Đoạn quản lý đường thuỷ nội địa số 4: Tích cực triển khai các biện pháp phòng chống bão lũ năm 2010

Thứ hai, 14/06/2010 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Chủ động phòng ngừa, tích cực tuyên truyền và thực hiện phương châm 4 tại chỗ là những yếu tố dẫn đến thành công trong việc phòng chống bão lũ, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai, bảo đảm giao thông thông suốt và an toàn của Đoạn quản lý đường thuỷ nội địa (QLĐTNĐ) số 4 trong nhiều năm qua...

Chủ động phòng ngừa, tích cực tuyên truyền và thực hiện phương châm 4 tại chỗ là những yếu tố dẫn đến thành công trong việc phòng chống bão lũ, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai, bảo đảm giao thông thông suốt và an toàn của Đoạn quản lý đường thuỷ nội địa (QLĐTNĐ) số 4 trong nhiều năm qua...
Đoạn  QLĐTNĐ số 4 có nhiệm vụ quản lý bảo đảm an toàn giao thông 352 Km đường thủy của 7 tuyến sông gồm: Sông Đuống, Thái Bình, sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam, sông Công và sông Bằng giang. Phạm vi quản lý trải rộng trên 6 tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Hải Dương, Thái Nguyên và Cao Bằng. Trong đó có cửa khẩu Tà Nùng nơi tiếp giáp giữa Việt Nam với Trung Quốc. Đây cũng là địa bàn có địa hình phức tạp nhất và chịu ảnh hưởng nặng nề của lũ bão hằng năm.

Địa bàn quản lý trên diện rộng và chảy qua nhiều địa phương, nhiều vùng địa hình khác nhau và có rất nhiều thành phần tham gia giao thông trên đường thủy, thế nhưng, trình độ nhận thức về pháp luật của người tham gia giao thông ĐTNĐ còn nhiều hạn chế. Việc quản lý và quy hoạch các bến bãi vật liệu xây dựng, các khu vực khai thác cát, sỏi của các địa phương còn nhiều bất cập. Các bến cóc, bến dù, bến tạm mở tràn lan; phương tiện khai thác, vận chuyển cát, sỏi trái phép, đậu đỗ lấn chiếm luồng chạy tàu cũng như hành lang bảo vệ luồng còn diễn ra khá phổ biến. Tình trạng đó không chỉ gây cản trở giao thông, tăng nguy cơ tai nạn mà còn phá vỡ quy luật của dòng chảy, gây sạt lở, đổ, gãy  mất báo hiệu và gây ô nhiễm môi trường như khu vực Tiên Du (tỉnh Bắc Ninh), Việt Yên ; Dương Đức – Lạng Giang; Song Mai – Bắc Giang; Đồng Việt – Yên Dũng (tỉnhBắc Giang)... Điều đáng nói là, tình trạng phương tiện kém chất lượng, thiếu trang thiết bị an toàn, không đăng ký, đăng kiểm; người điều khiển phương tiện không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn..., đặc biệt là tình trạng chở quá tải, quá mớn nước an toàn nhưng vẫn tham gia hoạt động, nên thường xuyên dẫn đến mất an toàn về giao thông ĐTNĐ. Điển hình như trên tuyến sông Cầu; sông Thương, sông Lục Nam, chuẩn tắc luồng chạy tàu chỉ cho phép các phương tiện có mớn nước đến 1,5m. Nhưng trên thực tế, rất nhiều phương tiện có mớn nước trên 2,0 m đi lại nên những lúc nước xuống thấp gây ách tắc làm cản trở giao thông. Mặt khác, tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép tràn lan trên các tuyến sông, nhất là là các bến khách ngang sông thường xuyên chở quá số lượng người quy định; phương tiện thiếu các thiết bị an toàn (cứu sinh, cứu đắm, phòng chống cháy nổ ); thiếu hệ thống báo hiệu thông báo bến... đang gây ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo đảm an toàn giao thông cũng như phòng chống bão lũ, giảm nhẹ thiên tai.


Phương tiện neo đậu lấn chiếm hành lang bảo vệ an toàn cầu Đa Phúc (sông Công).

Trao đổi về các biện pháp phòng chống bão lũ, ông Trần Văn Thọ – Giám đốc Đoạn QLĐTNĐ số 4 cho biết: “Do phạm vi quản lý của đơn vị nằm trên vùng chịu ảnh hưởng rất lớn của mùa bão lũ, nhất là tuyến sông Lục Nam, sông Đuống, nên công tác phòng chống bão lũ, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai trong mùa mưa, bão hàng năm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Vì vậy, trước mùa mưa lũ, Đoạn QLĐTNĐ số 4 đã quán triệt đến các trạm QLĐTNĐ trực thuộc, chủ động phòng ngừa, tích cực tuyên truyền và thực hiện triệt để phương châm 4 tại chỗ làm nòng cốt trong việc phòng chống bão, lũ. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng Trung ương và địa phương tích cực phổ biến Luật Giao thông ĐTNĐ cũng như các biện pháp phòng chống bão lũ đến các tầng lớp nhân dân, đồng thời thông báo các khu vực neo đậu tránh trú bão trên các tuyến sông đến các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân làm nghề vận tải thủy biết để kịp thời điều động phương tiện vào nơi trú bão lũ an toàn và thuận lợi”.


Duy tu báo hiệu bảo đảm ATGTĐT trước mùa lũ.

Để công tác công tác phòng chống bão lũ, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai trong mùa mưa, bão có hiệu quả hơn, ông Thọ cũng đề nghị các cơ quan thông tin đại chúng kể cả Trung ương và địa phương tuyên truyền mạnh hơn nữa các kiến thức về phòng chống bão lũ trên đường thủy tới mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các thành phần liên quan đến hoạt động trên ĐTNĐ. Các địa phương có đường thủy đi qua cần sớm có quy hoạch cảng, bến và khu vực khai thác vật liệu trên sông để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác cấp phép hoạt động của cảng, bến cũng như công tác quản lý tài nguyên khoáng sản của địa phương.

Ban ATGT tỉnh giao cho các cơ quan chức năng như: Thanh tra, Công an, Sở giao thông vận tải, Sở tài nguyên & môi trường, các xã, phường ven sông, Thanh tra chuyên ngành phối hợp chặt chẽ với Đoạn QLĐTNĐ số 4 tăng cường kiểm tra; phát hiện vi phạm; xử phạt hoặc đình chỉ ngay các cảng, bến trái phép; phương tiện không có đăng ký, đăng kiểm, thiếu trang thiết bị an toàn, người điều khiển không có bằng cấp chứng chỉ chuyên môn; các đơn vị, cá nhân khai thác tài nguyên trái phép phải thu giữ phương tiện, nếu tái phạm nghiêm trọng đề nghị các cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm theo qui định của pháp luật.


Đẩy mạnh tuyên truyề Luật GTĐT NĐ đến những người làm nghề trên sông.

Đối với hoạt động vận chuyển khách ngang sông, Ban ATGT các địa phương cần tăng cường truyên truyền vận động " người đi đò mặc áo phao ". Có chế tài xử lý những bến khách ngang sông không trang bị đủ số lượng áo phao, hoặc có nhưng chỉ nhằm đối phó với cơ quan chức năng. Giao cho các xã, phường ven sông quản lý chặt chẽ các bến bãi, bến khách ngang sông, phương tiện thiết bị và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông thuộc địa phận của địa phương mình. Đình chỉ ngay những phương tiện đò ngang không đủ điều kiện hoạt động, thiếu trang thiết bị an toàn hoặc các chủ đò không có bằng cấp chứng chỉ chuyên môn mà vẫn cố tình hoạt động. Giải toả hoặc thu hồi giấy phép hoạt động của những bến bãi hoạt động trái phép vi phạm đến hành lang bảo vệ an toàn các công trình giao thông, đê điều... hoặc không chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, trang thiết bị cần thiết để neo chằng báo hiệu, nhà cửa, phương tiện theo phương án di chuyển và tham gia cứu hộ, cứu nạn cùng địa phương.

Đối với các đơn vị quản lý trực thuộc,  Đoạn QLĐTNĐ số 4 chỉ đạo khẩn trương thu hồi báo hiệu khi xảy ra lũ. Các tuyến sông có báo hiệu điện, báo hiệu thuộc hệ thống kè chỉnh trị, phải đặc biệt lưu ý, không để lũ dâng ngập đèn, ắc quy, không để đổ, trôi mất báo hiệu...


Lực lượng liên ngành kiểm tra hoạt động vận chuyển khách ngang sông trên sông Đuống.

Thực hiện ĐTKC tại các cầu theo đúng phương án được duyệt. Khi địa phương có nhu cầu điều động phương tiện, tài sản phục vụ chống bão lũ theo lệnh của Chủ tịch UBND huyện, Thành phố phải kịp thời báo cáo Giám đốc đoạn để thống nhất biện pháp triển khai. Trường hợp cấp cứu đặc biệt xét thấy cần hỗ trợ địa phương nơi đóng quân phải ứng cứu kịp thời, sau đó báo cáo ngay cho Ban chỉ huy phòng chống lụt bão & tìm kiếm cứu nạn của Đoạn để giải quyết hậu quả. Các trạm phải lập phương án phòng chống bão, lũ; chuẩn bị đầy đủ vật tư trang thiết bị dự phòng của đơn vị mình. Thường xuyên, chủ động nắm vững tình hình luồng lạch, điều chỉnh báo hiệu cho phù hợp với tình hình thực tế, đặc biệt là tại các khu vực giao thông trọng điểm, các cầu vượt sông xung yếu như  cầu Thị  Cầu, cầu Như Nguyệt và cầu Vát trên sông Cầu; cầu Cẩm Lý, cầu Lục Nam và cầu Chũ trên sông Lục Nam; cầu Hồ trên sông Đuống; cầu đường bộ, cầu đường sắt Đa Phúc trên sông Công; cầu Phả Lại trên sông Thái Bình; cầu Hoàng Ngà, cầu Bằng Giang trên sông Bằng Giang. Các cầu khi có chiều cao tĩnh không và chiều rộng khoang thông thuyền hẹp, không bảo đảm an toàn cho phương tiện hoặc đoàn phương tiện qua tuyến phải triển khai đầy đủ hệ thống báo hiệu chỉ dẫn và thường xuyên điều chỉnh cho phù hợp với diễn biến của mực nước lũ để các phương tiện nắm khi điều động phương tiện quan cầu an toàn, tránh được các sự cố va chạm vào trụ cầu, hoặc mắc kẹt dưới cầu.
Theo ND

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)