Trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Quảng Bình liên quan đến quy định về quản lý và bảo vệ KCHT giao thông đường bộ

Thứ năm, 07/01/2021 14:49
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Bộ GTVT vừa có Công văn 48/BGTVT-KCHT ngày 05/01/2021 gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình để trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Quảng Bình gửi tới Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Theo đó, Bộ GTVT nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Bình do Văn phòng Chính phủ chuyển đến theo Công văn số 9525/VPCP-QHĐP ngày 13/11/2020, nội dung kiến nghị như sau: 
“Cử tri phản ánh, hiện nay dọc hai bên tuyến Quốc lộ 1A từ Bắc đến Nam và nhiều đoạn quốc lộ, tỉnh lộ khác, tình trạng các cơ sở sản xuất, kinh doanh bia mộ; kinh doanh các nguyên liệu phế thải, như sắt vụn, giấy vụn, đồng nát v.v… bày hàng ra ngay phía mặt đường để quảng cáo và bán hàng trông rất phản cảm; tạo hình ảnh không đẹp trong mắt du khách, nhất là du khách nước ngoài khi đến thăm quan, du lịch tại các địa phương. Cử tri cho rằng, đây cũng là những phương thức làm ăn, sản xuất kinh doanh chính đáng, hợp pháp; tuy vậy, để tạo hình ảnh và để lại dấu ấn tốt đẹp về một đất nước đang trên đà phát triển giàu mạnh, văn minh, nhất là lấy du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn, cử tri đề nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và chính quyền các các cấp có biện pháp yêu cầu, bắt buộc các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng trên phải có quy hoạch gian hàng hợp lý, tạo không gian phía trước sạch đẹp để không gây phản cảm cho người qua đường, đặc biệt là du khách”

Về nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ Giao thông vận tải xin trả lời như sau: Quy định của pháp luật đối với các hành vi bị nghiêm cấm tại Luật Giao thông đường bộ quy định được quy định cụ thể,  Khoản 2 Điều 8: Đào, khoan, xẻ đường trái phép; đặt, để chướng ngại vật trái phép trên đường; đạt, rải vật nhọn, đổ chất gây trơn trên đường; để trái phép vật liệu, phế thải, thải rác ra đường; mở đường, đấu nối trái phép vào đường chính; lấn chiếm hoặc sử dụng trái phép đất của đường bộ, hành lang an toàn đường bộ; tự ý tháo mở nắp cống; tháo dỡ, di chuyển trái phép hoặc làm sai lệch công trình đường bộ; Khoản 3 Điều 8: Sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép;  Khoản 2 Điều 35: Họp chợ, mua, bán hàng hóa trên đường bộ. 

Mặc dù, đã có các quy định các hành vi bị cấm nêu trên, nhưng tình trạng “Các cơ sở sản xuất, kinh doanh bia mộ; kinh doanh các nguyên liệu phế thải, như sắt vụn, giấy vụn, đồng nát v.v… bày hàng ra ngay phía mặt đường để quảng cáo và bán hàng trông rất phản cảm; tạo hình ảnh không đẹp trong mắt du khách, nhất là du khách nước ngoài khi đến thăm quan, du lịch tại các địa phương” như cử tri phản ánh nói riêng và vi phạm lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn đường bộ nói chung diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông, mỹ quan đường phố không chỉ riêng tỉnh Quảng Bình mà còn xuất hiện ở hầu hết các địa phương trên cả nước với các nguyên nhân chủ yếu sau: 

Cùng với phát triển kinh tế của địa phương, tình trạng đô thị hóa dọc các tuyến đường bộ, đặc biệt là Quốc lộ 1 phát triển rất nhanh, hình thành các khu công nghiệp, khu dân cư, khu thương mại, các doanh nghiệp, … bám mặt đường làm lợi thế thương mại đã dẫn đến các vi phạm hành lang an toàn đường bộ. 

Ý thức chấp hành pháp luật của người dân thấp, mặc dầu Nhà nước đã có quy định nghiêm cấm xây dựng nhà cửa, lều quán, công trình tạm thời hay vĩnh cửu trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ đã công bố và cắm mốc nhưng vẫn cố tình vi phạm. 

Một số nơi, chính quyền địa phương còn buông lỏng công tác quản lý, cấp phép xây dựng nhà ở, khu tái định cư, nhà hàng, dịch vụ kinh doanh ... nhưng chưa xây dựng đường gom, các điểm đấu nối theo quy định; cấp sổ đỏ trong đất hành lang an toàn đường bộ không theo quy hoạch (thậm chí sát mép đường) dẫn đến việc xây dựng và đấu nối tùy tiện.

Chính quyền địa phương (Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã) chưa quan tâm đến việc xử lý, cưỡng chế vi phạm, tái vi phạm theo quy định của pháp luật (ảnh hưởng đến nguồn thu thuế; quan hệ, thân quen dẫn đến cả nể theo phong tục, tập quán người Việt Nam) dẫn đến việc ngăn chặn, xử lý vi phạm của cơ quan quản lý đường bộ gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp. 

Do đó, việc giải quyết kiến nghị của cử tri “Để tạo hình ảnh và để lại dấu ấn tốt đẹp về một đất nước đang trên đà phát triển giàu mạnh, văn minh, nhất là lấy du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn, đề nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và chính quyền các các cấp có biện pháp yêu cầu, bắt buộc các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng trên phải có quy hoạch gian hàng hợp lý, tạo không gian phía trước sạch đẹp để không gây phản cảm cho người qua đường, đặc biệt là du khách” đòi hỏi sự vào cuộc của các ngành, các cấp, đặc biệt là chính quyền địa phương. 

Với chức năng quản lý nhà nước về giao thông vận tải, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23/9/2015 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-GP ngày 24 /02/ 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. 

Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng đã ban hành Thông tư số 39/2011/TT-BCA quy định về trách nhiệm của lực lượng công an các cấp trong công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Thông tư quy định về công tác tuần tra, kiểm tra bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (Thông tư số 47/2012/TT-BGTVT, số 04/2019/TT-BGTVT). Tại các tuyến quốc lộ, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo các cơ quan quản lý đường bộ trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, thông báo tình trạng vi phạm hành lang an toàn đường bộ cho chính quyền địa phương để xử lý, cưỡng chế, góp phần đảm bảo an toàn giao thông, mỹ quan hai bên đường. 

Ngày 01/7/2020, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có Văn bản số 4451/TCĐBVN-QLBTĐB yêu cầu các cơ quan quản lý đường bộ xây dựng kế hoạch và triển khai kế hoạch lập lại trật tự quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên các tuyến quốc lộ. Trên cơ sở đó, các Cục Quản lý đường bộ, các Sở Giao thông vận tải đã tổ chức ra quân xử lý vi phạm hành lang an toàn đường bộ, giải tỏa lòng lề đường và vỉa hè trên các tuyến quốc lộ đạt được kết quả cụ thể, hàng nghìn biển quảng cáo trái phép bị dỡ bỏ, hàng trăm điểm san lấp, đấu nối bị xử lý. Đây chỉ là kết quả ban đầu, việc xử lý các hành vi vi phạm hành lang an toàn đường bộ, lấn chiếm lòng đường, hè phố sẽ tiếp tục được triển khai cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp nhằm từng bước xóa bỏ những hình ảnh gây mất mỹ quan đô thị, tạo không gian xanh, sạch đẹp phục vụ cho đời sống của người dân và khách du lịch. 

Trên đây là trả lời của Bộ Giao thông vận tải đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Bình, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình để trả lời cử tri./.
 

kieuanh

Nguồn: Bộ GTVT

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)