Trả lời kiến nghị của Đại biểu Quốc hội về tiến độ Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông

Thứ sáu, 12/11/2021 10:56
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Bộ GTVT vừa có Công văn số 11955/BGTVT-QLXD2 và Công văn số 11956/BGTVT-QLXD2 trả lời kiến nghị của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy và Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau về tiến độ Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và biện pháp xử lý sai phạm liên quan đến dự án.

Theo đó, Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông được sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Trung Quốc. Ngày 15/10/2008 Bộ GTVT đã phê duyệt Dự án tại Quyết định số 3136/QĐ-BGTVT. Dự án được thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC và được khởi công tháng 10/2011 nhưng do công tác GPMB kéo dài đến tháng 5/2014 mới cơ bản hoàn thành (tháng 8/2015 mới bàn giao toàn bộ mặt bằng ga Cát Linh), nên tiến độ Dự án đã bị chậm so với kế hoạch.

Trên cơ sở Văn bản số 1232/TTg-KTN ngày 18/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cơ chế đặc thù cho Dự án, Ban QLDA đường sắt và Tổng thầu đã ký điều chỉnh giá trị trọn gói của hợp đồng EPC và đến cuối tháng 12/2020, Tổng thầu đã hoàn thành vận hành thử toàn hệ thống. Dự án đã hoàn thành và nghiệm thu đảm bảo đúng quy mô, công năng thiết kế và đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vận hành theo quy định của Dự án, đủ điều kiện đưa vào vận hành khai thác.

Ngày 29/10/2021, Hội đồng Kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng (gọi tắt là Hội đồng KTNN) đã tổ chức họp, xem xét, đánh giá, kiểm tra công tác nghiệm thu của Chủ đầu tư và chấp thuận kết quả nghiệm thu tại Văn bản số 107/TB-HĐKTNN ngày 05/11/2021. 

Quá trình thực hiện Dự án chậm do một số nguyên nhân chính như sau:

Về nguyên nhân chủ quan do: Do đây là Dự án đường sắt đô thị có quy mô lớn, tính chất kỹ thuật phức tạp, lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam, Tư vấn thiết kế phía Việt Nam còn thiếu kinh nghiệm dẫn đến thiết kế cơ sở ban đầu chưa lường hết được quy mô, tính chất, công năng, nên phải điều chỉnh tại bước thiết kế kỹ thuật; Chờ Nhà tài trợ phê duyệt hợp đồng, cấp hiệu lực cho Hiệp định vay vốn bổ sung kéo dài; Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc (Tổng thầu EPC) chưa thực hiện theo đúng cam kết về tiến độ; Cách thức quản lý, triển khai thực hiện Dự án ở Việt Nam và Trung Quốc có sự khác biệt, đặc biệt là cách thức lập Hồ sơ thiết kế, dự toán Hồ sơ nghiệm thu thanh toán dẫn đến công tác quản lý điều hành của Chủ đầu tư còn lúng túng và bất cập; Công tác giải ngân của Hiệp định vay bổ sung gặp nhiều vướng mắc, kéo dài (ký từ 11/5/2017 nhưng đến 25/4/2018 mới đủ điều kiện cho lần giải ngân đầu tiên cho Dự án).

Về nguyên nhân khách quan do: Công tác GPMB tại trung tâm thành phố Hà Nội chậm và phức tạp; Yếu tố khác biệt về quy định giữa hai nước về các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình, quy phạm trong bước thiết kế, thi công và dự toán gây khó khăn trong công tác điều hành, tổ chức thực hiện; Hệ thống quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam về thực hiện hợp EPC chưa đầy đủ, đồng bộ, đặc biệt là quy định về tính trọn gói giữa các yếu tố kỹ thuật, tài chính, thủ tục, thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh Dự án; Lạm phát giai đoạn thực hiện năm 2008 và giai đoạn 2010-2011 cao làm ảnh hưởng lớn đến giá nhân công, vật tư, vật liệu xây dựng; Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19 nên các nhân sự nước ngoài không thể sang Việt Nam hoàn thiện (kéo dài từ đầu năm 2020 đến tháng 3/2021).

Hiện nay trên địa bàn Hà Nội đang triển khai thi công 02 dự án (Đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội); Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai thi công 02 Dự án (Đường sắt đô thị đoạn Bến Thành - Suối Tiên; Đường sắt đô thị Bến Thành - Tham Lương); còn lại một số dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Thực tế các dự án đường sắt đô thị đang triển khai ở Việt Nam đều sử dụng vốn vay của các nhà tài trợ nước ngoài (Trung Quốc, Nhật, Pháp, Đức,….), nên quá trình thực hiện đầu tư dự án phụ thuộc vào công nghệ xây dựng của các nước cho vay vốn.

Ngoài ra mỗi dự án được đầu tư đều có những điểm khác biệt về tiêu chuẩn kỹ thuật, quy mô xây dựng, khối lượng công trình, công nghệ thi công, vị trí xây dựng tại các khu vực có điều kiện tự nhiên khác nhau, chi phí giải phóng mặt bằng cũng khác nhau, do đó hiện tại không có tiêu chí tổng hợp để so sánh mức độ cao thấp về suất đầu tư của dự án này với các dự án khác. Cụ thể:

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông: Xây dựng 13,05km đường sắt trên cao, 12 nhà ga, 01 khu depot, mua 13 đoàn tàu. Tổng mức đầu tư điều chỉnh là 18.001 tỷ VNĐ (≈ 864,04 triệu USD).

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Nhổn - Ga Hà Nội: Xây dựng 12,5Km (4Km hầm và 8.5Km đường sắt trên cao); 8 nhà ga trên cao và 04 ga ngầm; 01 khu Depot, mua 10 Đoàn tàu. Tổng mức đầu tư điều chỉnh là 32.910 tỷ VNĐ (≈ 1.430 triệu USD).

Dự án đường sắt đô thị số 1 TPHCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên: Xây dựng 19,7Km (2,6Km hầm và 17,1Km đường sắt trên cao); 11 nhà ga trên cao và 03 ga ngầm; 01 khu Depot, mua sắm 17 đoàn tàu. Tổng mức đầu tư điều chỉnh là 43.757 tỷ VNĐ (≈ 1.902 triệu USD).

Dự án đường sắt đô thị số 2 TPHCM, tuyến Bến Thành - Tham Lương: Xây dựng 11,042Km (9,091 Km hầm và 1,951 Km đường sắt trên cao); 01 nhà ga trên cao và 09 ga ngầm; 01 khu Depot; mua sắm 10 đoàn tàu. Tổng mức đầu tư điều chỉnh là 47.890 tỷ VNĐ (≈ 2.093 triệu USD).

Bộ GTVT đã phối hợp với UBND thành phố Hà Nội ký Biên bản bàn giao đưa Dự án vào vận hành khai thác thương mại ngày 06/11/2021.

Về biện pháp xử lý sai phạm liên quan đến Dự án: Tiếp thu ý kiến của Đại biểu, Bộ GTVT sẽ rà soát, phân tích, đánh giá về những tồn tại, hạn chế, sai phạm (nếu có) của các cơ quan, đơn vị liên quan để xử lý nghiêm theo các quy định của pháp luật.

Trên đây là trả lời của Bộ GTVT đối với chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội  và Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau.

Bộ GTVT trân trọng cảm ơn và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của Đại biểu đối với ngành Giao thông vận tải./.

kimcuc

Nguồn: Cổng TTĐT Bộ GTVT

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)