Trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Phú Thọ gửi tới sau kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV

Thứ sáu, 30/08/2019 10:11
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Bộ GTVT vừa có Văn bản số 8091/BGTVT-KCHT trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Phú Thọ gửi tới sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.

Theo đó, Bộ Giao thông vận tải nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Phú Thọ do Ban Dân nguyện - Ủy ban thường vụ Quốc hội chuyển đến theo Văn bản số 248/BDN ngày 23/7/2019, nội dung kiến nghị như sau:

Cử tri cho rằng, mặc dù đã đơn giản hóa các thủ tục hành chính về quy hoạch nhưng doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt quy định về khoảng cách giữa các cửa hàng xăng dầu trên các tuyến quốc lộ và thủ tục đấu nối đường bộ được quy định tại Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Thông tư 50/2015/TT-BGTVT ngày 23/9/2015 của Bộ Giao thông vận tải về hướng dẫn một số điều của Nghị định 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010; Thông tư 35/2017/TT-BGTVT ngày 09/10/2017 của Bộ Giao thông vận tải về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 50/2015/TT-BGTVT ngày 23/9/2015. Thực tiễn, một số quy định, trình tự thủ tục hành chính không còn phù hợp với quy định tại Nghị định số 08/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018 của Chính phủ, cụ thể:

+ Quy định khoảng cách giữa 2 cửa hàng xăng dầu liền kề cùng phía dọc theo mỗi bên của đoạn quốc lộ không nhỏ hơn 6 km đối với tuyến đường có giải phân cách giữa và khoảng cách giữa 2 cửa hàng xăng dầu liền kề cùng phía dọc theo mỗi bên của đoạn tuyến quốc lộ không nhỏ hơn 12 km đối với tuyến đường không có giải phân cách giữa là không còn phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

+ Trình tự thực hiện việc đấu nối vào tuyến quốc lộ thực hiện quá nhiều thủ tục. Cụ thể, chủ đầu tư dự án sau khi được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư phải có văn bản đề nghị Sở Giao thông vận tải trình UBND tỉnh có văn bản đề nghị thỏa thuận đấu nối với Bộ Giao thông vận tải. Bộ Giao thông vận tải tham khảo ý kiến của Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Vụ Kết cấu hạ tầng, sau đó Bộ Giao thông vận tải ký thỏa thuận mở điểm đấu nối, đồng thời tiếp tục giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam chấp thuận thiết kế và phương án tổ chức giao thông (đường cấp I, cấp II, cấp III), giao Sở Giao thông vận tải của tỉnh cấp phép thi công, nghiệm thu và chấp thuận đưa vào khai thác, sử dụng. Như vậy, trình tự để có 1 điểm đấu nối giao thông phải trải qua nhiều bước và rất nhiều văn bản, thủ tục hành chính từ địa phương đến Trung ương, thời gian thực hiện kéo dài gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Để Nghị định số 08/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018 của Chính phủ thực sự phát huy hiệu quả, tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương, đề nghị xem xét lại quy định về quy hoạch các điếm đấu nối giao thông đường bộ vào các cửa hàng kinh doanh xăng dầu với khoảng cách giữa 02 cửa hàng xăng dầu quy định tại Thông tư 50/2015/TT-BGTVT ngày 23/9/2015, Thông tư 35/2017/TT-BGTVT ngày 09/10/2017 của Bộ Giao thông vận tải. Bên cạnh đó Bộ Giao thông vận tải xem xét, ủy quyền cho Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố quản lý, hướng dẫn đấu nối đảm bảo an toàn cho giao thông cho các dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư.

Ảnh minh họa

Trước tiên, Bộ Giao thông vận tải trân trọng cảm ơn cử tri và các Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ đã quan tâm, góp ý nhằm giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ GTVT ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và nhân dân. Về nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ Giao thông vận tải xin tải trả lời như sau:

1. Về quy định đấu nối vào quốc lộ:

a) Nghị định số 11/2010/NĐ-CP quy định như sau:

- Tại khoản 2 Điều 29: Đường nhánh được nối vào quốc lộ phải thông qua điểm đấu nối thuộc Quy hoạch các điểm đấu nối đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, sau khi có văn bản thoả thuận của Bộ Giao thông vận tải...

- Tại khoản 5 Điều 29: Đấu nối đường nhánh vào dự án quốc lộ được xây dựng mới hoặc nâng cấp, cải tạo, nắn chỉnh tuyến hoặc xây dựng tuyến tránh: ngay từ bước lập dự án, chủ đầu tư dự án phải căn cứ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương có dự án đi qua để xác định vị trí và quy mô các nút giao (nút giao khác mức liên thông hoặc trực thông, nút giao đồng mức).

- Tại khoản 6 Điều 29: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển giao thông vận tải của địa phương để lập quy hoạch các điềm đấu nối.

Theo quy định nêu trên, việc đấu nối vào quốc lộ phải thực hiện theo quy hoạch các điểm đấu nối được UBND tỉnh phê duyệt, sau khi có thỏa thuận của Bộ GTVT. 

b) Quy định tại Luật số 35/2018/QH14

- Tại khoản 2 Điều 1 Luật số 35/2018/QH14 bổ sung Điều 6a của Luật Giao thông đường bộ quy định:

“Điều 6a. Quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

1. Quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành, cụ thể hóa quy hoạch mạng lưới đường bộ, xác định phương án phát triển công trình đường bộ và các kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ khác theo từng tuyến đường bộ.

2. Quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây: a) Xác định hướng tuyến, các điểm khống chế chính, chiều dài, quy mô các tuyến đường bộ qua từng địa phương, từng vùng; xác định số lượng, quy mô, thông số kỹ thuật chủ yếu của các công trình chính gồm cầu, hầm, bến phà trên tuyến đường bộ; xác định cụ thể các điểm giao cắt, hệ thống trạm dừng nghỉ, công trình phụ trợ khác;

5. Bộ Giao thông vận tải tổ chức lập quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

7. Chính phủ quy định chi tiết việc lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá và điều chỉnh quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.”

Theo quy định nêu trên, việc xác định các điểm giao cắt thuộc quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

2. Về việc thực hiện Luật Quy hoạch, Luật Giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn:

- Để phù hợp với Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 và Luật Giao thông đường bộ và các Nghị định hướng dẫn; thực hiện chương trình xây dựng văn bản QPPL của Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam được giao nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 50/2015/TT- BGTVT ngày 23/09/2015 và Thông tư 35/2017/TT-BGTVT ngàỵ 09/10/2017 của Bộ GTVT; trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung đã cập nhật bỏ khoảng cách tối thiểu giữa 2 cửa hàng xăng dầu liền kề và quy định cửa hàng xăng dầu như một điểm đấu nối theo quy định.

- Về việc xem xét ủy quyền cho Sở GTVT các tỉnh hướng dẫn đấu nối đảm bảo an toàn giao thông cho các dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương:

Tại khoản 2 Điều 27 Nghị định số 11/2010/NĐ-CP quy định: “Bộ Giao thông vận tải quy định về việc cấp Giấy phép thi công công trình thiết yếu hoặc điểm đấu nối trên hệ thống quốc lộ, đường cao tốc. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định về việc cấp Giấy phép thi công công trình thiết yếu hoặc điểm đấu nối đối với đường địa phương”. Theo quy định này, việc đề nghị xem xét ủy quyền cho Sở GTVT các tỉnh hướng dẫn đấu nối đảm bảo an toàn giao thông cho các dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương là không phù hợp. Đồng thời, việc lập dự án và kết nối giao thông với quốc lộ phải phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt.

Trên đây là trả lời của Bộ Giao thông vận tải đối với vấn đề được cử tri quan tâm kiến nghị, Bộ Giao thông vận tải trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ để trả lời cử tri và mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của cử tri đối với ngành Giao thông vận tải./.
 

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)