Qua phân tích của cơ quan chức năng trong nhiều năm gần đây cho thấy: Nguyên nhân gây TNGT do kỹ thuật phương tiện gây ra chiếm tỷ lệ dưới 1% số vụ tai nạn, bởi vì thiết bị giám sát kỹ thuật ở nước ta đã được hiện đại hoá đạt mức phù hợp với tiêu chuẩn các nước trong khu vực nên chất lượng kiểm định kỹ thuật phương tiện đã được nâng lên đáng kể...
Cần có “liều thuốc” đặc trị
Năm 2006, tình hình TNGT trên phạm vi cả nước có những diễn biến phức tạp, dẫn đến tình trạng “hai tăng, một giảm” (số vụ và số người chết tăng và số người bị thương giảm). Như vậy là để thực hiện được mục tiêu năm 2007 sẽ giảm 10 -12% số người chết vì TNGT so với năm 2006, thì các ngành chức năng cần bắt đúng mạch và có những “liều thuốc” đặc hiệu để chữa“ căn bệnh” TNGT đang hoành hành.
* ý thức của người tham gia giao thông – gốc của “căn bệnh”.
Qua phân tích của cơ quan chức năng trong nhiều năm gần đây cho thấy: Nguyên nhân gây TNGT do kỹ thuật phương tiện gây ra chiếm tỷ lệ dưới 1% số vụ tai nạn, bởi vì thiết bị giám sát kỹ thuật ở nước ta đã được hiện đại hoá đạt mức phù hợp với tiêu chuẩn các nước trong khu vực nên chất lượng kiểm định kỹ thuật phương tiện đã được nâng lên đáng kể. Ngoài ra, những khiếm khuyết trong kết cấu hạ tầng giao thông gây ra chiếm tỷ lệ khoảng từ 1,4% đến 1,8% số vụ TNGT, điều này khẳng định phần nào chủ trương đúng đắn của Nhà nước khi đã đầu tư mỗi năm hàng chục ngàn tỉ đồng cho nâng cấp và phát triển hạ tầng giao thông, nhất là mạng lưới đường bộ bao gồm cả địa phương và các QL.
Như vậy, có thể nói cái gốc của “ căn bệnh” chính là do ý thức của người tham gia giao thông gây ra TNGT, chiếm hơn 90% số vụ, trong đó người điều khiển mô tô, xe gắn máy gây ra khoảng 72% đến 78% số vụ, lái xe ô tô gây ra hơn 20% số vụ. Đặc biệt, hiện nay số học sinh, sinh viên chiếm tỷ lệ đáng kể trong số người tham gia giao thông; chính vì lẽ đó nên hàng năm Nhà nước đã chi nhiều tỉ đồng cho ngành Giáo dục- Đào tạo để giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về ATGT cho học sinh, sinh viên. Tuy vậy, lực lượng này vẫn ngang nhiên vi phạm một cách phổ biến các hành vi như: chưa đủ tuổi vẫn đi xe gắn máy đến trường, điều khiển xe không có giấy phép lái xe, chở 3- 4 người, lạng lách, đánh võng, thậm chí tham gia đua xe trái phép… hậu quả là TNGT xảy ra chiếm khoảng 35% đến 40% vụ ở một số địa phương (Thái Nguyên và Gia Lai) liên quan đến học sinh, sinh viên. Tình trạng này không được ngăn chặn kịp thời sẽ bổ sung cho đất nước những công dân không có ý thức tự giác chấp hành pháp luật về ATGT, TTATGT sẽ ngày càng trở nên phức tạp hơn.
Theo con số thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm ngân sách Nhà nước đã sử dụng nhiều tỉ đồng cho hoạt động: phổ biến, tuyên truyền và vận động mọi người tham gia giao thông tự giác thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm TTATGT. Thực tế nêu trên cho thấy hoạt động tuyên truyền và phổ biến pháp luật về ATGT chưa đạt được kết quả tương xứng với nhân lực và vật lực bỏ ra. Điều này đặt ra yêu cầu cần phải điều chỉnh kịp thời: đối tượng, phương pháp và hình thức tuyên truyền phổ biến pháp luật. Trước mắt song song với tuyên truyền và phổ biến pháp luật phải tập trung xử lý mạnh những người điều khiển mô tô, xe gắn máy vi phạm.
· Cần có những liều thuốc “đặc trị”
Theo báo cáo của 45 tỉnh, thành phố sau hơn một năm thực hiện chỉ thị số 46/2004/CT – TTg của Thủ tướng Chính phủ về quản lý hoạt động xe công nông; Kết quả là tất cả các địa phương đã đình chỉ việc lắp ráp loại xe mà đã trở thành những “hung thần” trên đường phố. Do đó, số lượng công nông đã giảm tới 28%; đồng thời cấp biển số đăng kí cho 44% số xe đang hoạt động, cấp GPLX hạng A1cho 41% số người điều khiển và định kì kiểm định KTAT cho 21 số xe đang hoạt động. Tuy vậy, xe công nông vẫn đang là mối lo ngại cho trật tự ATGT ở một số địa phương; đã có tỉnh mỗi năm xe công nông đã gây ra gần 10% số vụ TNGT và 7% số người chết vì TNGT. Bởi vậy, trong thời gian tới, các địa phương cần tiến hành sơ kết, đánh giá việc quản lý loại hình xe công nông, đồng thời có những biện pháp cụ thể trong việc đình chỉ lưu hành loại xe này trên đường giao thông. Qua đó, nghiên cứu, ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ nhân dân thay thế xe công nông bằng xe tải nhẹ sản xuất trong nước, trong bối cảnh các doanh nghiệp SX ôtô đã đủ năng lực đáp ứng được nhu cầu thay thế.
Hiện nay, trên phạm vi cả nước có khoảng hơn 70 nghìn xe máy kéo nhỏ được sản xuất công nghiệp là phương tiện đa năng, vừa vận tải, làm đất canh tác, bơm nước, phát điện nhằm phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Chính nhờ thuộc tính đa năng đó, sau hơn 1 năm thực hiện Chỉ thị 46, số xe đã tăng thêm 4%, đã cấp biển số cho khoảng 45% số xe lưu hành, nhưng mới chỉ có khoảng 10% số người lái được cấp GPLX phù hợp. Bởi vậy, để đưa loại xe máy kéo nhỏ vào quản lý, lực lượng CSGT cần tiếp tục đăng kí và cấp biển số cho loại xe này; đồng thời ngành GTVT tăng cường vận động người lái tham gia các lớp đào tạo và sát hạch để cấp GPLX. Muốn thực hiện có hiệu quả các biện pháp quản lý, đòi hỏi phải tăng cường xử lý các vi phạm theo pháp luật.
Một “căn bệnh” mới đang xuất hiện ở một số địa phương, đó là tình trạng lưu hành các loại xe tự chế có nguy cơ gây tai nạn rất cao, đang làm cản trở và gây ùn tắc giao thông ở những đô thị lớn. Trong đó, phải kể đến việc những chiếc xe ba bánh hoạt động dưới danh nghĩa “ xe thương binh” hoặc xe dùng cho người “khuyết tật”. Những loại xe này thường lắp động cơ môtô 100 – 125cm3, nhưng không chịu sự quản lý của bất kì cơ quan nào và không đăng kí biển số. Người điều khiển những xe đó thường không phảI là thương binh hay người khuyết tật, trên xe thường chở tới 4-5 người hay những hàng cồng kềnh trên thùng xe. Đây là loại xe gây ra nhiều điểm ùn tắc giao thông ở Hà Nội và Hà Đông (Hà Tây). Nếu những xe này hoạt động trên đường xấu thì nguy cơ lật xe gây tai nạn chết người rất cao. Mặ dù các ngành chức năng ở Hà Tây và Hà Nội đã mở đợt kiểm tra và xử lí loại xe này nhưng chưa thu được những kết quả mong muốn. Nếu không có “liều thuốc” đặc trị để quản lý loại xe tự chế thì sẽ gây hậu quả khó lường.
(theo báo GTVT)