Bộ GTVT vừa có Công văn số 1831/BGTVT-ĐTCT trả lời kiến nghị cử tri thành phố Hà Nội gửi tới Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV.
Theo đó, Bộ GTVT nhận được kiến nghị của cử tri thành phố Hà Nội do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 09/BDN ngày 10/01/2019, nội dung kiến nghị như sau: “Cử trì phản ánh hiện nay tình trạng các trạm BOT được đặt khắp các tỉnh, thành phố, nhiều nơi đặt trạm rất gần nhau gây bất bình trong nhân dân. Đề nghị các Bộ, ngành kiểm tra có giải pháp khắc phục. (Câu số 9) ”
Bộ GTVT xin trả lời như sau: Nhu cầu về vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội là rất lớn. Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách nhà nước khó khăn, việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT là chủ trương đúng đắn nhằm huy động nguồn lực xã hội cho phát triển hạ tầng giao thông. Nhiều dự án BOT giao thông sau khi hoàn thành, đưa vào khai thác đã phát huy rõ hiệu quả đầu tư, nhận được sự đồng thuận của các địa phương và người sử dụng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương cũng như của đất nước.
Thực hiện Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 ngày 21/10/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ GTVT đã tiến hành rà soát tổng thể các trạm thu phí BOT. Theo đó, trên toàn quốc hiện có 88 hạm thu phí (Bộ GTVT quản lý 73 trạm; UBND các tỉnh và thành phố quản lý 15 trạm); trong đó có 17 trạm thu phí có bất cập (về vị trí, khoảng cách, mức thu giá dịch vụ...). Trên cơ sở kết quả rà soát, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải pháp xử lý đối với 17 trạm thu phí có bất cập tại Văn bản số 3876/BGTVT-ĐTCT ngày 13/4/2018. Ngày 23/4/2018, Thường trực Chính phủ đã tổ chức họp để xem xét giải pháp xử lý các trạm thu phí bất cập, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận “cơ bản đồng ý với các giải pháp Bộ Giao thông vận tải đề xuất”.
Hiện tại, Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan phối hợp với nhà đầu tư, làm việc và thống nhất với Tỉnh ủy, Đoàn đại biểu Quốc hội, ủy ban nhân dân các tỉnh có liên quan; căn cứ điều kiện cụ thể của từng dự án, tính toán, lựa chọn giải pháp phù hợp cho từng trạm, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người dân, Nhà nước và doanh nghiệp, bảo đảm hiệu quả tài chính của Dự án. Kết quả thực hiện, Bộ GTVT sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận, làm cơ sở để triển khai.
Trên đây là trả lời của Bộ GTVT đối với kiến nghị của cử tri thành phố Hà Nội, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội để trả lời cử tri./.