BÀI THAM GIA DIỄN ĐÀN AN TÒAN GIAO THÔNG

Thứ ba, 16/01/2007 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Đối với xe gắn máy: chúng ta đã có nhiều sai lầm khi cho nhập quá nhiều xe gắn máy. Tôi còn nhớ cách đây hơn 20 năm đã có một bài báo tại Việt Nam (tôi không còn nhớ tên tờ báo) viết về vấn đề tai nạn giao thông và kẹt xe tại Bangkok mà nguyên nhân...

Người gửi: Lưu Văn Tuấn
Địa chỉ:      2C/1 đường 20, P. Linh Đông, Q. Thủ Đức
  



  1. Đối với xe gắn máy: chúng ta đã có nhiều sai lầm khi cho nhập quá nhiều xe gắn máy. Tôi còn nhớ cách đây hơn 20 năm đã có một bài báo tại Việt Nam (tôi không còn nhớ tên tờ báo) viết về vấn đề tai nạn giao thông và kẹt xe tại Bangkok mà nguyên nhân chính là do xe gắn máy gây ra; đồng thời cũng cảnh báo cho tương lai của Việt Nam. Rất tiếc là chúng ta đã không quan tâm đến bài báo này và đã đi vào vết xe đổ của Bangkok cách nay 20 năm. Bây giờ không thể trách ai, mà thế hệ chúng ta phải cùng nhau giải quyết hậu quả này. Theo tôi, chúng ta nên phát triển giao thông công cộng theo kiểu vết dầu loang. Nghĩa là chúng ta phải qui họach một vài khu vực nào đó (có thể lấy Quận 1 và Quận 3 làm thí điểm) chỉ dành riêng cho xe vận tải hành khách công cộng, xe ôtô, xe tải và có những khu riêng dành cho người đi bộ; đồng thời cấm tuyệt đối xe 2 bánh đi vào khu vực này. Vành đai của khu vực này sẽ xây dựng các nhà đậu xe cao tầng (dùng để gửi xe cho những người muốn đi vào khu vực trên; đồng thời giữ xe tháng cho những người sinh sống trong khu vực nói trên). Nhà xe phải thiết kế để sau này gửi xe ôtô như ở nước ngòai và ngay cạnh nhà xe phải có trạm xe công cộng (xe búyt, metro, taxi…). Ngòai ra phải phát triển hòan chỉnh mạng lưới giao thông công cộng 24/24 (tất nhiên sẽ tăng giảm mật độ xe tùy theo giờ, ngày) trong khu vực trên. Song song với vé thông thường nên áp dụng một loại vé đặc biệt: vé đồng nhất cho các phương tiện giao thông công cộng trong khu vực nói trên, nghĩa là vé đó chỉ cần mua một lần (trong ngày hoặc trong tháng) và phải đi được tất cả các phương tiện giao thông công cộng trong thời hạn sử dụng, không phân biệt tuyến xe, đi bao nhiêu lượt... Bên trong khu vực trên sẽ có những bãi đậu xe vỉa hè (có đồng hồ tính thời gian) dành cho ôtô. Đơn giá gửi xe ở đây phải cao gấp nhiều lần giá gửi xe tại các nhà gửi xe tại khu vực vành đai và chỉ được gửi tối đa không quá 1 tiếng đồng hồ. Sau khi hòan chỉnh khu vực trên, chúng ta sẽ mở rộng dần dần vành đai (song song với việc xây các nhà gửi xe cao tầng mới) và tiến tới việc xóa bỏ hẳn xe 2 bánh lưu thông vào khu vực trung tâm thành phố. Thay vì đóng phí xe gắn máy thì người dân phải đóng phí giữ xe, vấn đề là phải tính mức phí thật hợp lý sao cho người dân có thể làm một bài tóan so sánh từ đó sẽ bỏ thói quen sử dụng xe cá nhân.
  2. Đối với xe tải: Theo tôi, lệnh cấm xe tải lưu thông ban ngày trong thành phố không phải là lựa chọn tối ưu để giảm nạn kẹt xe và tai nạn giao thông. Thứ nhất, vì lưu thông hàng hóa là huyết mạch của nền kinh tế. Nếu chúng ta cấm thì sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế. Thứ hai, khi hết giờ cao điểm tất cả xe tải cùng một lúc đua nhau đổ vào thành phố sẽ gây kẹt xe, hao tốn nhiên liệu, ô nhiễm môi trường, gây tâm lý căng thẳng cho người lái xe từ đó dễ gây tai nạn… Thứ ba, khi hạn chế giờ giấc họat động trong thành phố, người điều khiển xe tải phải tận dụng tối đa quĩ thời gian eo hẹp để giao nhận hàng trong đêm. Do đó luôn xảy ra tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu, giành đường, lấn tuyến… Vì vậy chúng ta thường thấy tai nạn hay xảy ra lúc gần tới giờ cao điểm sáng, do thời điểm đó người tài xế đã quá mệt mỏi và cố gắng đua thật nhanh để thóat ra khỏi thành phố trước giờ cấm. Chúng ta nên bỏ qui định cấm xe tải vào thành phố ban ngày thay vào đó hạn chế bằng nhiều cách khác. Ví dụ: cho xe biển số chẵn vào ngày chẵn, biển số lẻ vào ngày lẻ (ngòai giờ cao điểm tất nhiên tất cả các xe đều được họat động bình thường).
  3. Về ý thức chấp hành luật giao thông: Trước hết bàn về vấn đề giáo dục đào tạo. Ông bà ta nói gieo gì gặt nấy. Ý thức chấp hành luật pháp của người tham gia giao thông hôm nay là hệ quả của quá trình giáo dục đào tạo của chúng ta. Thứ nhất, chúng ta đã quá lỏng lẻo trong việc cấp giấy phép lái xe. Tình trạng bằng giả, bằng mua tràn lan trong một thời gian dài. Thứ hai, chúng ta cần phải xem xét lại phương pháp đào tạo người tham gia giao thông. Ở CHLB Đức, học và thi lấy bằng lái xe là một việc khá quan trọng của một người. Phần lý thuyết, người ta có khỏang hơn 1.000 câu hỏi trắc nghiệm để luyện thi. Các câu hỏi này bao quát tòan bộ về luật giao thông đường bộ. Khi thi lý thuyết người ta hầu như chỉ hỏi các câu trong bộ đề luyện thi chứ không có các câu “gài bẫy” thí sinh. Thí sinh chỉ cần giải đáp đúng tòan bộ đề luyện thi này là đã nắm chắc luật lệ giao thông. Phần thực hành, người ta không đặt vấn đề kỹ năng lái xe lên hàng đầu như chúng ta. Quan trọng hơn cả là phương pháp quan sát, cách đánh giá và xử lý tình huống trên đường. Trước khi đến giao lộ người lái xe phải đề phòng tình huống gì sẽ xảy ra, cách xử lý ra sao. Khi đến giao lộ hoặc khi đổi hướng chuyển động, thí sinh phải “quay đầu” quan sát tuần tự các hướng như thế nào cho đúng (thường thì từ trái qua phải), phải mở đèn tín hiệu lúc nào. Người chấm thi theo dõi rất kỹ cách quan sát của thí sinh và thường đánh rớt do lỗi “quay đầu” quan sát không đúng. Chỉ có phương pháp đào tạo đúng thì mới có những người lái xe chất lượng cao.
  4. Các biện pháp chế tài: Thứ nhất, chúng ta nên tăng cường xử phạt bằng hình ảnh. Do người tham gia giao thông chưa tự giác chấp hành luật, do đó cần phải có nhiều camera theo dõi, nhất là tại các giao lộ. Ngòai ra, cần có sự giúp đỡ của người dân để phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm luật giao thông. Ví dụ cảnh sát giao thông cần có đường dây nóng và hiển thị số gọi đến. Khi phát hiện vi phạm, người dân sẽ thông báo qua đường dây này. Nếu có bằng chứng xử phạt thì người báo sẽ được thưởng một phần tiền phạt (tất nhiên cảnh sát giao thông phải có biện pháp bảo đảm bí mật cho người thông báo). Thứ hai, nên thay cách bấm lỗ giấy phép lái xe bằng sổ lý lịch lái xe. Mỗi người lái xe chưa vi phạm thì được 10 điểm. Khi vi phạm tùy lỗi nặng nhẹ sẽ bị trừ 1, 2, 3 … điểm và sẽ bị tịch thu bằng lái nếu bị trừ hết điểm. Ngược lại trong thời gian một năm kể từ lần vi phạm trước, nếu không có vi phạm thì sẽ được cộng lại 2 điểm (các năm tiếp theo nếu không vi phạm sẽ cộng thêm 2 điểm mỗi năm cho đến lúc trở lại 10 điểm). Bằng cách này khi người lái xe đã vi phạm sẽ cố gắng “chuộc tội” và do đó tôn trọng luật giao thông hơn.
  5. Vấn đề bảo hiểm: tất cả mọi người điều khiển phương tiện giao thông phải tham gia bảo hiểm bắt buộc. Mức phí đóng bảo hiểm phải căn cứ theo sổ lý lịch lái xe như đã nói ở điểm 4, chứ không đánh đồng như hiện nay. Điểm bị trừ càng nhiều thì mức phí đóng bảo hiểm phải càng cao. Ngòai ra, xe công suất càng lớn, đời xe càng cũ thì mức phí bảo hiểm càng cao. Khi xảy ra tai nạn, bảo hiểm của bên gây tai nạn do vi phạm luật giao thông phải bồi thường tòan bộ mọi thiệt hại từ hữu hình đến vô hình cho bên không có lỗi; đồng thời tăng phí bảo hiểm phải đóng của bên gây tai nạn. Như vậy mới làm cho người dân bỏ hẳn quan niệm “xe lớn luôn có lỗi” và ý thức tôn trọng luật giao thông được nâng cao.

 

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)