Để người đi bộ không tử vong vì TNGT: Không thể chỉ hô khẩu hiệu

Thứ sáu, 24/05/2013 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Cũng như nhiều địa phương trong cả nước, những ngày đầu tháng 5/2013, Hà Nội đã tích cực hưởng ứng "Tuần lễ an toàn giao thông (ATGT) đường bộ toàn cầu lần thứ 2". Thế nhưng, điều đọng lại với nhiều người sau chiến dịch này không phải là kết quả số vụ tai nạn trong vòng một tuần các lực lượng chức năng ra quân, mà là ý thức người đi bộ (NĐB) dường như không có chuyển biến, để cuối cùng, chỉ sau ít ngày, một chiến dịch được tuyên truyền rầm rộ nhanh chóng bị lãng quên.
Cũng như nhiều địa phương trong cả nước, những ngày đầu tháng 5/2013, Hà Nội đã tích cực hưởng ứng "Tuần lễ an toàn giao thông (ATGT) đường bộ toàn cầu lần thứ 2". Thế nhưng, điều đọng lại với nhiều người sau chiến dịch này không phải là kết quả số vụ tai nạn trong vòng một tuần các lực lượng chức năng ra quân, mà là ý thức người đi bộ (NĐB) dường như không có chuyển biến, để cuối cùng, chỉ sau ít ngày, một chiến dịch được tuyên truyền rầm rộ nhanh chóng bị lãng quên.

Tại buổi họp báo giới thiệu sự kiện Việt Nam hưởng ứng "Tuần lễ ATGT đường bộ toàn cầu" lần thứ 2 do Liên hợp quốc phát động được tổ chức tại Hà Nội đầu tháng 5 vừa qua, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia có một nhận xét rất xác đáng về tình trạng tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến NĐB. Theo ông, tại Việt Nam, TNGT đường bộ là một gánh nặng lớn cho xã hội. Năm 2012, cả nước có hơn 9.000 người chết và hàng chục nghìn người khác bị thương. Ước tính, khoảng 3% số vụ TNGT là do NĐB, cho nên có thể nói NĐB vừa là nạn nhân, vừa là nguyên nhân. Do đó, "Tuần lễ ATGT đường bộ toàn cầu lần thứ 2" được triển khai từ ngày 6 đến ngày 12/5 có chủ đề "An toàn cho NĐB".

Trong tuần lễ này, Hà Nội cùng các địa phương trong cả nước triển khai rầm rộ nhiều hoạt động hướng vào việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật ATGT cho NĐB. Đó là, cảnh báo các nguy cơ gây TNGT cho NĐB và biện pháp phòng tránh tai nạn khi đi bộ; kêu gọi người điều khiển phương tiện cơ giới chủ động giảm tốc độ và nhường đường cho NĐB; tạo các điều kiện tốt nhất về hạ tầng giao thông để bảo đảm an toàn cho NĐB. Theo đó, các lực lượng chức năng đã có mặt tại 20 cầu vượt, hầm chui và hàng chục nút giao thông trên địa bàn để tuyên truyền, hướng dẫn giao thông; xử phạt vi phạm đối với người điều khiển xe cơ giới không chấp hành quy định nhường đường cho NĐB. Trên nhiều tuyến phố, nhất là trong khu vực quận Hoàn Kiếm đã xuất hiện những hàng rào sắt đặt sát vỉa hè, trên đó có ghi "Nhường đường cho NĐB". Nhưng, như thừa nhận của chính ông Nguyễn Hoàng Hiệp, NĐB chỉ tuân thủ nghiêm được ít giờ đầu lực lượng chức năng ra quân, sau đó lại vô tư vi phạm dù đã được nhắc nhở, thậm chí bị xử phạt. Việc NĐB trèo qua dải phân cách, hoặc sang đường không đúng nơi quy định diễn ra khá phổ biến.

Theo Trung tá Nguyễn Văn Đức - Đội trưởng Đội CSGT số 2 (Phòng CSGT đường bộ - đường sắt), thời gian qua, mặc dù đơn vị luôn quán triệt việc xử lý nghiêm các vi phạm trật tự ATGT trong đó có các hành vi vi phạm liên quan đến NĐB, song một bộ phận người dân vẫn thiếu ý thức, không nhận thức rõ hậu quả khôn lường đi kèm với lỗi vi phạm này.

Tuyên truyền nhắc nhở, xử phạt vi phạm là cần thiết, nhưng chỉ là "phần ngọn". Quan trọng là giải quyết "phần gốc" thì cơ quan chức năng lại chưa làm tốt. Đó là đánh giá của nhiều người dân về việc Hà Nội hưởng ứng Tuần lễ ATGT đường bộ. Thậm chí, không ít người còn cho rằng, chúng ta đang hưởng ứng một cách hình thức. Để hạn chế NĐB tử vong vì TNGT, mấu chốt vẫn là phải đầu tư thêm nhiều công trình hầm chui, cầu vượt, đồng thời thực hiện nghiêm chủ trương "vỉa hè dành cho NĐB". Có những việc có thể làm ngay như sơn lại vạch kẻ đường, sửa chữa và bổ sung biển báo hiệu, đèn tín hiệu dành cho NĐB, tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, trả lại vỉa hè bằng cách giải tỏa các vị trí bị lấn chiếm, xóa bỏ các điểm trông giữ xe trên vỉa hè...

Trên thực tế, tại Hà Nội, vỉa hè đang là một nguồn thu quan trọng của không ít chính quyền cấp phường. Chính sự bất hợp lý này đã đẩy NĐB phải xuống lòng đường, từ đó tiềm ẩn nguy cơ TNGT. Đồng ý 3% số vụ TNGT có lỗi từ NĐB, nhưng chỉ đổ lỗi cho người dân trong khi cơ quan quản lý nhà nước chưa làm hết trách nhiệm, sẽ rất khó để mục tiêu hạn chế NĐB tử vong vì TNGT trở thành hiện thực.

Nguồn: Báo Hà Nội mới

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)