Bộ Giao thông vận tải nhận được kiến nghị của cử tri TP. Cần Thơ do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Văn bản số 199/BDN ngày 12/6/2019.
Ảnh minh họa
Nội dung kiến nghị như sau: “Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế những nội dung liên quan đến quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ, công trình thiết yếu gắn vào cầu đường phù hợp với thực tiễn, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các ngành khác có liên quan (Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23/9/2015 và Thông tư số 35/2017/TT-BGTVT ngày 09/10/2017)”.
Trước tiên, Bộ GTVT trân trọng cảm ơn cử tri và Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ đã quan tâm, góp ý đối với công tác quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh nhằm giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ GTVT ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người dân. Về nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ GTVT xin trả lời như sau:
1. Ngày 29/6/2020, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 13/2020/TT-BGTVT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23/9/2015 và Thông tư số 35/2017/TT-BGTVT ngày 09/10/2017 của Bộ trưởng Bộ GTVT hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
2. Thực hiện việc hướng dẫn Nghị định số 11/2010/NĐ-CP: đối với việc lắp đặt đường dây dẫn điện vào các công trình cầu, để đảm bảo an toàn đối với nhân viên kiểm tra cầu và không ảnh hưởng đến công tác bảo trì cầu, đồng thời tuân thủ các quy định về an toàn phóng điện và bảo vệ hành lang an toàn lưới điện theo quy định; Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23/9/2015, Thông tư số 35/2017/TT-BGTVT ngày 09/10/2017 và Thông tư số 13/2020/TT-BGTVT ngày 29/6/2020 theo đó:
a) Không chấp thuận công trình đường ống cung cấp năng lượng (xăng dầu, ga, khí đốt), đường ống hóa chất, vật liệu không bảo đảm quy định về phòng, chống cháy nổ, ăn mòn; công trình điện lực có điện áp danh định là cao áp theo quy định của pháp luật về điện lực.
Công trình điện lực chỉ được phép lắp đặt vào cầu khi đáp ứng các yêu cầu sau: thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn điện theo quy định của pháp luật về điện lực, có biện pháp bảo đảm an toàn giao thông, an toàn vận hành, khai thác, sửa chữa, cải tạo và bảo trì công trình đường bộ. Chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình điện lực có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ khi cải tạo, sửa chữa, bảo trì công trình điện lực và công trình đường bộ; xử lý, khắc phục sự cố (nếu có).”;
b) Đối với cầu mới được xây dựng có thiết kế hộp kỹ thuật, bộ gá đỡ để lắp đặt các công trình thiết yếu: việc chấp thuận lắp đặt công trình thiết yếu gắn vào cầu phải phù hợp với thiết kế của công trình cầu, tải trọng, kích thước và các yếu tố khác;…”.
3. Quy định về bảo vệ công trình đường bộ: Khoản 4 Điều 21 Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về giới hạn bảo vệ trên không của công trình đường bộ xây dựng mới như sau: “Chiều cao đường dây tải điện đi phía trên đường bộ hoặc gắn trực tiếp trên kết cấu của cầu phải bảo đảm an toàn cho hoạt động giao thông vận tải và an toàn lưới điện tùy theo điện áp của đường dây điện.”
4. Bên cạnh đó, Luật Luật Điện lực số 28/2004/QH11 và Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26/02/2014 của Chính phủ đã quy định chi tiết về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện và khoảng cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp.
5. Trên cơ sở các quy định nêu trên: Việc lắp đặt đường điện vào các công trình cầu không được thiết kế là công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung sẽ ảnh hưởng đến an toàn của công trình và an toàn trong quá trình khai thác, bảo trì công trình. Đồng thời, theo quy định về bảo vệ an toàn đường dây điện tại Luật Điện lực số 28/2004/QH11 và Nghị định số 14/2014/NĐ-CP nêu trên, khi lắp công trình điện lực vào công trình cầu, các hoạt động khai thác, bảo trì công trình cầu sẽ vi phạm hành vi bị cấm về bảo vệ hành lang lưới điện và vi phạm về khoảng cách an toàn phóng điện.
Bộ GTVT rất mong được sự phối hợp của các ngành và UBND các tỉnh, thành phố trong bước chuẩn bị đầu tư và xây dựng các công trình cầu để có giải pháp thiết kế và thi công các hạng mục công trình sử dụng chung ngay từ khi lập dự án đảm bảo an toàn công trình giao thông trong quá trình vận hành khai thác và bảo trì. Đối với nội dung lắp đặt công trình thiết yếu vào các công trình giao thông hiện hữu, các cơ quan cần phối hợp với nhau để xem xét việc lắp đặt đảm bảo đúng quy định và không ảnh hưởng lẫn nhau trong quá trình vận hành khai thác, đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Trên đây là trả lời của Bộ GTVT đối với kiến nghị của cử tri TP. Cần Thơ, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ để trả lời cử tri và mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của cử tri đối với ngành Giao thông vận tải.