Gia Lai: Nâng cao năng lực sơ cứu, cấp cứu nạn nhân TNGT đường bộ

Thứ ba, 21/05/2013 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Thực hiện kế hoạch về công tác bảo đảm TTATGT năm 2013,Sở Y tế Gia Lai vừa triển khai kế hoạch Nâng cao năng lực sơ cứu, cấp cứu TNGT đường bộ trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện kế hoạch về công tác bảo đảm TTATGT năm 2013,Sở Y tế Gia Lai vừa triển khai kế hoạch Nâng cao năng lực sơ cứu, cấp cứu TNGT đường bộ trên địa bàn tỉnh.

Từ thống kê của Bộ Y tế, qua các vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ, nếu nạn nhân được sơ, cấp cứu đúng và kịp thời có thể giảm được 10% số người chết do TNGT.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 47 Trạm Y tế (Trạm) nằm trên 03 trục quốc lộ chính: quốc lộ 14, 19, 25 đi qua; tuy nhiên số lượng nhân viên tại các Trạm còn rất mỏng, trung bình chỉ từ 4 - 5 nhân viên/Trạm và bác sỹ công tác ở các Trạm chưa đủ; trình độ cấp cứu tai nạn, cấp cứu chấn thương còn hạn chế, trang thiết bị y tế còn yếu kém. Đây là một trong những nguyên nhân đã làm tăng tỷ lệ tử vong của TNGT, do nạn nhân không được kịp thời sơ cứu, cấp cứu và không đúng cách bằng những thao tác sơ cấp cứu, cầm máu, chống sốc ngay sau tai nạn trước khi đến bệnh viện.

Theo phân tích số liệu TNGT năm 2012 của Ban An toàn giao thông tỉnh, cho thấy tuyến đường quốc lộ xảy ra tai nạn chiếm tỷ lệ cao nhất: 52,91% (109/206 vụ); đường tỉnh chiếm 17,48% (36/206 vụ); giao thông nông thôn chiếm 17,48% (36/206 vụ); đường nội thị chiếm 9,71% (20/206 vụ), đường khác 2,43% (5/206 vụ).

Để từng bước khắc phục những hạn chế, yếu kém, Sở Y tế đã xác định các nội dung và giải pháp để nâng cao năng lực sơ cứu, cấp cứu TNGT, trước mắt tập trung cho các Trạm nằm trên 03 tuyến quốc lộ chính (14, 19, 25) và Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố Pleiku, các bệnh viện đứng chân trên địa bàn tỉnh; thời gian thực hiện từ tháng 5/2013.

Theo đó, sẽ tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ y tế của các Trạm, với yêu cầu các thành viên sau lớp tập huấn sẽ thành thạo các kỹ năng sơ cứu, cấp cứu ban đầu đối với các nạn nhân TNGT; các Trạm được hỗ trợ một cơ số thuốc thiết yếu và các thiết bị y tế để kịp thời sơ cứu, cấp cứu nạn nhân TNGT được đưa đến Trạm và kể cả ngoại viện.

Tập trung triển khai xây dựng hệ thống sơ, cấp cứu từ điểm xảy ra TNGT đến Trạm, đến Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố và các bệnh viện đứng chân trên địa bàn (nơi gần nhất).

Tiến hành rà soát, trang bị toàn bộ hệ thống điện thoại đường dây nóng cho các Trạm, bảo đảm thường xuyên thông suốt liên lạc; có biển chỉ dẫn từ đường quốc lộ đến vị trí Trạm và tại các Trạm có hộp đèn neon ghi Điểm Cấp cứu để ban đêm dễ nhận biết.

Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố Pleiku và các bệnh viện đứng chân trên địa bàn tỉnh, xây dựng phương án cụ thể để cấp cứu TNGT: về trang thiết bị, thuốc, trực sẵn sàng 24/24 giờ. Thành lập 02 đội cấp cứu ngoại viện, mỗi đội gồm 01 xe cứu thương, 01 bác sỹ, 02 điều dưỡng, cơ số thuốc, trang thiết bị cần thiết để cấp cứu ngoại viện khi có yêu cầu; trong đó chú trọng đến công tác thường xuyên tổ chức diễn tập tình huống nhằm đáp ứng thuần thục các kỹ năng cấp cứu kịp thời.

Với những việc làm cụ thể, thiết thực, có tính bền vững; liên tục được kiểm tra, giám sát, hy vọng sẽ giảm được đáng kể những thương vong đáng tiếc của TNGT, do không sơ cứu, cấp cứu đúng và kịp thời.

Được biết, sau khi các nhiệm vụ này được triển khai trong những tháng còn lại của năm 2013; Sở Y tế sẽ tiếp tục xây dựng Đề án chung cho toàn ngành về Nâng cao năng lực cấp cứu TNGT đến năm 2015.

Nguồn: VOVGT

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)