Ba tháng đầu năm, mặc dù triển khai đồng bộ nhiều biện pháp bảo đảm trật tự ATGT, nhưng tình hình trật tự ATGT vẫn diễn biến rất phức tạp, số người chết tăng 123 người (4,3%) so với cùng kỳ năm trước. Càng vào giai đoạn mùa hè, tai nạn giao thông (TNGT) trên các tuyến quốc lộ càng có chiều hướng diễn biến phức tạp. Thêm vào đó, lưu lượng người và phương tiện ngày càng tăng nhanh, nhiều điểm giao thông bố trí bất hợp lý, các công trình hạ tầng giao thông không đáp ứng kịp nhu cầu phát triển,... là những nguyên nhân khiến tai nạn gia tăng. Do vậy, các bộ, ngành, địa phương và đoàn thể cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT, xây dựng văn hóa giao thông; chiến lược ATGT đường bộ quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Ðồng thời, tuyên truyền để mỗi người dân hiểu được ý nghĩa, mục tiêu và nội dung các hoạt động hưởng ứng 'Thập kỷ hành động vì ATGT đường bộ' của Liên hợp quốc. Chuyên mục ATGT trên các phương tiện truyền thông đại chúng cần tạo được điểm nhấn, thu hút sự chú ý của người dân nhằm phát huy hiệu quả tuyên truyền. Tăng cường bảo đảm trật tự ATGT đường thủy trong mùa mưa bão, kiểm tra an toàn hoạt động các bến đò ngang; xử lý nghiêm các lỗi vi phạm chở quá tải, quá số người quy định, phương tiện không đủ điều kiện an toàn; đẩy nhanh tiến độ đăng ký phương tiện thủy nội địa.
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) xây dựng đề cương tuyên truyền về phòng, chống uống rượu, bia khi lái xe làm cơ sở để các ngành, đoàn thể, tổ chức và địa phương thống nhất nội dung tuyên truyền, vận động. Trong trường học, có biện pháp đôn đốc, nhắc nhở học sinh phải đội mũ bảo hiểm (MBH) khi tham gia giao thông bằng mô-tô, xe gắn máy và có biện pháp mạnh mẽ hơn nữa nhằm ngăn chặn triệt để tình trạng học sinh chưa đủ tuổi, hoặc chưa có giấy phép lái xe điều khiển mô-tô, xe gắn máy. Ðồng thời, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và T.Ư Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch với Ủy ban ATGT quốc gia về tham gia bảo đảm trật tự ATGT, xây dựng Nghị quyết liên tịch mới phù hợp tình hình giao thông hiện nay và trong những năm tới; đẩy mạnh phong trào xây dựng văn hóa giao thông từ cơ sở, khu dân cư. Mặt khác, tiếp tục hiện đại hóa phương tiện, trang thiết bị phục vụ tuần tra, kiểm soát, triển khai nhân rộng mô hình sử dụng hệ thống ca-mê-ra giám sát, xử lý vi phạm trật tự ATGT trên một số đoạn tuyến quốc lộ trọng điểm; tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề án, dự án, nhằm tăng cường năng lực cho CSGT và thanh tra giao thông.
Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (C67 - Bộ Công an) cũng vừa chỉ đạo lực lượng CSGT cả nước thực hiện đợt cao điểm bảo đảm trật tự ATGT dịp hè. Ðợt cao điểm này nhằm kiềm chế và làm giảm TNGT, hạn chế và kịp thời giải quyết ùn tắc giao thông, phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các vụ tụ tập, đua xe trái phép; tình trạng chống lại CSGT trong khi làm nhiệm vụ. Trong công tác tuần tra kiểm soát, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT; tăng cường tuyên truyền pháp luật cho người vi phạm trong khi xử lý vi phạm; tổ chức huy động lực lượng công an khác tham gia xử phạt vi phạm trật tự ATGT ở khu vực nông thôn, nhất là hành vi không đội MBH, xe máy chở quá số người quy định; phối hợp chặt chẽ lực lượng chức năng và chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý nghiêm xe cơ giới ba bánh tự chế lưu thông trong khu vực cấm, nhất là trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Ngành sẽ huy động lực lượng, phương tiện xử lý mạnh các đối tượng xe ô-tô kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa, xe công-ten-nơ và xe mô-tô vi phạm tốc độ, chở quá tải, quá số người, dừng, đỗ, đón trả khách sai quy định, xe không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn,... Các lực lượng sẽ tập trung xử lý tại địa bàn các tuyến quốc lộ trọng điểm có lưu lượng giao thông lớn, tình hình trật tự ATGT phức tạp, thường xảy ra TNGT, ùn tắc giao thông; đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, phòng ngừa, ngăn chặn đua xe trái phép.
Ngoài ra, phối hợp các đơn vị, lực lượng chức năng ngành đường sắt kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về trật tự ATGT đường sắt, tăng cường kiểm tra an toàn tại các đường ngang, 'điểm đen' về TNGT đường sắt để phát hiện, kiến nghị khắc phục kịp thời các nguy cơ gây tai nạn, kiểm tra việc chấp hành các quy định về tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật công trình và thiết bị đường sắt, phương tiện giao thông đường sắt, việc chấp hành quy trình, quy phạm của nhân viên đường sắt.