Tiền Giang: Tăng cường các giải pháp cấp bách nhằm kéo giảm TNGT từ nay đến cuối năm 2022

Thứ tư, 05/10/2022 16:09
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 4/10, UBND tỉnh Tiền Giang có Công văn số 5464 tăng cường các giải pháp cấp bách nhằm kéo giảm tai nạn giao thông từ nay đến cuối năm 2022.

Theo đó, nhằm góp phần kiềm chế và phấn đấu kéo giảm tai nạn giao thông ít nhất từ 5% trở lên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương so với cùng kỳ năm 2021, UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Thành viên Ban An toàn giao thông tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố: Triển khai thực hiện quyết liệt, nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban An toàn giao thông tỉnh trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ nay đến cuối năm 2022. Cụ thể:

Công an tỉnh mở cao điểm tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường thủy. Trong đó tập trung xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông trong 9 tháng đầu năm như: vi phạm quy định nồng độ cồn, vi phạm tốc độ, đi không đúng phần đường, làn đường, không nhường đường, đi ngược chiều…chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vụ tụ tập gây rối trật tự công cộng, đua xe trái phép.

Phối hợp ứng trực trên các tuyến giao thông trọng điểm, các khu vực giao thông phức tạp, có nguy cơ ùn tắc giao thông để có phương án tổ chức, điều tiết giao thông, cứu nạn kịp thời khi xảy ra sự cố, tai nạn, không để phát sinh ùn tắc giao thông nghiêm trọng kéo dài.

Lực lượng Cảnh sát giao thông huyện Gò Công Tây tăng cường tuần tra
các tuyến đường có nguy cơ tiềm ẩn gây ra các vụ tai nạn giao thông; kiểm soát xe chở quá tải trọng

Sở Giao thông vận tải tăng cường kiểm tra, quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông; khắc phục kịp thời các đoạn đường bị hư hỏng. Thường xuyên kiểm tra, rà soát bổ sung, khắc phục kịp thời hệ thống vạch sơn, biển báo hiệu giao thông, đèn tín hiệu, thiết bị cảnh báo phản quang tại các nút giao, các đoạn đường thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Kiểm tra các điều kiện về an toàn giao thông tất cả các công trình đang khai thác và các công trình đang thi công; xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm. Phối hợp với các địa phương kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm kết cấu hạ tầng giao thông, việc vi phạm hành lang an toàn giao thông; phối hợp điều tiết, phân luồng giao thông, kịp thời điều tiết khi xảy ra tai nạn, ùn tắc giao thông, nhất là trên các tuyến có lưu lượng phương tiện lớn, các điểm thường xảy ra ùn tắc giao thông như: Quốc lộ 1, Quốc lộ 60, khu vực cầu Rạch Miễu, ngã 4 Lương Phú, ngã tư Đồng Tâm, ngã 3 An Thái Trung.

Tăng cường quản lý công tác đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái phương tiện. Kiểm tra, xử lý vi phạm của các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô thông qua việc cung cấp, quản lý và sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô. Tăng cường quản lý an toàn đường thủy, kiểm soát chặt chẽ các phương tiện vận chuyển hành khách và người lái ngay từ đầu bến, nhất là bến khách du lịch; kiên quyết đình chỉ hoạt động các bến trái phép, phương tiện không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn, dụng cụ cứu sinh, chở quá số người quy định.

Đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy định pháp luật về an toàn giao thông đường thủy nội địa của tổ chức, cá nhân liên quan; kiên quyết đình chỉ hoạt động của các bến và phương tiện thủy nội địa chưa đáp ứng đầy đủ quy định về an toàn như: đăng ký, đăng kiểm, chứng chỉ chuyên môn người lái phương tiện, trang bị dụng cụ cứu đắm, cứu sinh...

Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng phát động cho học sinh, sinh viên tham gia các cuộc thi tìm hiểu, tuyên truyền phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường thủy nội địa.

Tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông khu vực cổng trường học, không để xảy ra tình trạng mất an toàn giao thông, ùn tắc giao thông vào các giờ cao điểm.

Đẩy mạnh giáo dục kiến thức và kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh, sinh viên, yêu cầu cha mẹ học sinh ký và thực hiện cam kết chấp hành quy định an toàn giao thông cho học sinh, đặc biệt là phải đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi đi xe mô tô, xe máy; không giao mô tô, xe máy cho trẻ em chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện theo quy định.

Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ấp Bắc tăng cường thời gian, tần suất và nâng cao hiệu quả các chuyên mục, chương trình, nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật an toàn giao thông. Thường xuyên cập nhật kịp thời tình hình tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, các thông tin hỗ trợ hướng dẫn đi lại cho các lái xe và người dân.

Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc thực hiện công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Chủ động báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Ban An toàn giao thông tỉnh các vấn đề mới phát sinh, tham mưu, đề xuất các giải pháp xử lý kịp thời.

Chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các địa phương có tình hình trật tự an toàn giao thông phức tạp. Đặc biệt các địa phương có tình hình tai nạn giao thông tăng.

Phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh kịp thời khen thường, biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích nổi bật trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông theo nội dung Kế hoạch số 92/KH-UBND ngày 17/3/2022 về phát động chuyên đề thi đua “Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông” năm 2022. Đồng thời phê bình, kỷ luật các tập thể, cá nhân cố tình lơ là, thực hiện không hiệu quả các nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông bằng nhiều hình thức phù hợp với từng đối tượng, đến tận phường, xã, khu phố, ấp, tổ nhân dân tự quản; kịp thời biểu dương, khen thưởng các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông; phê phán, lên án các hành vi cố ý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông;

Quán triệt cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên phải gương mẫu chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, đồng thời vận động gia đình, người thân nêu gương, không vi phạm pháp luật về an toàn giao thông để con cháu noi theo.

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn quản lý, hạn chế thấp nhất số vụ tai nạn giao thông (nhất là số người chết). Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nếu cuối năm không đạt các chỉ tiêu kéo giảm tai nạn giao thông theo quy định.

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông phù hợp với các nhóm đối tượng khác nhau; đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông tin cơ sở.

Tăng cường công tác quản lý hoạt động các bến khách ngang sông trên địa bàn; cương quyết đình chỉ hoạt động của các bến đò ngang, bãi vật liệu trái phép, các phương tiện chở khách ngang sông không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn.

Tăng cường quản lý, khai thác bảo trì các tuyến đường bộ, đường thủy nội địa trên địa bàn được phân cấp quản lý; thanh thải các chướng ngại vật, đăng, đáy cá; giải tỏa các công trình ảnh hưởng đến hành lang bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy nội địa trên địa bàn quản lý.

Kiên quyết xử lý các trường hợp lấn chiếm lòng, lề đường, hành lang an toàn giao thông để kinh doanh, mua bán, họp chợ…

hoavt

Nguồn: Báo Ấp Bắc

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)