Bộ GTVT vừa có Công văn 13228/BGTVT-KCHT ngày 13/12/2021 gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà tĩnh trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Hà Tĩnh gửi tới Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Theo đó, Bộ Giao thông vận tải nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Hà Tĩnh do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 418/BDN ngày 02/11/2021, nội dung kiến nghị như sau:
“Đề nghị ban hành hướng dẫn chi tiết, chỉnh sửa, bổ sung đối với Nghị định số 159/2018/NĐ-CP ngày 28/11/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa (ĐTNĐ), cụ thể:
+ Hướng dẫn chi tiết về một số nội dung tại Điều 29, Điều 35 cụ thể như: Loại hợp đồng; cơ sở pháp lý để xác định giá trị sản phẩm thu hồi và phương án thanh toán phần chênh lệch giữa kinh phí nạo vét và giá trị sản phẩm thu hồi; cơ sở xác định các chi phí như thuế, phí, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản liên quan đến dự án,…
+ Sửa đổi, chỉnh sửa Điều 28, quy định cơ quan tổ chức lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án xã hội hóa nạo vét vùng nước đường thủy nội địa từ Sở Giao thông vận tải (là cơ quan quản lý nhà nước) sang các ban quản lý dự án có đủ năng lực, kinh nghiệm như Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý các cảng cá tỉnh,…
+ Có hướng dẫn, cách xử lý đối với trường hợp cơ quan chủ trì lập báo cáo nghiên cứu khả thi đã sử dụng nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác để lập dự án, nhưng khi thực hiện đấu thầu thì không lựa chọn được nhà đầu tư.”
Trước tiên, Bộ Giao thông vận tải trân trọng cảm ơn cử tri và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh đã quan tâm, góp ý đối với công tác quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh nhằm giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người dân.
Đối với nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ Giao thông vận tải xin trả lời như sau:
Về “Loại hợp đồng”: Khoản 1, Điều 29 Nghị định số 159/2018/NĐ-CP quy định về nội dung Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án nạo vét vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa kết hợp thu hồi sản phẩm, trong đó có yêu cầu nội dung xác định loại hợp đồng dự án trong Báo cáo nghiên cứu khả thi đối với cả 2 loại dự án.
Đối với dự án nạo vét vùng nước cảng biển kết hợp thu hồi sản phẩm: “Loại hợp đồng dự án” là loại “Hợp đồng dự án xã hội hóa nạo vét vùng nước cảng biển”.
Đối với dự án nạo vét vùng nước đường thủy nội địa kết hợp thu hồi sản phẩm: “Loại hợp đồng dự án” là loại “Hợp đồng dự án xã hội hóa nạo vét vùng nước đường thủy nội địa”.
Về cơ sở pháp lý để xác định giá trị sản phẩm thu hồi và phương án thanh toán phần chênh lệch giữa kinh phí nạo vét và giá trị sản phẩm thu hồi, dối với dự án xã hội hóa nạo vét vùng nước cảng biển cơ sở pháp lý để xác định giá trị sản phẩm thu hồi và phương án thanh toán phần chênh lệch giữa kinh phí nạo vét và giá trị sản phẩm thu hồi đối với dự án nạo vét, duy tu (bảo trì) luồng hàng hải kết hợp thu hồi sản phẩm được xác định theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 43/2018/NĐ-CP.
Đối với dự án xã hội hóa nạo vét vùng nước đường thủy nội địa kết hợp thu hồi sản phẩm, cơ sở pháp lý để xác định giá trị sản phẩm thu hồi và phương án thanh toán phần chênh lệch giữa kinh phí nạo vét và giá trị sản phẩm thu hồi đối với dự án nạo vét, duy tu (bảo trì) luồng đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm được xác định theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 45/2018/NĐ-CP.
Về cơ sở xác định các chi phí như thuế, phí, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản liên quan đến dự án, thực hiện theo các quy định hiện hành của pháp luật về thuế, phí, lệ phí, pháp luật về khoáng sản.
Nội dung về sửa đổi, chỉnh sửa Điều 28 Nghị định số 159/2018/NĐ-CP, quy định cơ quan tổ chức lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án xã hội hóa nạo vét vùng nước đường thủy nội địa từ Sở Giao thông vận tải (là cơ quan quản lý nhà nước) sang các ban quản lý dự án có đủ năng lực, kinh nghiệm như Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý các cảng cá tỉnh, do đây là các dự án liên quan đến kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa nên Sở Giao thông vận tải các địa phương tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án xã hội hóa nạo vét vùng nước đường thủy nội địa quốc gia, nạo vét vùng nước đường thủy nội địa địa phương là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các Sở Giao thông vận tải.
Đối với hướng dẫn, cách xử lý đối với trường hợp cơ quan chủ trì lập báo cáo nghiên cứu khả thi đã sử dụng nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác để lập dự án, nhưng khi thực hiện đấu thầu thì không lựa chọn được nhà đầu tư, theo quy định tại khoản 3 Điều 33 Nghị định số 159/2018/NĐ-CP, trường hợp không lựa chọn được nhà đầu tư để thực hiện dự án, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo thẩm quyền căn cứ mức độ cần thiết của dự án để bố trí ngân sách nhà nước thực hiện.
Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đã giao Cục Hàng hải Việt Nam chủ trì, phối hợp với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức rà soát các quy định tại Nghị định số 159/2018/NĐ-CP ngày 28/11/2018 để kiến nghị những nội dung cần sửa đổi, bổ sung và báo cáo Bộ Giao thông vận tải trong Quý I/2022 để kiến nghị, đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 159/2018/NĐ-CP ngày 28/11/2018 để giải quyết khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện cũng như nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong công tác nạo vét vùng nước cảng biển, đường thủy nội địa trong thời gian tới.
Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục xem xét, nghiên cứu các ý kiến của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh nêu trên trong quá trình sửa đổi, bổ sung Nghị định số 159/2018/NĐ-CP.
Trên đây là trả lời của Bộ Giao thông vận tải đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Hà Tĩnh, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh để trả lời cử tri và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của cử tri đối với ngành Giao thông vận tải.