Trước tình hình này, lần đầu tiên Ban ATGT thành phố đã tổ chức hội nghị sơ kết 3 tháng đầu năm và đưa ra 7 nhóm giải pháp với quyết tâm kiềm chế bằng được tình hình TNGT trên địa bàn. Thế nhưng một lần nữa cho thấy, những giải pháp này chưa thể “hạ nhiệt”...
Báo cáo quý 1 (2011) của Ban ATGT thành phố cho biết, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 61 vụ TNGT, làm chết 38 người, bị thương 55 người, so với cùng kỳ năm 2010 tăng 8 vụ và số người chết tăng 3 người.
|
Ô-tô đâm nhau liên hoàn tại giao lộ Nguyễn Hữu Thọ - Trưng Nữ Vương (ảnh chụp sáng 12-4-2011). Ảnh: Trọng Hùng
|
Trước tình hình này, lần đầu tiên Ban ATGT thành phố đã tổ chức hội nghị sơ kết 3 tháng đầu năm và đưa ra 7 nhóm giải pháp với quyết tâm kiềm chế bằng được tình hình TNGT trên địa bàn. Thế nhưng một lần nữa cho thấy, những giải pháp này chưa thể “hạ nhiệt” khi số liệu thống kê trong tháng 4-2011 lại tiếp tục rung lên hồi chuông báo động với 19 vụ TNGT đường bộ, làm chết 16 người, bị thương 10 người. Như vậy, so với cùng kỳ năm 2010, tình hình tiếp tục xấu đi khi tăng thêm 3 vụ và 10 người chết. Điều đáng chú ý là trong tháng 4 cũng chính là tháng lực lượng CSGT triển khai 2 chuyên đề trọng tâm là tổng kiểm tra ô-tô tải và mô-tô, hai loại phương tiện được nhận diện là nguyên nhân chính dẫn đến những vụ TNGT. Kết quả qua tháng đầu tiên triển khai chuyên đề, lực lượng CSGT đã lập biên bản xử phạt 3.363 trường hợp mô-tô và 3.367 trường hợp ô-tô tải vi phạm - con số cao gần gấp đôi những tháng bình thường, và TNGT vẫn không giảm, vì sao vậy?
Đi tìm câu trả lời cho câu hỏi này, rất dễ nhận ra một điểm khá chung của các vụ TNGT là thường xảy ra vào thời điểm lực lượng CSGT ít chốt trực trên đường. Cụ thể, có đến 40% số vụ TNGT xảy ra trong thời gian từ 18 giờ đến 24 giờ và 33,3% số vụ TNGT xảy ra trong khoảng thời gian từ 12 giờ đến 18 giờ. Trong khi đó, thời điểm lực lượng CSGT có mặt nhiều nhất để làm nhiệm vụ trên các tuyến đường thường là từ 6 giờ đến 7 giờ 30, từ 11 giờ đến 12 giờ và từ 16 giờ đến 18 giờ hằng ngày.
Bên cạnh “lỗ hổng” về thời gian, việc lực lượng CSGT còn mỏng, chưa thể tổ chức chốt trực thường xuyên trên một số tuyến đường lớn mà chỉ thực hiện chế độ tuần tra lưu động cũng vô tình tạo nên những “lỗ hổng” về không gian. Theo số liệu phân tích của Ban ATGT thành phố, tại những điểm nóng về ùn tắc giao thông thường xuyên như nút giao thông phía tây cầu Sông Hàn, ngã tư Ông Ích Khiêm-Hùng Vương... ít khi xảy ra TNGT, mà nếu có xảy ra cũng ở mức độ nhẹ. Ngược lại, tại các trục đường lớn, hạ tầng giao thông tốt lại thường xuyên xảy ra TNGT, thậm chí là TNGT nghiêm trọng gây chết người. Cụ thể trong quý 1-2011, tuyến quốc lộ 14B đã xảy ra 8 vụ TNGT, làm chết 7 người, bị thương 6 người; đường Nguyễn Lương Bằng xảy ra 4 vụ TNGT làm chết 1 người, bị thương 5 người; đường Ngô Quyền xảy ra 3 vụ TNGT, làm chết 3 người, bị thương 1 người...
Trong khi tổ chức chốt trực, tuần tra của CSGT còn có độ chênh với thực tế như vậy, việc xử phạt theo Nghị định số 34/2010/NĐ-CP mặc dù được cho là “nặng tay” hơn so Nghị định 146/2007/NĐ-CP, thế nhưng lại mang yếu tố “mở” hơn nên khiến người vi phạm ít sợ hơn. Cụ thể trong Nghị định 146, mức phạt tiền có thấp hơn Nghị định 34, nhưng thường giữ phương tiện; còn ở Nghị định 34 tăng tiền phạt nhưng lại giảm hình thức tạm giữ phương tiện. Đây có thể nói là “kẽ hở” khiến những người thiếu ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ ít “ngán” hơn, vì sau khi vi phạm có thể nộp tiền là tiếp tục đi.
Để giải quyết được tình trạng gia tăng TNGT, ngành chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác tuần tra, kiểm soát trên các địa bàn, đồng thời xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm.
Hieuht (theo baodanang)