Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, qua đánh giá hơn 3 năm thực hiện Luật Đường sắt 2017 cho thấy, công tác đảm bảo ATGT đường sắt có nhiều chuyển biến tích cực.
Trật tự hành lang ATGT đường sắt tiếp tục được duy trì và cải thiện. Bộ GTVT, Cục Đường sắt VN đã phối hợp tốt với các cấp chính quyền địa phương trong việc đảm bảo ATGT đường sắt tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh đường sắt thực hiện nghiêm biện pháp đảm bảo ATGT đường sắt thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp.
Hơn 460 lối đi tự mở đã được xóa bỏ.
Ảnh: Các lực lượng công an, đường sắt kiểm tra, xử lý lối đi tự mở
Thông qua việc phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương, 3 năm qua, đã xóa bỏ được 464 lối đi tự mở.
Số vụ TNGT đường sắt giảm rõ rệt, năm sau thấp hơn năm trước trên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương. Cụ thể: Năm 2019 giảm 24 vụ (8,66%), giảm 13 người chết (10,4%) so với năm 2018; Năm 2020 giảm 66 vụ (8,66%), giảm 40 người chết (35,71%) và 66 người bị thương (46,48%) so với năm 2019; Năm 2021 giảm 38 vụ (20,32%), giảm 5 người chết (6,94%) và 7 người bị thương (9,21%) so với năm 2020.
Tuy nhiên, phạm vi bảo vệ công trình đường sắt và hành lang ATGT đường sắt vẫn bị vi phạm nhiều với 11.463 vị trí vi phạm hành lang và 5.783 vị trí vi phạm công trình thông tin tín hiệu. Trong đó, có hơn 1.600 vị trí tiềm ẩn TNGT đường sắt cần được giải tỏa.
Cũng theo Cục Đường sắt VN, qua theo dõi, thống kê về TNGT đường sắt cho thấy, tai nạn chủ yếu xảy ra tại các đường ngang và lối đi tự mở, chiếm khoảng 60% tổng số vụ tai nạn. Số vụ còn lại xảy ra dọc tuyến đường sắt do chủ quan của con người, vi phạm khổ giới hạn.
Từ đây, Cục Đường sắt VN khẳng định giải pháp căn cơ là xóa bỏ lối đi tự mở, làm đường gom và hàng rào ngăn cách giữa đường bộ - đường sắt.
Theo Đề án đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 358), đến năm 2025 xóa bỏ hoàn toàn lối đi tự mở.
Đề án cũng nêu rõ đến năm 2025, cần xây dựng 675,63 km đường gom trên địa bàn 34 tỉnh, thành phố có tuyến đường sắt đi qua với tổng kinh phí dự kiến là 4.285 tỷ đồng từ nguồn vốn địa phương hoặc Trung ương bố trí cho địa phương theo dự án được cấp thẩm quyền phê duyệt.