Gia tăng tình trạng vi phạm hành lang ATGT đường sắt

Thứ hai, 15/12/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Tình trạng ô tô đổ vào khổ giới hạn an toàn giao thông đường sắt, chết máy trên đường sắt hoặc cố tình vượt ẩu qua đường sắt trong khi tàu đang đến gần... diễn ra ngày một nhiều. An toàn cho những chuyến tàu không thực sự vững chắc vì những vi phạm nói trên. Làm gì để ngăn chặn tình trạng này, câu trả lời phụ thuộc vào thái độ, ý thức tham gia giao thông của người và phương tiện khi qua đường sắt.

Tình trạng ô tô đổ vào khổ giới hạn an toàn giao thông đường sắt, chết máy trên đường sắt hoặc cố tình vượt ẩu qua đường sắt trong khi tàu đang đến gần... diễn ra ngày một nhiều. An toàn cho những chuyến tàu không thực sự vững chắc vì những vi phạm nói trên. Làm gì để ngăn chặn tình trạng này, câu trả lời phụ thuộc vào thái độ, ý thức tham gia giao thông của người và phương tiện khi qua đường sắt.
Thông tin tàu hỏa đâm ô tô trên các báo diễn ra hằng ngày. Nhưng thực ra, nói cho đúng thì là ô tô đâm tàu hỏa, bởi Luật Đường sắt đã quy định hành lang ATGTĐS, bất kỳ cá nhân, phương tiện nào qua đường sắt đều phải chấp hành. Đường sắt là đường danh riêng cho tàu hỏa, bất cứ phương tiện nào qua đây đều phải chấp hành những quy tắc riêng. Đường của tàu hỏa sao lại gọi là tàu hỏa đâm ô tô, mà phải nói đúng là ô tô đâm tàu hỏa. Tiếc rằng nhiều phóng viên không hiểu thông tin này nên vẫn đưa sai.
Trên thực tế nhiều tài xế lái tàu, hoặc nhân viên tuần đường đã phát hiện ra những vụ việc vi phạm hành lang ATGTĐS và kịp thời báo hiệu dừng tàu, tránh được tai nạn xảy ra. Nhưng vẫn có rất nhiều vụ mà người điều khiển ô tô thiếu quan sát hoặc bất chấp tín hiệu cảnh báo, cố tình vượt qua đường ngang khi tàu đang đến gần và hậu quả là tai nạn đã xảy ra. Xin được dẫn chứng 3 vụ va quệt giữa ô tô và tàu hỏa xảy ra trong tháng 11-2008 do Báo Đường sắt VN cung cấp.


Vụ thứ nhất, xảy ra hồi 8 giờ 7 phút ngày 25-11-2008, đoàn tàu hàng mang số hiệu 322 do đầu máy (ĐM) 725 kéo, đến km 158+010 (khu gian Nghĩa Trang-Đò Lèn). Tại đây có đường ngang giao cắt với đường sắt bằng tín hiệu cảnh báo tự động. Mặc dù chuông đã reo và đèn đã sáng, tài xế ô tô BKS 36M- 4577 vẫn cố tình cho ô tô vượt qua và đã bị tàu va phải làm hỏng ô tô, vỡ đèn bên trái đầu máy, cong tay vịn bậc lên xuống của đầu máy. Điều độ phải cho phong tỏa khu gian và điện các đơn vị liên quan tới giải quyết, đến 8 giờ 55 phút mới kéo được ô tô ra khỏi đường sắt. Thời gian bế tắc đường sắt chính tuyến mất 48 phút.


Vụ thứ hai, cũng trong ngày 25-11-2008, vào lúc 14 giờ 12 phút, đoàn tàu khách SE5 do đầu máy 494 kéo, khi đến km 66+150 (khu gian Phủ Lý-Bình Lục), tại đây có đường ngang giao cắt với đường sắt cảnh báo bằng biển báo, nhưng xe ô tô 4 chỗ BKS 29K- 8515 do không chú ý quan sát, cố vượt qua đường sắt. Hậu quả bị tàu va, làm 1 người ngồi trong ô tô bị thương, hỏng ô tô. Tắc tuyến đường sắt chính tuyến 29 phút.


Vụ thứ ba, xảy ra lúc 8 giờ 20 phút ngày 26-11-2008, đoàn tàu khách mang số hiệu SPT2 chạy hướng Sài Gòn- Phan Thiết do đầu máy 212 kéo, chạy đến km 1684+750 trên khu gian Hố Nai- Trảng Bom đã va vào ô tô kéo container BKS 79H- 3986. Tai nạn xảy ra đã đẩy ô tô đi 68,8 mét. Điều đáng nói là tại đây đã có hệ thống cảnh báo tự động bằng chuông và đèn, nhưng tài xế ô tô vẫn cố vượt qua. Hậu quả là tài xế xe ô tô và 1 công nhân đang sửa chữa điện gần đó bị thương, ô tô bị hư hỏng hoàn toàn. Đầu máy 212 bị trật bánh 2 trục cách ray 0,5 mét, vỡ bình ắc- quy, vỡ két nước, vỡ nồi hãm. Hệ thống tín hiệu cảnh báo tự động của đường sắt bị hư hỏng. Hậu quả của vụ tai nạn này làm bế tắc chính tuyến tới 421 phút, khiến nhiều đoàn tàu khác bị chậm liên đới tới 1731 phút.


Tàu hỏa đâm ô tô hay ô tô đâm tàu hỏa?
Từ những thông tin nêu trên cho thấy, ô tô đâm tàu hỏa chứ không phải là tàu hỏa đâm ô tô. Không chỉ người ngoài ngành Đường sắt nói nhầm mà ngay trong ngành Đường sắt vẫn có những cán bộ nhân viên nói nhầm. Điều này khiến nhiều báo chí đưa thông tin không chuẩn. Những cái tít khá “giật gân”: Tàu hỏa đâm ô tô, gây thiệt hại cho người và ô tô rồi quy trách nhiệm cho ngành Đường sắt đều không đúng. Ngay cả những vụ tai nạn xảy ra nơi đường ngang, vẫn có báo đưa tin, tại sao ngành Đường sắt không xây dựng gác chắn hay làm hàng rào... Thực ra, muốn xây dựng đường ngang qua đường sắt, muốn lắp đặt hệ thống tín hiệu cảnh báo hay làm chắn có người gắc lại phụ thuộc vào các cơ quan khác, trong đó có chính quyền địa phương.
Chúng tôi muốn kết thúc bài báo nhỏ này bằng thông tin: Trước khi qua đường ngang giao cắt với đường sắt, dù bạn đi bộ hay điều khiển ô tô, xe máy, hãy chú ý quan sát và giảm tốc độ, hãy để ý đến hệ thống biển báo, thiết bị cảnh báo trước khi quyết định qua đường sắt. Nếu đã nhìn thấy tàu hỏa từ xa không nên vội vàng qua đường sắt, bởi tốc độ của tàu hỏa có nhiều đoạn hiện đã lên tới 80 km/h. Điều đó có nghĩa là nếu tài xế có muốn phanh cũng không kịp. Đừng nhanh một vài phút, để lại hậu quả suốt đời cho mình và cả những người thân cũng như xã hội.

nguồn giaothongvantai.com.vn

Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật

Đường sắt


Điều 5. Đất dành cho đường sắt


1. Đất dành cho đường sắt bao gồm đất để xây dựng công trình đường sắt, đất trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt và đất trong phạm vi hành lang an toàn giao thông đường sắt.


2. Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý và bảo vệ đất dành cho đường sắt; bảo đảm sử dụng đúng mục đích đã được phê duyệt và thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đất đai. ủy ban nhân dân cấp xã nơi có công trình đường sắt chịu trách nhiệm bảo vệ đất trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt và hành lang an toàn giao thông đường sắt; phát hiện và xử phạt vi phạm phạm vi bảo vệ công trình đường sắt và hành lang an toàn giao thông đường sắt. Trong hành lang an toàn giao thông đường sắt chỉ được phép để cây thấp dưới 1,5 mét và phải cách mép chân nền đường đắp ít nhất 2 mét, cách mép đỉnh mái đường đào ít nhất 5 mét hoặc cách mép ngoài rãnh thoát nước dọc của đường, rãnh thoát nước đỉnh ít nhất 3 mét.


3. Đất dành cho đường sắt phải được cắm mốc chỉ giới. Việc cắm mốc chỉ giới phạm vi đất dành cho đường sắt được quy định như sau: Đối với đất quy hoạch dành cho đường sắt, việc cắm mốc chỉ giới do Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có quy hoạch đường sắt thực hiện; Đối với đất đã có công trình đường sắt, doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có công trình đường sắt xây dựng phương án cụ thể cắm mốc chỉ giới xác định phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, hành lang an toàn giao thông đường sắt, trình ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có công trình đường sắt phê duyệt; đồng thời thông báo cho ủy ban nhân dân cấp xã nơi có công trình đường sắt biết để phối hợp bảo vệ. Trong thời hạn không quá ba tháng, kể từ ngày được ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt phương án cắm mốc chỉ giới, doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với ủy ban nhân dân cấp huyện, ủy ban nhân dân cấp xã nơi có công trình đường sắt công bố công khai mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, phạm vi hành lang an toàn giao thông đường sắt và cắm mốc chỉ giới trên thực địa, bàn giao mốc chỉ giới cho ủy ban nhân dân cấp xã nơi có công trình đường sắt để quản lý, bảo vệ.


4. Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với ủy ban nhân dân cấp xã và cơ quan chức năng về tài nguyên và môi trường cấp huyện nơi có công trình đường sắt rà soát hiện trạng sử dụng đất trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt và phạm vi hành lang an toàn giao thông đường sắt để kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết theo quy định sau đây:
Đối với công trình đã có từ trước khi phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, hành lang an toàn giao thông đường sắt được công bố theo quy định của pháp luật: Trường hợp sử dụng đất ảnh hưởng đến an toàn công trình, an toàn giao thông đường sắt hoặc hoạt động của công trình đường sắt ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khỏe của người sử dụng đất thì cơ quan quản lý nhà nước về đường sắt tiến hành thẩm định mức độ ảnh hưởng, nếu phải thu hồi đất thì đề nghị ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất đó. Người có đất bị thu hồi được bồi thường, hỗ trợ theo quy định của pháp luật; Trường hợp sử dụng đất không ảnh hưởng đến an toàn công trình, an toàn giao thông đường sắt hoặc hoạt động của công trình đường sắt không ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khỏe của người sử dụng đất thì người đang sử dụng đất được tiếp tục sử dụng đất theo đúng mục đích đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép nhưng phải thực hiện đúng các quy định về bảo đảm an toàn công trình, an toàn giao thông đường sắt; Đối đvới công trình xây dựng sau khi phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, hành lang an toàn giao thông đường sắt được công bố theo quy định của pháp luật thì giải quyết theo quy định của pháp luật và chủ công trình không được bồi thường, hỗ trợ khi bị thu hồi đất, trừ các công trình ược phép xây dựng theo quy định tại Điều 33 của Luật Đường sắt.


5. Chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp nơi có công trình đường sắt trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm sau đây: Phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những trường hợp lấn, chiếm, sử dụng trái phép đất dành cho đường sắt; buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng ban đầu để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vận tải đường sắt theo quy định. Trường hợp để xảy ra hiện tượng lấn, chiếm, sử dụng trái phép đất dành cho đường sắt tại địa phương thì Chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật; Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về đường sắt, doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo đảm an toàn công trình đường sắt, trật tự, an toàn giao thông vận tải đường sắt; công bố mốc, cắm mốc, giao nhận mốc chỉ giới phạm vi đất dành cho đường sắt.
P.V (Theo Nghị định số 109/2006/NĐ-CP của Chính phủ)
 

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)