Trên đoạn đường sắt Hà Nội- Hải Phòng chạy qua huyện Nam Sách và Kim Thành của tỉnh Hải Dương từ lâu đã tồn tại nhiều "điểm đen" TNGT, đáng chú ý là nhiều điểm chỉ cách nhau vài trăm mét và cùng nằm trên địa bàn một xã.
Trên đoạn đường sắt Hà Nội- Hải Phòng chạy qua huyện Nam Sách và Kim Thành của tỉnh Hải Dương từ lâu đã tồn tại nhiều "điểm đen" TNGT, đáng chú ý là nhiều điểm chỉ cách nhau vài trăm mét và cùng nằm trên địa bàn một xã.
Hiện nay, chỉ tính riêng trên địa bàn xã Ái Quốc (huyện Nam Sách) có tới 3 điểm mất ATGT đường sắt và thường ở km61+500, km62+500 và km63+800. Đây là các điểm giao cắt giữa đường ngang dân sinh và đường sắt. Từ năm 2001 đến nay, tại km 61 + 500 xảy ra tới 14 vụ TNGT đường sắt, làm 16 người chết và bị thương; km 62+500 xảy ra 12 vụ, làm 13 người chết và bị thương, còn km63 +800 xảy ra 8 vụ, làm 9 người chết và bị thương (từ đầu năm 2007 đến nay 3 vị trí trên xảy ra 7 vụ TNGT và va quệt giữa tàu hoả và người tham gia giao thông đường bộ).
Hầu hết các vụ tai nạn xảy ra khi người điều khiển phương tiện băng qua đường sắt, không chú ý quan sát và tất cả đều là người từ nơi khác đến. Các vị trí này tuy đã được cắm đầy đủ biển báo, giữa lòng đường ray được lát bê tông phẳng giúp phương tiện qua lại dễ dàng. Nhưng theo khảo sát của phóng viên chúng tôi, tổ chức giao thông tại đây còn tồn tại nhiều bất hợp lý. Cụ thể, hai đường ngang đi qua vị trí km61+500 và km 62 +500 (của đường sắt) đâm thẳng ra điểm mở dải phân cách giữa của QL5, tạo thành một ngã tư và một điểm sang đường. Vì thế, người điều khiển phương tiện trước khi băng qua đường sắt lại chủ yếu chú ý đến giao thông tại ngã tư, trên QL 5 để băng qua đường mà ít chú ý quan sát tàu hỏa. Mặt khác, do đường sắt chạy song song và nằm sát QL 5 nên người tham gia giao thông khó phân biệt còi tàu với còi ôtô, nhất là xe container; trong khi đó, các vị trí giao cắt lại không có còi báo tàu hoả tự động. Thực tế cho thấy, dù tại hai giao cắt trên đều là cánh đồng, không bị che khuất tầm nhìn nhưng từ đầu năm đến nay xảy ra tới 6/7 vụ tai nạn.
Đối với km63+800, mức độ nguy hiểm còn thể hiện ở chỗ, người điều khiển phương tiện đi từ xã ái Quốc ra QL 5 hoàn toàn bị che khuất tầm nhìn bởi nhà cửa, cây cối. Đáng nói, vị trí này thuộc ga đường sắt Tiền Trung (cách ga Tiền Trung khoảng 200m) nhưng đơn vị này lại không tổ chức gác chắn hay người điều khiển giao thông mỗi khi có tàu ra vào ga. Mật độ người đi qua đường này khá đông (buổi sáng 10.000 – 12.000 người đi qua) nên dù Công an xã phải thường xuyên cử người ra “canh tàu” nhưng vẫn không xoá được “điểm đen” này. Ông Đinh Duy Do, Trưởng công an xã ái Quốc cho biết, dù những trường hợp tai nạn đã xảy ra đều là người nơi khác đến nhưng chính quyền và người dân ở đây rất “bức xúc” vì biết đâu rồi sẽ đến lượt người trong xã bị tai nạn.
Tương tự xã ái Quốc, đường sắt chạy qua xã Kim Xuyên (huyện Kim Thành) cũng có 2 “điểm đen” đường sắt nằm gần nhau. Đó là Km 73+500 (đường ngang dân sinh đi vào thôn Thiện Đáp) và Km73+700 (đường ngang đi vào xã Kim Xuyên). Từ năm 2001 đến tháng 6/2007, tại km73+500 đã xảy ra 5 vụ TNGT đường sắt, làm chết 4 người và bị thương 3; còn Km 73+700 cũng xảy ra 5 vụ, làm chết 5 người. Còn trên địa bàn thị trấn Phú Thái tồn tại “điểm đen” tại km78+612, xã Kim Lương tại km81+200…
Trước tình hình trên, lực lượng chức năng và các địa phương có các “điểm đen” nói trên đều đã gửi kiến nghị đến ngành Đường sắt sớm lập gác chắn hoặc lắp đặt cảnh báo tự động để phòng tránh những TNGT đường sắt tương tự. Thời gian qua, ngành Đường sắt đã phối hợp với Công an các huyện khảo sát và đánh giá tình hình trật tự ATGT tại các địa điểm nói trên nhưng đáng tiếc cho tới nay vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu nào được triển khai để ngăn chặn TNGT.