Lâu nay, người dân ở hai thôn Tà Lang và Giàn Bí, xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) bị chia cắt bởi dòng sông Cu Đê. Mùa nước cạn, người dân nơi đây lội bộ qua sông; còn mùa mưa lũ, họ phải đi trên phương tiện duy nhất là “chiếc đò” được kết nối bằng ba chiếc săm ô-tô của bà Nguyễn Thị Gái (trú thôn Tà Lang) làm nghề đưa khách qua sông.
Tròng trành giữa dòng nước xiết
|
|
|
Người dân liều mạng vượt sông như vậy, còn cây cầu thì thi công ì ạch chưa xong.
|
Những ngày mưa vừa qua, nước sông Cu Đê dâng cao hơn thường ngày làm cho khoảng cách đôi bờ giữa hai thôn Tà Lang và Giàn Bí rộng gần 100m (xa gấp đôi so với mùa nắng). Thấy vậy, bà Nguyễn Thị Gái (trú thôn Tà Lang) đã sáng chế ra “chiếc đò” làm bằng ba cái săm ô-tô cỡ lớn, đưa khách qua sông. Mỗi lần khách qua sông, họ phải trả cho bà Gái 5 nghìn đồng/người và 10 nghìn đồng/xe máy.
Trong những ngày nửa cuối tháng 10 vừa qua, chứng kiến cảnh “chiếc đò” của bà Gái chở người và xe máy tròng trành vượt dòng nước đang cuồn cuộn chảy xiết mà chúng tôi không khỏi thót tim, lo lắng cho tính mạng của họ. Thế nhưng, khi được hỏi, một thanh niên trú phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) trả lời:
Tôi có rẫy ở bên Tà Lang nên vài ba hôm phải lên thăm rẫy một lần. Biết đi như vậy là nguy hiểm, nhưng không còn lựa chọn nào khác. Dứt lời, anh nhảy phắt lên “chiếc đò” của bà Gái, cùng với chiếc xe máy vượt sông. Cạnh đó, bà Phan Thị Lan, trú xã Đại Phước, huyện Đại Lộc (Quảng Nam), làm nghề buôn hàng chuyến lên thôn Tà Lang cũng cho biết, hằng ngày tôi chở thịt, cá, rau củ, mắm muối... lên đây bán, hôm nước cạn thì lội, còn nước sâu chỉ còn cách đi qua sông bằng “đò” của bà Gái. “Đi miết quen rồi, sợ chi”, bà Lan nói.
Tự tin rằng mình là dân địa phương, nắm rõ từng chỗ nông sâu của con sông, nên dù trên bè không hề có áo phao, bà Gái vẫn chở hàng trăm lượt khách vượt sông mỗi ngày. Riêng học sinh, trẻ con trong thôn Tà Lang qua lại sông để đến trường thì bà Gái không thu tiền. “Bữa ni nước cạn thì tôi cầm lái, chứ gặp hôm nước sâu là tôi trao tay chèo lại cho mấy đứa thanh niên trong thôn ra đưa khách”, bà Gái cho biết.
|
|
Đưa xe máy lên “đò” vượt sông.
|
|
Nguy hiểm hơn, nhiều người do không có tiền đi “đò” hoặc tiếc tiền nên họ đã cột can nhựa trên lưng để lội qua sông, bất chấp dòng nước đục ngầu đang cuồn cuộn chảy xiết có thể cuốn trôi bất cứ lúc nào!
Cầu ơi! Bao giờ xong?
Theo ông Đinh Văn Mai, Trưởng thôn Giàn Bí cho biết, sau cơn bão số 9 vừa qua, trong lúc đưa khách qua sông, do nước lũ chảy xiết, “chiếc đò” của bà Gái đã bị lật hai lần, rất may 6 người đi trên “đò” đã may mắn thoát chết. Biết đi như vậy là quá nguy hiểm, nhưng chờ mãi vẫn không thấy công trình cầu bắc qua sông Cu Đê hoàn thành đưa vào sử dụng nên người dân hai thôn muốn qua lại chỉ còn cách đi trên các loại “đò” tự chế này thôi.
Sau khi nghe phản ảnh của chúng tôi về việc đi lại nguy hiểm của người dân như trên, ông Nguyễn Ngưng, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc nói: Lâu nay, UBND xã đã cấm người dân tổ chức “đưa đò” theo kiểu tự phát này. Trước thực trạng trên, UBND xã sẽ chỉ đạo các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm. “Điều mà người dân và chính quyền địa phương mong muốn nhất hiện nay là ngành Giao thông-Vận tải đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành cây cầu để tạo điều kiện cho người dân thuận lợi trong việc đi lại, làm ăn sinh sống”, ông Ngưng nói.
|
|
|
Nhiều người mang theo can nhựa lội giữa dòng nước chảy xiết để vượt sông.
|
Trao đổi với chúng tôi chiều ngày 29-10, ông Huỳnh Đắc Đạt, Phó trưởng Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông công chính, thuộc Sở Giao thông-Vận tải cho biết, đầu năm 2009, UBND thành phố Đà Nẵng đầu tư kinh phí hơn 10 tỷ đồng để xây dựng cầu bắc qua sông Cu Đê nối liền hai thôn Tà Lang và Giàn Bí, với tổng chiều dài 87,15m.
Theo kế hoạch, thời gian hoàn thành việc thi công cây cầu vào tháng 11-2009. Tuy nhiên, do mưa lũ và địa chất nơi đây phức tạp nên đến thời điểm này, đơn vị thi công mới chỉ thi công xong các dầm và mố. “Việc hoàn thành cây cầu vào tháng 11 như kế hoạch là không thể thực hiện được, nên chúng tôi đã đề nghị UBND thành phố cho phép lùi thời gian hoàn thành cầu vào trước Tết Nguyên đán 2010”, ông Đạt cho biết.
Theo Báo Đà Nẵng OL