Ý thức chấp hành Luật Giao thông kém do đâu?

Thứ tư, 11/04/2007 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
    Trong tất cả các báo cáo tuần, báo cáo tháng, báo cáo năm, báo cáo Hội nghị tổng kết công tác An toàn giao thông quốc gia, cái nào cũng nêu lỗi chủ yếu gây ra tai nạn giao thông là do ý thức chấp hành Luật Giao thông của người tham gia giao thông kém cùng nhiều nguyên nhân khác nữa...
Người gửi: Đồng Xuân Thành
E-mail: riccc@fpt.vn 

 

Trong tất cả các báo cáo tuần, báo cáo tháng, báo cáo năm, báo cáo Hội nghị tổng kết công tác An toàn giao thông quốc gia, cái nào cũng nêu lỗi chủ yếu gây ra tai nạn giao thông là do ý thức chấp hành Luật Giao thông của người tham gia giao thông kém cùng nhiều nguyên nhân khác nữa, nhưng xét cho cùng thì phần lớn cũng đều từ nguyên nhân trên mà ra, ví dụ như các lỗi: tránh vượt sai quy định, khi chuyển hướng không làm tín hiệu rẽ, phóng quá tốc độ, uống quá nhiều rượu bia khi mà còn phải điều khiển phương tiện,…, mà hầu hết các điều này đều đã được ghi trong Luật Giao thông.

Cách giải thích như thế mới chỉ là nửa vời, chưa truy nguyên được nguồn gốc căn bệnh để có thể tìm ra được những giải pháp chữa trị hữu hiệu. Giải thích như thế chưa giải quyết được vấn đề, còn biểu hiện khía cạnh bất lực và thực tế đã chứng tỏ như vậy khi nhiều hội nghị đã đem vấn đề trên ra thảo luận và nhiều biện pháp đã được đề ra, nhưng tình hình vẫn chẳng chuyển biến đáng kể. Tình trạng mất an toàn giao thông đã đến lúc gần như phải có “Hội nghị Diên Hồng”để tìm kế giải quyết và “Diễn đàn Hiến kế giảm thiểu tai nạn giao thông” có lẽ là chuyển biến bước đầu của xu hướng tích cực chịu khó học hỏi lắng nghe để tiếp thu những ý kiến có khi là trái chiều so với trước đây nhằm đổi mới các biện pháp hoạt động để cải thiện tình hình.                

Đúng là đã đến lúc phải cần thêm những bộ óc tham mưu khác, những lối tư duy khác để giải quyết vấn đề mà không phải là những gương mặt đã quá quen thuộc trong các Hội nghị An toàn giao thông quốc gia cũng như những người đã chủ trì giải quyết các vấn đề giao thông đô thị trong những năm qua. Cũng đã đến lúc cần phải trả lời được một cách khách quan tại sao ý thức của người tham gia giao thông vẫn kém khi mà chúng ta đã tốn rất nhiều tiền bạc và công sức tuyên truyền, giáo dục cho dân chúng về vấn đề này. Gần đây, một số nhà tham mưu lại tiếp tục hô hào phạt và cấm nhiều hơn nữa, mà họ không biết rằng mình đang tham mưu “đổ thêm dầu vào lửa”, vì có phải từ trước đến nay không phạt, không cấm đâu, thậm chí quá nhiều là đằng khác.

Nếu chúng ta tiến hành tổng kết số người bị phạt và số lần phạt thì sẽ thấy đây là con số khổng lồ đã lên tới nhiều chục triệu lần và nếu tính bình quân số lần phạt trên tổng số  dân Việt Nam thì  có lẽ không mấy ai là không bị phạt. Số tiền phạt vi phạm đánh vào túi của các tầng lớp nhân dân cũng cực kỳ lớn, gần đây đã lên tới trên tỉ đồng mỗi ngày và như vậy sẽ là vài trăm tỉ đồng mỗi năm. Ngoài những thiệt hại về tính mạng và sức khoẻ cùng  một khối tài sản có giá trị bị hư hại khi xe bị giam giữ lâu trong bãi giữ xe vi phạm, thì tổn thất về tiền phạt cũng phải được tính vào thiệt hại của quốc gia. Số vụ việc và thiệt hại thực tế do tai nạn giao thông còn lớn hơn nhiều so với số liệu thống kê được của các nhà quản lý vì có nhiều vụ xảy ra với mức độ không trầm trọng đã được đôi bên tự thoả thuận giải quyết đền bù mà không báo nhà chức trách.

Dân giàu thì nước mạnh, dân bị tổn thất thì đất nước coi như cũng bị tổn thất và đây là một phần trả giá cho tình trạng dân trí thấp. Làm sao những nhà quản lý lại có thể làm ngơ không xem xét đến những tổn thất lớn lao về tiền phạt của hàng triệu người dân được, trong khi trách nhiệm giáo dục nâng cao dân trí, phổ biến luật pháp vẫn thuộc về những nhà quản lý xã hội. Đã đến lúc cần phải truy nguyên nhân tận gốc và cần phải có đề tài nghiên cứu toàn diện và hệ thống về vấn đề này thì mới mong đạt được một sự chuyển biến rõ rệt.

 ý thức chấp hành Luật Giao thông của người dân kém cỏi là do một hệ thống các nguyên nhân được tích luỹ lại từ khi Luật Giao thông ra đời cho đến nay mà trong phạm vi một bài viết không thể diễn tả nổi, trong đó trách nhiệm chủ yếu thuộc về các nhà quản lý trong nhiều năm đã tiến hành một số biện pháp thiếu thực tiễn khách quan, không khoa học, kém hiệu quả, lộ trình áp dụng chưa phù hợp dẫn đến chứng “ bệnh nhờn thuốc”, chứng “trẻ dạn đòn”. ý thức của người tham gia giao thông thuộc về lĩnh vực tâm lý học và văn hoá trong giao thông vận tải mà lâu nay ít được chú ý nghiên cứu.

 

       Tác giả: Tiến sĩ  Đồng Xuân Thành, Công ty Tư vấn Đầu tư và xây dựng giao thông vận tải.

 371-Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội;  ĐT: (04). 8317235, 0982789920.

 

Đồng Xuân Thành:riccc@fpt.vn

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)