Bộ GTVT vừa có Công văn số 7545 /BGTVT-KCHT ngày 03/08/2020 gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn để trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Lạng Sơn gửi tới Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIV.
Theo đó, Bộ GTVT nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Lạng Sơn do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 223/BDN ngày 15/6/2020, nội dung kiến nghị như sau: “Nội dung kiến nghị (câu 21) “Hiện nay, trên toàn quốc khoảng 2/3 chiều dài đường quốc lộ do các địa phương được ủy quyền quản lý, bảo trì; một phần do nhà đầu tư BOT, còn lại là Tổng cục đường bộ Việt Nam quản lý, bảo trì. Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) đang được Bộ Giao thông vận tải chủ trì soạn thảo. Tuy nhiên, trong dự thảo luật vẫn chưa có quy định về việc ủy quyền cho các địa phương tổ chức quản lý, bảo trì đường quốc lộ. Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể về việc ủy quyền trách nhiệm tổ chức quản lý, bảo trì một số đường quốc lộ cho UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để phù hợp với thực tế hiện nay”.
Trước tiên, Bộ GTVT trân trọng cảm ơn cử tri và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn đã quan tâm, góp ý đối với công tác quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, nhằm giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người dân.
Về nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ GTVT xin trả lời như sau: Khoản 3, Điều 48 của Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định: “Hệ thống quốc lộ do Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm”. Như vậy, trách nhiệm tổ chức quản lý, bảo trì hệ thống quốc lộ hiện nay thuộc về Bộ GTVT.
Khoản 1 Điều 14 Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định: "Trong trường hợp cần thiết, cơ quan hành chính nhà nước cấp trên có thể ủy quyền bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp dưới hoặc cơ quan, tổ chức khác thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong khoảng thời gian xác định kèm theo các điều kiện cụ thể."
Khoản 2, Điều 26, Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ thì nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ trưởng trong mối quan hệ với chính quyền địa phương có quy định: "Quyết định phân cấp hoặc ủy quyền cho chính quyền địa phương thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của Bộ theo quy định của pháp luật."
Tuy nhiên hiện nay, theo quy định tại khoản 7 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2020) thì "Trong trường hợp cần thiết, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 12 của Luật này, cơ quan hành chính nhà nước cấp trên có thể ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong khoảng thời gian xác định kèm theo các điều kiện cụ thể" .
Khoản 4, Điều 9 của Luật Ngân sách nhà nước quy định: “Nhiệm vụ chi thuộc ngân sách cấp nào do ngân sách cấp đó bảo đảm”. Do đó ngân sách cấp cho bảo trì hệ thống đường quốc lộ thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT. Mặt khác tại khoản 3 Điều 49 của Luật Ngân sách nhà về phân bổ và giao dự toán ngân sách nhà nước quy định: “Ngoài cơ quan có thẩm quyền giao dự toán ngân sách, không tổ chức hoặc cá nhân nào được thay đổi nhiệm vụ ngân sách đã được giao”.
Căn cứ các quy định nêu trên, việc phân cấp quản lý, bảo trì hệ thống quốc lộ là phân định lại quyền hạn và trách nhiệm giữa Bộ GTVT và UBND cấp tỉnh cả về công tác quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và nguồn lực (kinh phí) để thực hiện. Như vậy, việc phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn cho chính quyền địa phương quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ phù hợp với Luật Chính quyền địa phương nhưng không phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước. Do đó, việc phân cấp quản lý các tuyến đường quốc lộ qua địa bàn các tỉnh từ Bộ GTVT về địa phương chưa thực hiện được. Nội dung này, Bộ GTVT tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các cơ quan liên quan nghiên cứu để hoàn thiện Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) đảm bảo đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phù hợp với các quy định của Luật Đầu tư, Luật Ngân sách nhà nước, Luật quản lý tài sản công, Luật Xây dựng và các văn bản có liên quan.
Trên đây là trả lời của Bộ GTVT đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Lạng Sơn, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn để trả lời cử tri và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của cử tri đối với ngành giao thông vận tải./.