Sáng 22/7, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đã chủ trì cuộc họp góp ý kiến lần thứ 8 cho Dự thảo Thông tư quy định về phạm vi bảo vệ công trình, hành lang an toàn giao thông đường sắt đô thị. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các Văn phòng Bộ GTVT, các Vụ tham mưu, Cục Đường sắt Việt Nam, đại diện Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở GTVT thành phố Hồ Chí Minh, Sở GTVT Hà Nội, Sở GTVT Đà Nẵng.
Sáng 22/7, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đã chủ trì cuộc họp góp ý kiến lần thứ 8 cho Dự thảo Thông tư quy định về phạm vi bảo vệ công trình, hành lang an toàn giao thông đường sắt đô thị. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các Văn phòng Bộ GTVT, các Vụ tham mưu, Cục Đường sắt Việt Nam, đại diện Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở GTVT thành phố Hồ Chí Minh, Sở GTVT Hà Nội, Sở GTVT Đà Nẵng.
Theo báo cáo của ông Trần Phi Thường - Phó Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, cơ quan soạn thảo dự thảo Thông tư, tại lần lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư lần thứ 7, Cục Đường sắt Việt nam đã nhận được các ý kiến góp ý từ 11 cơ quan trong và ngoài Bộ. Các ý kiến đóng góp này chủ yếu tập trung vào việc sử dụng các thuật ngữ, cách trình bày...
Sau khi nghe đại diện Cục Đường sắt Việt Nam giải trình các ý kiến đóng góp cho dự thảo Thông tư lần 7, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến vào các điều khoản trong Dự thảo như phạm vi bảo vệ khu gian, nhà ga, depot, vùng bị kiểm soát đối với việc xây dựng các công trình khác thuộc phạm vi bảo vệ, hành lang an toàn giao thông đường sắt đô thị đi ngầm, vấn đề chủ thể quản lý công trình trong quá trình xây dựng, trong quá trình vận hành, phương thức xử lý với các công trình nằm trong hành lang an toàn nhưng không ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường sắt...
Khẳng định tính cần thiết của Thông tư, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông và Cục Đường sắt Việt Nam tiếp thu các ý kiến góp ý trong cuộc họp, đặc biệt là các ý kiến của đại diện Bộ Xây dựng, nhanh chóng chỉnh sửa và thực hiện các thủ tục tiếp theo để việc ban hành Thông tư được tiến hành đúng tiến độ. Thứ trưởng cũng đồng ý trước mắt phạm vi điều chỉnh của Thông tư này không bao gồm loại hình đường sắt một ray (monorail) và đường xe điện bánh sắt (tramway) nhưng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông phải có kế hoạch để xây dựng văn bản quy định, điều chỉnh cho hai loại hình giao thông đường sắt này trong năm 2015. Đối với vùng bị kiểm soát đối với việc xây dựng các công trình trong phạm vi bảo vệ an toàn công trình đường sắt đi ngầm, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông thống nhất khoảng cách tính từ tim hầm ra mỗi bên 30m. Ngoài ra, Thứ trưởng cũng yêu cầu ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm một số khái niệm về công trình đường sắt đô thị.
Dự thảo Thông tư quy định về phạm vi bảo vệ công trình, hành lang an toàn giao thông đường sắt đô thị Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông và Cục Đường sắt Việt Nam phối hợp xây dựng gồm 4 chương 17 điều quy định chi tiết phạm vi bảo vệ công trình, hành lang an toàn giao thông đường sắt đô thị bao gồm đường sắt đô thị trên cao, đường sắt đô thị đi trên mặt đất, đường sắt đô thị đi ngầm, đường sắt đô thị trong các trường hợp đặc biệt và công tác quản lý bảo vệ phạm vi bảo vệ công trình, hành lang an toàn giao thông đường sắt đô thị.
DT