Bộ GTVT trả lời kiến nghị cử tri thành phố Đà Nẵng về phương án nạo vét sông Hồng

Thứ tư, 04/09/2019 10:42
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Bộ GTVT vừa có Văn bản số 8244/BGTVT-KCHT gửi Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng về việc trả lời kiến nghị cử tri gửi tới sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.

Theo đó, Bộ GTVT nhận được kiến nghị của cử tri thành phố Đà Nẵng do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Văn bản số 284/BDN ngày 01/8/2019, nội dung kiến nghị như sau:

“Cử tri kiến nghị cần sớm có phương án nạo vét sông Hồng từ cửa biển vào để tránh gây ngập lụt ở khu vực trong nội thành Hà Nội".

Ảnh minh họa

Trước tiên, Bộ GTVT trân trọng cảm ơn cử tri và Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Đà Nẵng đã quan tâm, góp ý về lĩnh vực đường thủy nội địa nhằm giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người dân. Về nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ GTVT xin trả lời như sau:

- Theo quy định tại Thông tư số 46/2016/TT-BGTVT ngày 29/12/2016 của Bộ GTVT, đường thủy nội địa quốc gia trên sông Hồng có chiều dài 544 km, từ phao số “0” cửa Ba Lạt đến ngã ba Nậm Thi. Trong đó, đoạn từ phao số “0” Ba Lạt đến cảng Việt Trì (dài 178,5 km) có cấp kỹ thuật hiện trạng là cấp I, đoạn từ Cảng Hà Nội đến ngã ba Việt Trì cũ (chiều dài 74,5 km) có cấp kỹ thuật hiện trạng là cấp II, đoạn từ Việt Trì đến Yên Bái (chiều dài 125 km) có cấp kỹ thuật hiện trạng là cấp III, đoạn từ Yên Bái đến ngã ba Nậm Thi (chiều dài 166km) có cấp kỹ thuật hiện trạng là cấp IV.

- Hiện nay, chuẩn tắc luồng đường thủy nội địa trên sông Hồng cơ bản phù hợp với cấp kỹ thuật theo quy định nêu trên, đảm bảo an toàn, thuận lợi cho phương tiện thủy hoạt động. Trên tuyến hiện còn có khu vực cửa Ba Lạt, về mùa cạn độ sâu chỉ đạt khoảng 1,9 m, tuy nhiên nhu cầu hoạt động vận tải thủy qua cửa Ba Lạt còn thấp, chủ yếu là các phương tiện đánh bắt thủy sản, các phương tiện thủy nội địa chủ yếu qua tuyến sông Luộc, cửa Trà Lý, cửa Ninh Cơ, cửa Đáy đi vào sông Hồng. Khu vực cửa Ba Lạt có diễn biến rất phức tạp, việc nạo vét cửa Ba Lạt cần kinh phí lớn để đáp ứng cho hoạt động vận tải phương tiện ra vào và tăng khả năng tiêu thoát lũ nhưng cần phải nghiên cứu, đánh giá đề có giải pháp tổng thể, lâu dải, đảm bảo hiệu quả về kinh tế - kỹ thuật cùng như hiệu quả lâu dài, ổn định của luồng khi thực hiện việc nạo vét tại khu vực cửa sông Ba Lạt.

- Việc nạo vét duy tu luồng đường thủy nội địa nhằm mục đích duy trì chuẩn tắc cho luồng đường thủy nội địa, đảm bảo an toàn giao thông thủy, đáp ứng nhu cầu vận tải thủy bên cạnh đó cũng góp phần tiêu thoát lũ. Nội dung kiến nghị của cử tri về nạo vét sông Hồng từ cửa biển vào để tránh gây ngập lụt ở khu vực trong nội thành Hà Nội cần phải được nghiên cứu tổng thể trong các lĩnh vực như nông nghiệp, thủy lợi. giao thông vận tải... để có giải pháp cụ thể, lâu dài nạo vét mở rộng luồng đường thủy nội địa trên sông Hồng để phục vụ vận tải thủy cũng như góp phần tăng khả năng tiêu thoát lũ của hệ thống sông Hồng.

- Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định, Bộ GTVT sẽ cân đối nguồn ngân sách nhà nước được cấp, tập trung ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện nạo vét duy tu để duy trì chuẩn tắc luồng trong những khu vực, đoạn tuyến có mức độ khan cạn lớn thuộc các tuyến vận tải thủy huyết mạch, các tuyến hành lang vận tải thủy chính để nâng cao năng lực khai thác vận tải thủy cũng như góp phần tiêu thoát lũ trên các sông.

Trên đây là ý kiến Bộ Giao thông vận tải đối với vấn đề được cử tri quan tâm kiến nghị. Bộ Giao thông vận tải trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Đà Nẵng để trả lời cử tri vả rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm góp ý của cử tri đối với ngành Giao thông vận tải./.
 

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)