Ngày 22/6, Bộ GTVT đã có Công văn số 6783/BGTVT-VT gửi Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh về việc giải quyết kiến nghị của Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh.
Theo đó, Bộ GTVT nhận được Văn bản số 56/2017/MLG-QHCĐ ngày 06/6/2017 của Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh. Trong đó phản ánh, kiến nghị một số nội dung liên quan đến hoạt động của Công ty TNHH Grab Taxi, Công ty TNHH Uber Việt Nam.
Đối với nội dung kiến nghị “Yêu cầu Uber, Grab đáp ứng đầy đủ các điều kiện kinh doanh vận tải như taxi truyền thống. Như taxi phải kê khai, niêm yết giá cước theo đồng hồ tính tiền được gắn trên xe”, Bộ GTVT xin trao đổi và làm rõ như sau:
Theo quy định tại Điều 66 của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô bao gồm 05 loại hình: (1) Kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định có xác định bến đi, bến đến với lịch trình, hành trình nhất định; (2) Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt theo tuyến cố định có các điểm dừng đón, trả khách và xe chạy theo biểu đồ vận hành với cự ly, phạm vi hoạt động nhất định; (3) Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi có lịch trình và hành trình theo yêu cầu của hành khách; cước tính theo đồng hồ tính tiền; (4) Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng không theo tuyến cố định được thực hiện theo hợp đồng vận tải; (5) Kinh doanh vận tải khách du lịch theo tuyến, chương trình và địa điểm du lịch.
Trong trường hợp các đơn vị vận tải hoạt động theo đúng các loại hình nêu trên và chấp hành đầy đủ các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh được quy định tại Nghị định số 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT của Bộ GTVT mà có sử dụng các phần mềm ứng dụng nhằm mục đích hỗ trợ cho điều hành hoạt động vận tải, quản lý doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và hiệu quả của doanh nghiệp thì Bộ GTVT luôn đồng tình ủng hộ.
Loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng quy định trong Nghị định 86/2014/NĐ-CP đang thực hiện với hình thức hợp đồng vận tải bằng văn bản giấy. Riêng đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng đối với loại xe dưới 9 chỗ ngồi thì Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử (Công văn số 1850/TTg-KTN của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 24/QĐ-BGTVT của Bộ GTVT). Việc sử dụng thông điệp dữ liệu điện tử thay cho hợp đồng vận tải hành khách bằng giấy (hay còn gọi là nội dung ứng dụng hợp đồng điện tử) là bản chất của việc thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng. Bản chất ở đây là xe kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng (được các Sở GTVT cấp phù hiệu xe hợp đồng theo quy định) ứng dụng hợp đồng điện tử thay cho hợp đồng giấy chứ không phải là loại hình taxi.
Đối với nội dung kiến nghị “Điều chỉnh mức thuế bình đẳng giữa các loại hình kinh doanh taxi”, Bộ GTVT cho biết, các đơn vị vận tải tham gia thí điểm phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định của Nghị định số 86/2014/NĐ-CP, Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT và Quyết định số 24/QĐ-BGTVT của Bộ GTVT. Việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà nước, Bộ Tài chính đã có Văn bản gửi Cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn chính sách thuế và quản lý thuế liên quan đến hoạt động trong lĩnh vực này. Vấn đề này, đề nghị Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh trao đổi với Bộ Tài chính để được hướng dẫn rõ hơn.
Đối với nội dung kiến nghị “Thực hiện kê khai giá khi định giá và điều chỉnh giá đối với Uber, Grab theo đúng quy định”, Bộ GTVT cho biết, việc thực hiện kê khai giá cước, niêm yết giá cước vận tải bằng xe ô tô đang được thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 152/2014/TTLT-BTC-BGTVT ngày 15/10/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện giá cước vận tải bằng xe ô tô và giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.
Đối với nội dung kiến nghị “Về góc độ an ninh quốc gia: yêu cầu dán nhãn hiệu nhận diện đối với xe chạy Uber và Grab”, Bộ GTVT cho biết, theo quy định tại mục 2 phần III của Kế hoạch thí điểm ban hành kèm theo Quyết định số 24/QĐ-BGTVT thì đã quy định:
“- Chỉ doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải được phép tham gia đề án thí điểm;
- Phải có giấy phép kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng được cấp tại tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm;
- Cam kết thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật trong lĩnh vực GTVT, thuế, bảo đảm quyền lợi của hành khách trong quá trình tham gia thí điểm.”
Tại mục 1 phần IV của Kế hoạch thí điểm ban hành kèm theo Quyết định số 24/QĐ-BGTVT quy định: “1. Doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia thí điểm phải chấp hành đầy đủ các quy định của Nghị định 86/2014/NĐ-CP, Thông tư 63/2014/TT-BGTVT, các quy định pháp luật khác có liên quan và quy định tại Quyết định này.”
Theo các quy định này thì các doanh nghiệp, hợp tác xã khi tham gia thí điểm thì phải là các doanh nghiệp, hợp tác xã đã được cấp Giấy phép kinh doanh vận tải và phương tiện đã được cấp phù hiệu xe hợp đồng theo quy định.
Ngoài ra, các đơn vị cung cấp ứng dụng công nghệ tự xây dựng quy chế cấp phát, thu hồi logo, bảo đảm cho việc quản lý giữa đơn vị cung ứng công nghệ, đơn vị vận tải và thuận tiện cho cơ quan quản lý nhà nước, hành khách phân biệt được giữa các xe tham gia Đề án thí điểm và xe kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng thông thường.
Tuy nhiên, đối với nội dung này các đơn vị thí điểm hiện nay có dán biểu trưng logo nhưng kích thước còn nhỏ, khó nhận biết khi phương tiện lưu thông trên đường. Nội dung kiến nghị này trong một số cuộc họp đã được nêu và chính ý kiến từ đơn vị thí điểm cũng đề nghị cân nhắc khi quy định logo lớn hơn, Bộ GTVT ghi nhận đề xuất và tiếp tục nghiên cứu, xin ý kiến cơ quan liên quan để sớm sửa đổi, bổ sung vào nội dung quy định tại Quyết định số 24/QĐ-BGTVT cho phù hợp tình hình thực tiễn.
Đối với nội dung kiến nghị “Đề nghị cơ quan nhà nước tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát thường xuyên việc thực hiện các quy định của pháp luật đối với loại hình vận tải hợp đồng thương mại điện tử tại Việt Nam, trong đó có Uber và Grab”, Bộ GTVT ghi nhận đề xuất và sẽ tiếp tục phối hợp cơ quan liên quan thực hiện hoặc chỉ đạo thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động của xe hợp đồng; đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm đối với các phương tiện chưa được cấp phù hiệu hoặc đơn vị vận tải chưa được cấp Giấy phép kinh doanh nhưng vẫn đưa xe ra hoạt động động vận tải có thu tiền. Gần đây nhất, Sở GTVT thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có văn bản phối hợp xử lý những xe chưa đúng quy định của Nghị định 86/2014/NĐ-CP, Thông tư 63/2014/TT-BGTVT và Quyết định số 24/QĐ-BGTVT.
Sau khi nhận được kiến nghị của Công ty Vinasun, ngày 30/5/2017, Bộ GTVT đã có Văn bản số 5744/BGTVT-VT đề nghị Công ty TNHH Grab Taxi, Công ty TNHH Uber Việt Nam làm rõ các nội dung liên quan đến đơn vị mình; báo cáo kết quả về Bộ GTVT trước ngày 06/6/2017 để tổng hợp báo cáo Văn phòng Chính phủ theo đúng thời hạn yên cầu tại Văn bản số 5289/VPCP-ĐMDN.
Ngay sau khi nhận được Văn bản số 5744/BGTVT-VT của Bộ GTVT, Công ty TNHH Grabtaxi, Công ty TNHH Uber Việt Nam đã có văn bản trả lời các nội dung liên quan kiến nghị của Công ty Vinasun. Trong đó 2 Công ty này có giải trình làm rõ một số vấn đề liên quan đến các kiến nghị, Bộ GTVT gửi các văn bản này để các cơ quan nghiên cứu tham khảo (Văn bản của Công ty TNHH Grabtaxi, Công ty TNHH Uber Việt Nam gửi kèm theo Công văn này).
Bộ Giao thông vận tải trân trọng phúc đáp Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh và mong tiếp tục nhận được ý kiến đóng góp trong thời gian tới.
Toàn văn Công văn xem tại đây!