Ngày 28/10/2014, Bộ GTVT đã có Văn bản số 13688 /BGTVT-TC "Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắm - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị" về cơ sở để xác định giá vé, thời gian thu phí đường bộ và việc xử lý vi phạm hợp đồng của nhà thầu tại các công trình BOT.
Ngày 28/10/2014, Bộ GTVT đã có Văn bản số 13688 /BGTVT-TC "Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắm - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị" về cơ sở để xác định giá vé, thời gian thu phí đường bộ và việc xử lý vi phạm hợp đồng của nhà thầu tại các công trình BOT.
Theo đó, ngày 23/10/2014, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã nhận được Công văn số 06/PC-CVKH8 của Văn phòng Quốc hội cùng với chất vấn của đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắm - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị - về nội dung:
“Hiện nay trên các tuyến quốc lộ có rất nhiều trạm thu phí của các nhà thầu nhận đầu tư làm đường theo hình thức BOT. Nhiều cử tri quan tâm đến việc quản lý của Nhà nước đối với việc này. Vì vậy, xin Bộ trưởng cho biết:
1- Cơ sở để xác định giá vé của mỗi loại phương tiện tham gia giao thông và thời gian mà nhà thầu được phép thu phí qua trạm.
2- Giá vé và thời gian thu phí nói trên phụ thuộc vào số lượng phương tiện qua trạm. Vậy, với thực tế là số lượng phương tiện tham gia giao thông (phải mua vé qua trạm thu phí) tăng lên rất nhiều mỗi ngày như hiện nay có được xem xét kịp thời để điều chỉnh giá vé và thời gian mà nhà thầu được thu phí hay không? Nếu có thì đã thực hiện như thế nào?
3- Việc vi phạm hợp đồng của các nhà thầu như: Chậm tiến độ, chất lượng kém, không đảm bảo vệ sinh môi trường... trong thời gian qua là khá phổ biến, việc vi phạm này của các nhà thầu có bị xử phạt hay không? Những biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn trong thời gian tới.”
Về nội dung này, Bộ GTVT xin báo cáo như sau:
1. Cơ sở để xác định giá vé của mỗi loại phương tiện tham gia giao thông và thời gian mà nhà thầu được phép thu phí qua trạm.
- Việc thu phí sử dụng đường bộ đã được quy định trong Pháp lệnh Phí và lệ phí của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Để triển khai thực hiện Pháp lệnh Phí và lệ phí trong lĩnh vực đường bộ, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 159/2013/TT-BTC ngày 14/11/2013 hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ kèm theo biểu khung mức thu phí cho 5 loại phương tiện chịu phí (trước đây là Thông tư số 90/2004/TT-BTC ngày 07/9/2004 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ). Trên cơ sở biểu khung mức thu phí này, Nhà đầu tư và Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thống nhất mức thu phí cụ thể trình Bộ Tài chính xem xét, quyết định cho từng dự án BOT.
- Việc xác định thời gian thu phí hoàn vốn cho dự án được căn cứ vào tổng mức đầu tư, cơ cấu nguồn vốn, lãi vay, lưu lượng, mức phí, các chỉ tiêu tài chính khác... Thực tế hiện nay, các dự án BOT cầu, đường bộ do Bộ Giao thông vận tải là Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ký hợp đồng thì thời gian hoàn vốn khoảng từ 20 năm đến 24 năm.
2. Giá vé và thời gian thu phí nói trên phụ thuộc vào số lượng phương tiện qua trạm. Vậy, với thực tế là số lượng phương tiện tham gia giao thông (phải mua vé qua trạm thu phí) tăng lên rất nhiều mỗi ngày như hiện nay có được xem xét kịp thời để điều chỉnh giá vé và thời gian mà nhà thầu được thu phí hay không? Nếu có thì đã thực hiện như thế nào?
Trên cơ sở dự án đầu tư được duyệt, Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã rà soát và đàm phán với Nhà đầu tư về mức độ tăng trưởng lưu lượng phương tiện qua các năm để ký hợp đồng BOT. Tuy nhiên, việc dự báo mức độ tăng trưởng phương tiện cũng sẽ có chênh lệch tăng hoặc giảm so với thực tế. Do vậy, trong hợp đồng BOT, Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và Nhà đầu tư đã có điều khoản quy định cho trường hợp này. Ví dụ: Khi có sự thay đổi về lưu lượng xe (± 10%) hoặc thay đổi về doanh thu (± 2%) so với tính toán trong hợp đồng thì các bên sẽ thương thảo, ký phụ lục hợp đồng điều chỉnh thời gian thu phí hoàn vốn cho dự án. Định kỳ hàng quý, hàng năm, Nhà đầu tư phải có báo cáo về Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về lưu lượng, doanh thu thu phí. Trong trường hợp có biến động doanh thu, lưu lượng đến mức phải điều chỉnh hợp đồng thì Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ thực hiện ngay việc kiểm tra, xác nhận để điều chỉnh hợp đồng BOT cho phù hợp.
3. Việc vi phạm hợp đồng của các nhà thầu như: Chậm tiến độ, chất lượng kém, không đảm bảo vệ sinh môi trường... trong thời gian qua là khá phổ biến, việc vi phạm này của các nhà thầu có bị xử phạt hay không? Những biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn trong thời gian tới.
3.1. Việc vi phạm này của các nhà thầu có bị xử phạt hay không?
- Việc xử lý vi phạm các nội dung của Hợp đồng giữa Chủ đầu tư và nhà thầu như chậm tiến độ, thi công kém chất lượng, không đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường… được quy định rõ trong Hợp đồng thi công và các quy định khác của pháp luật hiện hành. Đồng thời, Bộ GTVT đã chỉ đạo các Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, nhà thầu thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý tiến độ, chất lượng, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường của các dự án; kiên quyết xử lý các nhà thầu có vi phạm theo các quy định như sau:
+ Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở.
+ Thông tư số 39/2011/TT-BGTVT ngày 18/5/2011 của Bộ trưởng Bộ GTVT về hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
+ Quyết định số 2699/QĐ-BGTVT ngày 05/9/2013 của Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành Quy định tạm thời về hành vi vi phạm và hình thức xử lý trong quản lý chất lượng công trình xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông do Bộ GTVT quản lý.
+ Văn bản số 5955/BGTVT-KCHT ngày 24/6/2013 của Bộ trưởng Bộ GTVT về quy định đảm bảo giao thông khi thi công các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14).
- Đối với các nhà thầu vi phạm về tiến độ, chất lượng, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, Bộ GTVT đã xử lý bằng các hình thức: phê bình, cảnh cáo, cắt chuyển khối lượng, chấm dứt hợp đồng, kiến nghị Thanh tra Xây dựng xử phạt vi phạm hành chính; kiểm điểm trách nhiệm, đình chỉ chức vụ… đối với tập thể, cá nhân, cụ thể như:
+ Về xử lý các nhà thầu thi công không đảm bảo chất lượng: Các hạng mục thi công kém chất lượng, không được các bên nghiệm thu sẽ được yêu cầu các nhà thầu thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ theo đúng các quy định của Hợp đồng thi công và phải phá dỡ, làm lại. Đồng thời, yêu cầu Chủ đầu tư làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan để có những biện pháp xử lý nếu để xẩy ra vi phạm nghiêm trọng về chất lượng. Trong thời gian qua, Bộ GTVT đã xử lý các tập thể, cá nhân thi công không đảm bảo chất lượng dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Cầu 38 - Đồng Xoài; xử lý đình chỉ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án 1 do để thi công không đảm bảo chất lượng dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Thanh Hóa - Diễn Châu (Nghệ An)…
+ Về xử lý các nhà thầu chậm tiến độ: Bộ GTVT đã quyết liệt chỉ đạo và yêu cầu các Chủ đầu tư theo dõi, kiểm soát chặt chẽ tiến độ thi công của các dự án, hàng tháng báo cáo Bộ GTVT để kịp thời chỉ đạo, xử lý. Đối với các gói thầu, dự án chậm tiến độ, Bộ GTVT đã yêu cầu phải có sự điều chỉnh, bổ sung nhân lực, thiết bị để bù lại phần khối lượng chậm trễ; Đồng thời theo dõi sát sao quá trình thực hiện trong một, hai tháng tiếp theo nếu không có tiến triển sẽ cắt chuyển khối lượng hoặc thay thế nhà thầu. Trong thời gian qua, Bộ GTVT đã xử lý chấm dứt hợp đồng với nhà thầu Công ty CP Đức Phú thuộc gói thầu số 9, dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Cây Chanh - Cầu 38, tỉnh Bình Phước; cắt chuyển khối lượng đối với Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai do thi công chậm tiến độ tại gói thầu số 2, dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Km167+570 - Km1738+048, tỉnh Đắk Lắk…
- Về vệ sinh môi trường: Bộ GTVT đã có Thông tư số 39/2011/TT-BGTVT ngày 18/5/2011 và nhiều văn bản chỉ đạo các Chủ đầu tư, nhà thầu thực hiện nghiêm công tác đảm bảo giao thông, vệ sinh môi trường trên các quốc lộ trong quá trình thi công, trong đó giao cơ quan quản lý đường bộ, Thanh tra giao thông xử lý vi phạm hành chính theo quy định.
3.2. Những biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa
Ngoài việc xử lý vi phạm hành chính, cắt chuyển khối lượng hoặc thay thế nhà thầu như đã nêu, Bộ GTVT còn cấm tham dự thầu có thời hạn, đưa vào danh sách xếp hạng, đánh giá kết quả thực hiện của nhà thầu xây lắp hàng năm và công bố rộng rãi trên Trang Thông tin điện tử Bộ GTVT để các Chủ đầu tư làm cơ sở lựa chọn nhà thầu thực hiện các công trình tiếp theo do Bộ GTVT quản lý.
Trên đây là báo cáo của Bộ GTVT về nội dung chất vấn của đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắm - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị. Bộ GTVT trân trọng cảm ơn và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của đại biểu Quốc hội về công tác quản lý nhà nước của ngành Giao thông vận tải./.