Phạm Minh Vĩnh.
Văn Phòng Đảng Ủy
Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam.
( 109 Quán Thánh. Ba Đình. Ha Nội).
Tai nạn giao thông ở nước ta có quá nhiều nguyên nhân, song để giảm thiểu thì có 2 nguyên nhân có thể làm ngay được mà không cần mất quá nhiều thời gian để bàn cãi, bởi càng bàn cãi càng chậm thực hiện thì tai nạn giao thông chẳng những không giảm mà nó vẫn cứ gia tăng một cách tự nhiên, đáng lo ngại.
Các biện pháp giảm thiểu tai nạn giao thông đó là:
1.Cần sớm quyết định điều chỉnh.
- Quy định tốc độ của các loại phương tiện theo hướng hợp lý và tích cực hơn, nghĩa là vừa có thể tăng tốc độ xe để phục vụ tốt cho nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội, nhất là khi chúng ta vừa gia nhập Tổ chức thương mại quốc tế WTO, vừa vẫn bảo đảm được mức độ an toàn cần thiết cho phép. Điều này không quá khó và vẫn có thể làm được bằng cách:
- Dựa trên tiêu chuẩn kỹ thuật thiết kế của đường để làm cơ sở cho việc tính toán quy định tốc độ. Đối với các đoạn đường thường xảy ra tai nạn hoặc nơi đông dân cư, đô thị sẽ có quy định giảm tốc độ ở mức cần thiết và bố trí lực lượng cảnh sát giao thông vào các giờ cao điểm để hướng dẫn, giám sát, xử lý các vi phạm luật giao thông.
- Cần mềm hóa việc quy định tốc độ xe chạy theo từng thời gian trong ngày. Ví dụ thời điểm từ 23h00 đến 05h00, là thời gian có rất ít phương tiện tham gia giao thông, có thể quy định tốc độ xe chạy cao hơn, hoặc có thể quy định cho phép tăng tốc độ một cách hợp lý nếu phía trước mỗi phương tiện trong một cự ly nhất định nào đó (50 hay 100m ) không có phương tiện và người tham gia giao thông cản trở hướng tiến của phương tiện đó thì có thể cho phép phương tiện đó tăng tốc độ. Biển báo hiệu quy định tốc độ trên đường có thể dùng cách ghi theo 2 mức tốc độ khác nhau. Ví dụ 45km/h – 60km/h; chỉ số tốc độ trước quy định khi đường đó có đông phương tiện tham gia giao thông vào giờ cao điểm, chỉ số tốc độ sau quy định tốc độ tối đa cho phép khi mật độ phương tiện tham gia giao thông thấp, giờ không cao điểm.
2.Cần tăng cường lực lượng cảnh sát giao thông.
- Lực lượng cảnh sát tham gia giao thông hiện nay quá ít, nên rất khó khăn trong việc hướng dẫn, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm Luật giao thông. Nếu căn cứ vào số liệu thống kê tai nạn giao thông hàng năm thì thấy mức độ tổn thất về người và của là rất lớn. Mặc dù hiện nay, ngân sách nhà nước hàng năm đã chi khá nhiều cho việc giảm thiểu tai nạn giao thông. Song việc đó chẳng có gì để nói nếu tai nạn giao thông giảm, vấn đề cốt lõi là chi vào đâu cho có hiệu quả nhất. Theo tôi, thì phải chi vào khâu vẫn được xem là yếu nhất đó là khâu hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, xử lý, các vi phạm Luật giao thông. Đây được xem là nguyên nhân của nhiều nguyên nhân mà chúng ta (chí ít từ lãnh đạo các ban chỉ đạo an toàn giao thông các cấp ) ít khi mạnh dạn bắt mạch để kê đơn cho đúng bệnh. Đã có quá nhiều những dị nghị thực tế và cay đắng về lực lượng này. Đề nghị đ/c Bộ trưởng Bộ GTVT nghiên cứu và mạnh dạn đề nghị Quốc hội và Chính phủ cho bổ sung bố trí tăng chi ngân sáchtrong năm nay cho việc củng cố và nâng cao chất lượng đội ngũ làm nhiệm vụ kiểm soát giao thông. Cần tăng cường bổ sung gấp lực lượng cán bộ, chiến sỹ cảnh sát giao thông, từng bước nầng cao trình độ nghiệp vụ của họ và xây dựng quy chế quản lý chặt chẽ, tăng cường sự giám sát của các cơ quan đặc biệt và người dân. Song, cũng rất cần có chế độ bồi dưỡng thỏa đáng để lực lượng này yên tâm công tác, kể cả họ có thể hưởng mức bồi dưỡng vượt hơn mức cao nhất hiện nay. Vì đây là thời điểm có tính chất đặc biệt, là giai đoạn đặc biệt và có các giải pháp đặc biệt thì mới có thể kiểm soát và làm chủ tình hình
- Việc tăng cường lực lượng cán bộ chiến sĩ cảnh sát giao thông và nâng cao mạnh mẽ chất lượng của lực lượng này chắc chắn góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tai nạn giao thông như hiện nay ở nước ta. Với một lực lượng cán bộ, chiến sĩ, cảnh sát giao thông đông đảo như thế họ sẽ giám sát lẫn nhau trong thực thi công vụ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đặc biệt quan trọng mà Đảng và nhân dân giao cho.