định nhiệm vụ trọng yếu trong giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 lấy “chuyển đổi số là khâu đột phá”. Trong đó, mục tiêu xây dựng hệ thống giao thông thông minh đồng bộ sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm tới. Tuy nhiên, đây là vấn đề đòi hỏi phải đầu tư lớn về kinh phí, công nghệ nên khi triển khai, ngành cần có những tính toán, giải pháp và xây dựng lộ trình phù hợp…
Kỳ I: Xu thế tất yếu
Giải quyết các vấn đề về giao thông, đô thị bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin đang là xu thế tất yếu của các đô thị hiện đại. Thái Nguyên đang phấn đấu là tỉnh công nghiệp nên tốc độ phát triển kinh tế cũng như vấn đề đô thị hóa nhanh kéo theo nhu cầu vận tải, gia tăng phương tiện đã tạo áp lực lên hệ thống giao thông, làm tăng nguy cơ ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông. Việc xây dựng hệ thống giao thông thông minh trong một đô thị hiện đại sẽ giải quyết được những khó khăn này.
Bến xe khách Trung tâm TP. Thái Nguyên
Giao thông thông minh và những lợi ích “kép”
Trong câu chuyện với ông Trịnh Bá Sơn, Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình và An toàn giao thông, chúng tôi được biết: Mặc dù mới được nghiên cứu nhưng Giao thông thông minh (GTTM) ở Thái Nguyên đang là vấn đề được nhiều người quan tâm. Hiện nay cả nước có hơn 20 tỉnh, thành đã, đang xây dựng các trung tâm giám sát, điều hành GTTM và hoạt động khá hiệu quả. Chúng tôi đang nghiên cứu vấn đề này và sẽ đưa ra những giải pháp tối ưu cho giao thông tỉnh nhà phát triển theo xu thế tất yếu của đô thị hiện đại.
Hiểu một cách đơn giản nhất, GTTM là việc áp dụng các công nghệ tiên tiến trong quản lý hoạt động giao thông vận tải. Hệ thống này được liên kết bởi 3 yếu tố: Cơ sở hạ tầng, phương tiện giao thông và con người để xây dựng nên các ứng dụng và công nghệ áp dụng nhằm quản lý, giám sát hoạt động giao thông. Các dịch vụ trong GTTM hướng đến 2 đối tượng phục vụ chính là các nhà quản lý hoạt động giao thông và người tham gia giao thông. Đối với các nhà quản lý thì các dịch vụ trong GTTM trợ giúp cho việc theo dõi, giám sát các hoạt động giao thông, hỗ trợ việc đưa ra quyết định thông qua việc thu thập và phân tích các số liệu được ghi nhận lại trong hoạt động giao thông. Còn đối với người tham gia giao thông được cung cấp các thông tin giúp xây dựng được kế hoạch di chuyển đảm bảo được yếu tố: tiết kiệm thời gian, di chuyển an toàn, tránh các yếu tố xung đột trong quá trình di chuyển.
Như vậy, việc áp dụng GTTM sẽ cải thiện mạng lưới đường bộ, giải quyết các vấn đề khó khăn, cấp bách đối với những đô thị đang phát triển nhanh và hiện đại. Người tham gia giao thông được thông tin tình trạng giao thông, cảnh báo ùn tắc giao thông để chọn cho mình một lộ trình thích hợp; đồng thời cũng cho phép người dân phản ảnh trực tiếp về các vấn đề liên quan đến hạ tầng, đường sá, đèn tín hiệu hoặc đóng góp thông tin về những vị trí đang xảy ra sự cố giao thông...
Nhìn vào thực tế
Những năm gần đây, hệ thống đường giao thông của Thái Nguyên đang từng bước được đầu tư hoàn thiện theo hướng đồng bộ, hiện đại. Toàn tỉnh hiện có 38,7 km đường cao tốc, 5 tuyến Quốc lộ với tổng chiều dài 244km, 20 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài 374km, đường Quốc lộ 3 Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) dài khoảng 22,6km. Tuyến vành đai V từ Hiệp Hòa (Bắc Giang) qua huyện Phú Bình, T.X Phổ Yên và T.P Sông Công sang Vĩnh Phúc dài 45km. Đường Hồ Chí Minh dài 32km, giai đoạn 1 đã hoàn thành đưa vào khai thác 17km. Ngoài ra, tỉnh còn có 92 tuyến đường huyện dài 742km, 2.240 tuyến đường xã dài trên 3.232km và hàng nghìn kilomet đường thôn, bản, nội đồng. Các tuyến đường giao thông nông thôn được nâng cấp, cải tạo, nhựa hóa, bê tông hóa đạt 8.005km…
Mặc dù được quan tâm đầu tư nhưng cơ sở hạ tầng giao thông hiện vẫn chưa theo kịp với sự gia tăng phương tiện, lượng người tham gia giao thông. Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh), những năm gần đây, phương tiện giao thông trên địa bàn tỉnh tăng nhanh, bình quân mỗi năm tăng trên 46.000 xe các loại. Tính đến hết năm 2020, tổng số phương tiện đang quản lý là 866.034 phương tiện, trong đó: 72.557 xe ô tô, 772.392 xe mô tô và 21.085 xe máy điện (không kể số mô tô, xe máy, ô tô đăng ký ở các tỉnh khác và xe của Quân đội hoạt động trên địa bàn). Thái Nguyên là địa phương đứng thứ 3 cả nước về tỷ lệ sở hữu ô tô cá nhân trên hộ dân với tỷ lệ 10,3%, chỉ xếp sau Hà Nội và Đà Nẵng (theo kết quả của tổng điều tra dân số nhà ở của Tổng cục Thống kê).
Trong khi dân số của toàn tỉnh xấp xỉ 1,3 triệu người, mật độ 347 người/km2. Riêng T.P Thái Nguyên hiện có dân số khoảng 500.000 người, mật độ trên 1.900 người/km2. Với mật độ dân số và phương tiện giao thông lớn như hiện nay thì việc tổ chức giao thông và điều tiết giao thông là vô cùng phức tạp. Thực tế hiện nay việc phân làn, phân luồng giao thông tại một số tuyến đường chưa phù hợp, nhiều vị trí trong thành phố xuất hiện tình trạng ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm. Mặt khác lực lượng CSGT trong toàn tỉnh đang ngày càng được tinh gọn, không đủ lực lượng để dải đều thực hiện công tác tuần tra, giám sát trên tất cả các tuyến giao thông, dẫn đến tình trạng vi phạm phổ biến nhưng không được nhắc nhở, xử lý vi phạm.
Với một hạ tầng kỹ thuật như vậy, việc đáp ứng các yêu cầu tối thiểu của GTTM là rất khó khăn. Trong khi để xây dựng hệ thống GTTM thì đòi hỏi mạng lưới giao thông đô thị phải tương xứng theo quy mô, cấp đô thị. Tại các khu đô thị hiện có cần phân loại mạng lưới đường giao thông, tổ chức lại giao thông hợp lý và xây dựng đồng bộ mạng lưới các công trình cơ sở hạ tầng khác. Trong đó cần phát triển đa dạng hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ vận tải hành khách công cộng để đảm bảo trật tự an toàn giao thông đô thị và bảo vệ môi trường.
Ban ATGT tỉnh Thái Nguyên