Tôi có biết về diễn đàn này và xin có một số ý kiến đóng góp. Hiện trạng ATGT của Việt Nam liên tục được báo chí, các phương tiện truyền thông đề cập nhưng vẫn chưa có gì tiến triển. Nguyên nhân mà tất cả các nguồn đưa ra chúng ta đều biết đó la Ý thức chấp hành giao thông của người tham gia giao thông kém. Chúng ta biết được nguyên nhân đó nhưng theo quan điểm của cá nhân tôi, chúng ta chưa biết được nguyên nhân sâu xa hơn, đó là Luật pháp không nghiêm. Luật mà trực tiếp là việc thi hành pháp luật không nghiêm mới dẫn đến việc ý thức của người tham gia giao thông quá kém, đơn giản vì họ biết nếu có vi phạm họ cũng chẳng bị sao lắm (về mặt pháp lý) nên dẫn đến tai nạn giao thông. Với vấn đề này, không chỉ Bộ Giao thông Vận tải có thể làm được mà phải có được sự kết hợp của nhiều Bộ, Ban, ngành liên quan, cụ thể:
Bộ Công An:
1. Nhân sự: Bộ Công An vẫn kêu là không đủ nhân lực để giám sát giao thông. Theo tôi vấn đề này cũng dễ giải quyết, chúng ta có chế độ đi lính nghĩa vụ, bây giờ có thể san một tỷ lệ thành đi làm cảnh sát giao thông nghĩa vụ (được tính như đi lính nghĩa vụ).
2. Công bố luật: Việc công bố các mức phạt chưa được làm một cách rõ ràng và phổ biến. Bản thân tôi cũng bị phạt một số lần khi vi phạm giao thông nhưng thường xuyên các đồng chí công an giao thông chỉ công bố mức giá phạt (bằng mồm hoặc giở ra một quyển sổ nhỏ - mở đóng rất nhanh đến nỗi không ai nhìn kịp), sau một hồi dọa dẫm thì sẽ giảm mức phạt xuống rất nhiều. Ví dụ, có một lần trên đường Láng Hòa lạc tôi vi phạm lỗi dừng xe ở đường cấm đỗ cấm dừng thì thanh tra giao thông bảo là tôi vi phạm lỗi này từ 800.000 đến 1,5 triệu đồng tiền phạt, bấm lỗ bằng. Sau một hồi xin xỏ thì cũng hòa. Việc này dẫn đến người vi phạm luôn xin xỏ, nhờ vả bạn bè xin xỏ, đút lót và sau khi được tha họ không có ý tưởng chấp hành mà có tư tưởng ỷ lại thêm.
3. Anh hùng Núp: Việc này đã bị công luận lên án nhiều nhưng cảnh sát giao thông vẫn núp như thường. Việc ẩn nấp này làm cho người tham gia giao thông không cảm thấy bị giám sát của pháp luật.
4. Quyền lực của cảnh sát giao thông: Cảnh sát giao thông nên có quyền thu phạt tại chỗ. Chính phủ có thể in các vé phạt theo từng mức vi phạm và cảnh sát giao thông có thể xử lý tại chỗ. Nếu người vi phạm không nộp phạt sẽ giữ xe. Trong một thời hạn nhất định nếu người vi phạm không đến lấy xe mà không có lý do chính đáng thì Chính phủ sẽ hủy hoặc bán đấu giá để lấy nguồn cho các dự án giao thông.
5. Thực hiện nghiêm pháp luật: Cảnh sát giao thông thực hiện pháp luật với mọi đối tượng chứ không chỉ với người đi xe máy, ô tô. Người đi bộ, đi xe thô sơ nếu vi phạm cũng phải nghiêm túc chấp hành phạt. Người đi xe thô sơ nếu vi phạm không nộp phạt sẽ bị giữ xe. Người đi bộ nếu không nộp phạt sẽ bị giữ giấy tờ tùy thân, nếu không mang giấy tờ tùy thân sẽ bị tạm giam đến khi có người bảo lãnh.
6. Tăng mức nộp phạt theo thời gian: Người vi phạm giao thông nếu không nộp phạt ngay sẽ được ghi biên lai, tạm giữ phương tiện, giấy tờ. Nếu trong khung thời hạn mà không nộp phạt, mức phạt sẽ được tính lũy tiến lên vài lần, hết thời hạn nộp mà người vi phạm vẫn không đến nộp phạt, phương tiện sẽ được bán đấu giá, một phần được bù vào tiền phạt, một phần chuyển vào quỹ phát triển giao thông. Để thực hiện được việc này, khi ghi biên lai phạt, người vi phạm phải cung cấp địa chỉ để cảnh sát giao thông gửi giấy nhắc đến, nếu địa chỉ không đúng hoặc người vi phạm tuy nhận được giấy nhắc nộp phạt vẫn không chấp hành thì đó là lỗi của người vi phạm.
Bộ Tư pháp
1. Xử lý nghiêm theo pháp luật: Trong tất cả các vụ giao thông, hiện nay có thể nói chúng ta đang xử theo hướng ai sử dụng phương tiện đắt tiền hơn thì người đó có lỗi. Xe máy đâm xe đạp thì xe máy có lỗi, ô tô đâm từ xe máy trở xuống là ô tô có lỗi. Đây là điều có thể coi là vi phạm pháp luật. Rất nhiều vụ ô tô đâm phải xe máy, xe thô sơ, người đi bộ thì dù những người kia hoàn toàn sai nhưng khi xử lỗi ít nhất của lái xe ô tô cũng là "Không làm chủ được tốc độ", đây là một điều vô lý tạo tâm lý ỷ lại cho người tham gia giao thông. Việc này cần xử lý một cách nghiêm túc ngay từ những người điều tra đến người xử án để lập lại ý thức chấp hành luật cho người dân.
Bộ Giáo dục
1. Giáo dục ATGT: Bộ Giáo dục nghiên cứu đưa việc giảng dạy về luật giao thông vào trong giáo dục cơ sở, bậc học hợp lý nhất là PTCS. Chương trình theo tôi rất đơn giản, có thể lấy ngay từ những bài học luật để thi bằng ô tô, xe máy và giảng dạy trong tiết Giáo dục công dân. Môn học này sẽ coi như bắt buộc phải đỗ và tổ chức học, thi nghiêm túc.
Bộ Giao thông Vận tải:
1. Rà soát biển báo, đèn tín hiệu: Rà soát toàn bộ biển báo, quy định tốc độ trên phạm vi toàn quốc để chỉnh sửa và bổ xung. Hiện ngay trong nội thành Hà Nội cũng có quá nhiều biển báo và đèn tín hiệu không hợp lý khiến người tham gia giao thông không biết tuân thủ thế nào. Cụ thể, đèn tín hiệu giao thông được lắp đặt tại một số ngã ba không hợp lý như ngã ba Quán Thánh - Hàng Cót trong khi ngã tư chợ Sơn Tây thường xuyên ùn ứ thì không có đèn tín hiệu. Đường Trần Nhật Duật nhánh dưới gầm cầu vượt cầu Chương Dương không có biển báo ngược chiều (mặc dù có thể nghiễm nhiên hiểu là đường một chiều) dẫn đến người dân đi lộn xộn.
2. Xây cầu vượt và đường hầm cho người đi bộ: Xây các cầu vượt và đường hầm cho người đi bộ tại tất cả các tuyến đường có mật độ giao thông cao.
3. Xử dụng các phương tiện giao thông công cộng: Đưa vào xử dụng nhiều xe buýt. Phân luồng xe buýt theo các tuyến đường, tuyến đường rộng trên 10m sẽ sử dụng xe buýt 45 chỗ, các tuyến khác sử dụng xe 30 chỗ trở xuống. Tăng thêm số lượng xe buýt để đáp ứng nhu cầu của người dân (nhất là vào các giờ cao điểm).
4. Cấm và hạn chế phương tiện cơ giới tại một số tuyến phố: Quy hoạch một số tuyến phố trong nội thành chỉ dành cho xe đạp và người đi bộ, cầm xe cơ giới.
5. Có quy chế hợp lý với xe xich lô: Hiện nay việc xe xích lô du lịch kéo đoàn đi lòng vòng tại các tuyến phố cổ gây tắc nghẽn giao thông.
6. Đăng kiểm với xe gắn máy: Thực hiện đăng kiểm với xe gắn máy như với ô tô, những xe không đủ tiêu chuẩn không được phép lưu hành.
7. Phân luồng rõ ràng các phương tiện tham gia giao thông: Phân luồng rõ các phương tiện tham gia giao thông, lấn chiếm luồng đường sẽ bị xử phạt nghiêm.
|