Theo Chi cục Bảo vệ môi trường TPHCM, tại các đô thị lớn như TPHCM khói thải của các phương tiện giao thông cơ giới là một trong những nguồn gây ô nhiễm không khí nguy hiểm cho sức khỏe con người. Không chỉ có vậy, trong khói xe còn có rất nhiều loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính như CO2, Nitơ… làm biến đổi khí hậu Trái đất.
Theo Chi cục Bảo vệ môi trường TPHCM, tại các đô thị lớn như TPHCM khói thải của các phương tiện giao thông cơ giới là một trong những nguồn gây ô nhiễm không khí nguy hiểm cho sức khỏe con người. Không chỉ có vậy, trong khói xe còn có rất nhiều loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính như CO2, Nitơ… làm biến đổi khí hậu Trái đất.
Làm cảng, khơi luồng
Ý thức rất rõ mối nguy hiểm này nên thời gian gần đây, TPHCM đã có nhiều nỗ lực cho việc phát triển giao thông đường thủy-một loại hình giao thông tiết kiệm năng lượng hơn, ít phát thải khói hơn so với giao thông đường bộ, nhất là khi các phương tiện giao thông thủy lợi dụng được lực chảy xuôi của nước để hoạt động.
|
TPHCM có hệ thống sông thuận lợi phát triển giao thông thủy giúp hạn chế kẹt xe. Ảnh: ĐỨC THÀNH
|
Điểm nhấn trong nỗ lực này là việc xây dựng cảng sông Phú Định nằm ở ngay ngã ba của rạch Nước Lên với sông Chợ Đệm thuộc địa bàn quận 8. Cho đến thời điểm hiện nay, đây là một cảng sông hiện đại và lớn nhất thành phố với 12 cầu cảng, trong đó có 3 cầu cảng bốc xếp được container cùng hàng ngàn mét vuông kho bãi đạt tiêu chuẩn. Công tác xây dựng cảng đang đi vào giai đoạn kết thúc, theo như ông Lê Văn Pha, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cơ khí giao thông Sài Gòn (Samco)-chủ đầu tư công trình, Tết Tân Mão 2011, cảng sông Phú Định đã có thể tiếp nhận tàu chở hàng hóa phục vụ tết cập bến.
Bên cạnh cảng sông Phú Định, một số tuyến buýt sông cũng đang được Sở Giao thông Vận tải triển khai nghiên cứu như các tuyến buýt sông đi từ trung tâm thành phố đến báo đảo Thanh Đa hoặc rẽ về Nhà Bè, Cần Giờ… Ông Trần Thế Kỷ, Phó Giám đốc chuyên trách vận tải thủy của Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết, vận tải hành khách bằng đường thủy không có lợi lắm về mặt tiết kiệm năng lượng so với vận tải hành khách bằng đường bộ, nhưng chúng là một trong những giải pháp hữu hiệu làm tăng sức hấp dẫn của hoạt động vận tải hành khách công cộng thành phố nói chung, qua đó góp phần giúp thành phố có điều kiện hạn chế dần hoạt động của các phương tiện giao thông cơ giới cá nhân đường bộ-một trong những nguồn gây ô nhiễm không khí lớn ở TPHCM, như đã nói ở trên.
Giao thông thủy liên tỉnh kết nối giữa TPHCM với các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam bộ cũng đang được đẩy mạnh bằng quyết định chỉnh trị, nạo vét tuyến kênh Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) của Bộ Giao thông Vận tải vừa mới có hiệu lực cách nay chưa lâu. Mấy năm trở lại đây, hoạt động giao thương này không phát triển lắm do tuyến kênh Chợ Giao-tuyến giao thông huyết mạch nối TPHCM với các tỉnh miền Tây Nam bộ thường xuyên bị sạt lở, xói mòn nên nhiều loại hàng hóa đáng lẽ có thể đi bằng đường sông, đã buộc phải chuyển sang đi đường bộ. Hậu quả là không chỉ Quốc lộ 1A, con đường độc đạo đi về miền Tây Nam bộ thường xuyên bị quá tải mà Xa lộ Hà Nội đi về miền Đông Nam bộ cũng trở thành điểm nóng về giao thông.
Giao thông thủy vẫn... tắc dòng
Mặc dù có những nỗ lực nêu trên, song nhìn chung hoạt động này vẫn chưa được tạo điều kiện để phát triển tương xứng với tiềm năng và nhu cầu của xã hội. Ông Ngô Quang Mãnh, Giám đốc Khu Đường sông TPHCM nêu ví dụ, hai tuyến đường sông quan trọng của thành phố: tuyến chạy dọc sông Sài Gòn từ mũi Đèn Đỏ đến khu vực Nhà máy Xi măng Hà Tiên bị “thắt cổ chai” ở khu vực Giồng Ông Tố và tuyến nối từ sông Sài Gòn đến sông Đồng Nai bị “nghẽn” ở khu vực cầu Rạch Chiếc, gần 10 năm nay vẫn chưa thông được. Khu Đường sông nhắc nhở các địa phương đẩy nhanh tiến độ di dời các hộ dân đang cư ngụ tại đây nhưng do thiếu tiền đền bù, thiếu quỹ nhà tái định cư nên các địa phương chẳng thể… “nhúc nhích” được. Trong khi đó, nếu khai thông được hai tuyến này, một phần hàng hóa đi từ các cảng biển của thành phố có thể xuôi theo dòng nước đi về miền Đông Nam bộ thay vì chen chúc nhau ở Xa lộ Hà Nội như hiện nay.
Bên cạnh những khó khăn về luồng tuyến, tĩnh không quá thấp của một số cây cầu trên địa bàn thành phố cũng là trở ngại lớn cho sự phát triển của giao thông thủy. Một ví dụ khác của ông Ngô Quang Mãnh, cầu Bình Lợi nằm trên tuyến giao thông thủy quan trọng của sông Sài Gòn đi về phía miền Đông Nam bộ hiện có tĩnh không quá thấp nên tàu bè lớn không qua được. Đợi lúc nước ròng để đi thì lại sợ mắc cạn do nhiều đoạn của sông đã bị bồi lắng còn chờ nước lớn để đi thì lại vướng tĩnh không thấp của cầu.
Bao giờ TPHCM mới thông được dòng cho các tuyến đường sông vẫn là một câu hỏi chưa có… lời đáp, một phần vì thiếu kinh phí, một phần vì cơ chế quản lý luồng tuyến vận tải đường sông còn khá chồng chéo. Hiện nay, tùy theo độ lớn, vai trò vị trí của sông mà sông sẽ thuộc quyền quản lý của Trung ương, thành phố hay các quận, huyện. Sông, kênh thì chảy thẳng một dòng trong khi quản lý lại có sự cắt khúc….và điều này đang là một trong những cản ngại lớn trong việc đầu tư, khai thác và phát triển mạng lưới giao thông thủy ở TPHCM.
Theo SGGP