Nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe

Thứ năm, 31/01/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Hiện nay công tác đào tạo lái xe cơ giới đường bộ đã được xã hội hoá rất mạnh mẽ. Các cơ sở đào tạo được mở ra trên khắp các địa bàn của cả nước. Riêng trong năm 2007, số lượng các cơ sở đào tạo, các trung tâm sát hạch tự động mới được xây dựng đi vào hoạt động khá lớn.

Hiện nay công tác đào tạo lái xe cơ giới đường bộ đã được xã hội hoá rất mạnh mẽ. Các cơ sở đào tạo được mở ra trên khắp các địa bàn của cả nước. Riêng trong năm 2007, số lượng các cơ sở đào tạo, các trung tâm sát hạch tự động mới được xây dựng đi vào hoạt động khá lớn. Về số lượng, hiện toàn quốc có 170 cơ sở đào tạo lái xe và 38 trung tâm sát hạch lái xe hiện đại đang hoạt động trên khắp các địa bàn cả nước, cơ bản đáp ứng được nhu cầu học và thi lấy bằng lái xe của người dân. Số lượng người dân học và được cấp mới GPLX năm 2007 này ước đạt 320.000 người, tăng gần gấp 2 lần so với năm 2006.

Yêu cầu nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo đặt ra rất bức xúc, đặc biệt là việc đào tạo về Luật Giao thông đường bộ, về đạo đức người lái xe khi tham gia giao thông. Nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý chặt chẽ hơn và nâng cao hơn chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, 3 văn bản mới đã được Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành: Quy chế quản lý sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ (Ban hành kèm theo Quyết định số 54/2007/QĐ-BGTVT), Quy chế quản lý đào tạo lái xe cơ giới đường bộ (Ban hành kèm theo Quyết định số 55/2007/QĐ-BGTVT) và chương trình đào tạo lái xe cơ giới đường bộ (Ban hành kèm theo Quyết định số 56/2007/QĐ-BGTVT). 3 văn bản mới này bao quát toàn bộ hoạt động đào tạo, sát hạch cấp GPLX cơ giới đường bộ.

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Phó cục trưởng Cục Đường bộ VN, 3 văn bản mới có một số nội dung kế thừa những điểm hợp lý của quy định trước đó và có một số nội dung quan trọng được bổ sung, nhằm đáp ứng tốt hơn những vấn đề của công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX đặt ra.

Về Quy chế quản lý đào tạo lái xe cơ giới đường bộ có một số điểm cần lưu ý. Thứ nhất là yêu cầu về tiêu chuẩn cơ sở đào tạo được nâng cao hơn. Giáo viên dạy lý thuyết trong các cơ sở đào tạo phải có trình độ trung cấp nghề trở lên, chuyên ngành tương ứng với môn học được phân công giảng dạy. Các phòng học lý thuyết phải được bố trí liên hoàn để tạo điều kiện thuận lợi cho người học.

Những cơ sở có lưu lượng đào tạo từ 500 học viên trở lên phải có phòng học chung đủ cho tối thiểu 100 người ngồi. Yêu cầu đối với sân tập lái cũng được nâng cao: đối với cơ sở đào tạo lái xe hạng từ A1 đến A4, yêu cầu sân tập lái có diện tích tối thiểu 1.000 m2 (quy định trước là 500 m2). Cơ sở đào tạo lái xe hạng B phải có sân tập lái diện tích tối thiểu 10.000 m2 (quy định trước là 5.000 m2). Cơ sở đào tạo lái xe hạng D, E sân tập lái phải có diện tích tối thiểu 14.000 m2 (quy định trước là 10.000 m2). Những cơ sở có lưu lượng đào tạo 1.000 học viên trở lên phải có tối thiểu 2 sân tập lái theo diện tích quy định. Các sân tập lái có đường tập lái được trải nhựa, bố trí biển báo hiệu tương tự như một tuyến đường thực tế.

Thứ hai, yêu cầu cao hơn tính công khai minh bạch của các cơ sở đào tạo lái xe. Các cơ sở đào tạo phải công khai kế hoạch tuyển sinh, lưu lượng đào tạo của mình cho đông đảo người dân được biết, tránh tình trạng thiếu thông tin có thể dẫn đến những bức xúc giả tạo trong xã hội. Khi đào tạo lái xe từ hạng B1 trở lên, giữa cơ sở đào tạo và người học phải kí hợp đồng đào tạo, trong đó có ghi rõ nội dung chương trình đào tạo, thời gian, kế hoạch, mức học phí.

Ngoài khoản học phí Nhà nước quy định, cơ sở đào tạo không được thu thêm bất cứ khoản tiền nào. Kết thúc khoá học phải có thanh lý hợp đồng. Nội dung này nhằm có sự giám sát lẫn nhau trong xã hội, tránh việc cắt xén nội dung chương trình đào tạo. Các môn học đều phải có bài kiểm tra khi kết thúc học phần và bài kiểm tra phải được lưu trữ phục vụ công tác thanh tra kiểm tra. Kì kiểm tra cấp chứng chỉ nghề phải có sự giám sát của Sở GTVT (GTCC) và Sở LĐTBXH.

Thứ ba, quản lý khoa học hơn lưu lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo bằng cách đưa ra công thức tính toán thật rõ ràng công khai để thống nhất thực hiện trên toàn quốc. Dựa vào công thức này, cơ sở đào tạo muốn tăng lưu lượng đào tạo phải tăng cường cơ sở vật chất tương ứng. Đồng thời cũng phân cấp mạnh cho các Sở GTVT, GTCC, cấp phép cho những cơ sở đào tạo tăng lưu lượng dưới 20%, để tạo thuận lợi hơn cho công tác này.

Chương trình đào tạo lái xe mới, cơ bản tiếp thu và kế thừa chương trình trước đây. Đồng thời có một số nội dung có bổ sung cần quan tâm.

Chương trình trước đây sử dụng là chương trình khung. Chương trình mới quy định cụ thể các môn học, lưu lượng từng môn, thời gian ôn luyện, các bài kiểm tra bắt buộc. Chương trình mới có điều chỉnh thời gian cụ thể ở một số môn học trong đó tăng số tiết học về đạo đức người lái xe để người học có ý thức hơn khi điều khiển ôtô tham gia giao thông.

Sát hạch lái xe là khâu rất quan trọng để kiểm soát chất lượng bằng lái xe được cấp. Quy định mới bên cạnh việc kế thừa những điểm hợp lý ở quy định cũ, quy định mới nêu cụ thể rõ ràng hơn tiêu chuẩn của các trung tâm sát hạch tự động, việc bắt buộc sát hạch đối với tất cả các trường hợp cấp mới bằng lái xe ôtô trên toàn quốc ở các trung tâm sát hạch tự động.

Quy định mới cũng yêu cầu cao hơn chất lượng của sát hạch viên, tăng cường thêm cán bộ giám sát, quy định chặt chẽ hơn khâu quản lý, kiểm tra, báo cáo đối với hoạt động sát hạch. Tạo thuận lợi hơn cho người dân, quy định mới có điều chỉnh thời gian sử dụng bằng lái xe hạng B2 từ 3 năm lên thành 5 năm, quy định rút ngắn thời gian cấp mới GPLX từ không quá 15 ngày trước đây xuống còn không quá 10 ngày, đổi GPLX từ không quá 7 ngày, nay còn không quá 5 ngày.

Phương Dung

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)