Trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Bạc Liêu về đầu tư phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh

Thứ tư, 27/01/2021 14:58
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 26/1/2021, Bộ GTVT đã có Văn bản số 768/BGTVT-KHĐT gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu để trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới sau Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Cụ thể, Bộ GTVT nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bạc Liêu do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 427/BDN ngày 18/12/2020, nội dung kiến nghị như sau: 

Nhà nước nên sớm đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là giao thông đường bộ để ứng phó với biến đổi khí hậu; vì hiện nay triều cường dâng cao gây ngập một số tuyến giao thông huyết mạch của vùng cũng như một số tuyến liên tỉnh, liên huyện, liên xã gây khó khăn trong việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân và doanh nghiệp.

Đề nghị Nhà nước sớm quan tâm đầu tư tuyến đường Phước Long đến Ba Đình (là tuyến đường 979, Chính phủ đã đồng ý) đề nghị tuyến đường này kéo dài đến chợ Ba Đình và bắc cầu Ba Đình kết nối với Kiên Giang, kết nối với đường Xuyên Á tạo hệ thống giao thông liên hoàn kết nối các vùng để thúc đẩy phát triển kinh tế vùng nhiều tiềm năng này.

Đề nghị sớm quy hoạch vùng, tiểu vùng để chống biến đổi khí hậu. Hiện nay, tuyến QL1 đi qua thị xã Giá Rai bị ngập thường xuyên gây cản trở giao thông và làm hư hỏng cơ sở hạ tầng trên tuyến đường này.

Đề nghị đầu tư nối dài đường tránh Hộ Phòng đến cầu Sư Son vì hiện nay khu vực nhà thờ Tắc Sậy liên tục bị kẹt xe kéo dài.

Đề nghị đầu tư tuyến đường tránh thị xã Giá Rai bắt đầu từ giáp ranh huyện Hòa Bình đến cầu Sư Son, vì hiện nay có 22 nhà máy chế biến thủy sản nằm trên QL1 (đóng góp 80% xuất khẩu của tỉnh), hiện nay giao thông quá tải, lưu lượng xe qua lại, công nhân rất đông gây kẹt xe cục bộ mỗi giờ tan ca.

Ảnh minh họa 

Trước tiên, Bộ GTVT trân trọng cảm ơn cử tri và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu đã quan tâm, góp ý về việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông vận tải vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhằm giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người dân. Về nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ GTVT xin trả lời như sau: 

Về kiến nghị đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long: 

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ, nhiều công trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng của vùng đồng bằng sông Cửu Long đã hoàn thành, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần củng cố an ninh - quốc phòng của khu vực. Tuy nhiên, do xuất phát điểm về kết cấu hạ tầng giao thông của vùng thấp, địa hình chia cắt bởi nhiều sông ngòi, địa chất phức tạp, triều cường ngày càng tăng cao nên trong điều kiện nguồn lực quốc gia còn nhiều khó khăn, kết cấu hạ tầng giao thông của vùng vẫn còn hạn chế, một số tuyến đường thường xuyên bị ngập úng do triều cường ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng đồng bằng sông Cửu Long. 

Để từng bước phát triển kết cấu hạ tầng giao thông một cách đồng bộ giúp đồng bằng sông Cửu Long phát triển một cách bền vững, sớm trở thành trung tâm kinh tế, văn hoá phát triển của cả nước, Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan thuộc Bộ rà soát, đánh giá để xây dựng các Quy hoạch ngành quốc gia lĩnh vực giao thông vận tải giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong đó có lồng ghép các yêu cầu để thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Đồng thời, Bộ GTVT sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ ngành và địa phương trong vùng nghiên cứu, đề xuất Chính phủ, Quốc hội ưu tiên nguồn lực để đầu tư các công trình giao thông trọng điểm của vùng, kết nối đồng bộ giao thông liên vùng. Đối với các tuyến đường tỉnh, đường huyện thuộc trách nhiệm quản lý của địa phương, đề nghị các địa phương xây dựng quy hoạch tỉnh/thành phố phù hợp và thống nhất với các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, ưu tiên nguồn lực đầu tư để kết nối đồng bộ với hệ thống giao thông do Trung ương đầu tư, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần củng cố an ninh - quốc phòng của khu vực, đảm bảo tính bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 29/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay Bộ GTVT đang xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long, Bộ GTVT đã triển khai công tác chuẩn bị đầu tư mới 39 dự án đối với 04 lĩnh vực (đường bộ, hàng hải, đường thủy nội địa và hàng không) với tổng mức đầu tư khoảng 118.209 tỷ đồng, nhu cầu vốn giai đoạn 2021-2025 là 98.764 tỷ đồng. Sau khi được Quốc hội, Chính phủ giao tổng nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Bộ GTVT sẽ phối hợp với các bộ ngành và địa phương rà soát thứ tự ưu tiên, sắp xếp, lựa chọn các dự án quan trọng, cấp bách để đầu tư trong giai đoạn này cho phù hợp với nguồn lực, trình Chính phủ, Quốc hội chấp thuận làm cơ sở triển khai thực hiện. 

Về đề nghị đầu tư tuyến đường hước Long đến Ba Đình: 

Bộ GTVT ủng hộ chủ trương xây dựng tuyến đường Phước Long đến Ba Đình để từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bạc Liêu. Tuy nhiên, đây là các công trình của địa phương, do UBND tỉnh Bạc Liêu quản lý đầu tư và xây dựng, đề nghị UBND tỉnh Bạc Liêu sắp xếp thứ tự ưu tiên, chủ động cân đối từ nguồn ngân sách của tỉnh, trường hợp khó khăn, đề nghị UBND tỉnh Bạc Liêu báo cáo Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ vốn trực tiếp cho Tỉnh để triển khai thực hiện. 

Về đề nghị sớm quy hoạch vùng, tiểu vùng để chống biến đổi khí hậu: 

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn thiện quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của Luật Quy hoạch, trong đó một trong những mục tiêu của quy hoạch là xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng một cách đồng bộ, hiện đại theo hướng chủ động, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo tính bền vững. Đề nghị UBND tỉnh Bạc Liêu phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình hoàn chỉnh quy hoạch nêu trên. 

Đối với việc xử lý chống ngập QL1 qua địa phận tỉnh Bạc Liêu: 

Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND tỉnh Bạc Liêu chủ trì triển khai công trình kè chống ngập dọc tuyến Quốc lộ 1A qua địa bàn tỉnh Bạc Liêu (Văn bản số 8146/VPCP-NN ngày 11/9/2019 của Văn phòng Chính phủ), đồng thời Bộ GTVT cũng đang triển khai lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn qua địa phận tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau trong đó cũng sẽ nghiên cứu cải tạo, nâng cấp nền mặt đường để khắc phục tình trạng ngập úng trên tuyến. 

Về đề nghị đầu tư nối dài đường tránh Hộ hòng đến cầu Sư Son và đầu tư tuyến đường tránh thị xã Giá Rai:

Hiện nay, Bộ GTVT đã giao Ban QLDA 7 nghiên cứu lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn qua địa phận tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau với chiều dài khoảng 63km, tổng mức đầu tư khoảng 4.360 tỷ đồng và đã dự kiến đưa dự án vào danh mục trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 (Văn bản số 8562/BGTVT-KHĐT ngày 28/8/2020). Sau khi được Quốc hội, Chính phủ giao tổng nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Bộ GTVT sẽ phối hợp với các bộ ngành và địa phương rà soát thứ tự ưu tiên, sắp xếp, lựa chọn các dự án quan trọng, cấp bách để đầu tư trong giai đoạn này cho phù hợp với nguồn lực, trình Chính phủ, Quốc hội chấp thuận làm cơ sở triển khai thực hiện. Trong quá trình triển khai dự án, Bộ GTVT giao Ban QLDA 7 phối hợp với UBND tỉnh Bạc Liêu nghiên cứu đối với kiến nghị của cử tri về việc nối dài đường tránh Hộ hòng đến cầu Sư Son và đầu tư tuyến đường tránh thị xã Giá ai để đáp ứng nhu cầu vận tải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bạc Liêu nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. 

Trên đây là trả lời của Bộ GTVT đối với vấn đề được cử tri quan tâm kiến nghị. Bộ GTVT trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu để trả lời cử tri và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của cử tri đối với ngành GTVT.
 

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)