Bộ Giao thông vận tải nhận được kiến nghị của cử tri thành phố Cần Thơ gửi tới sau Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV do Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến tại văn bản số 19/BND ngày 10/01/2022.
Nội dung kiến nghị như sau: “Kiến nghị quan tâm đầu tư quy hoạch hệ thống giao thông đường thủy nội vùng đồng bằng sông Cửu Long để phát huy lợi thế về vận tải giao thông đường thủy; sớm quy hoạch đầu tư xây dựng tuyến đường sắt từ Thành phố Hồ Chí Minh đến tỉnh Cà Mau để phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa, hành khách giữa các địa phương trong khu vực được thuận lợi, giúp tiết kiệm chi phí vận chuyển so với đường bộ và đường thủy như hiện nay”.
Trước tiên, Bộ GTVT trân trọng cảm ơn cử tri và Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ đã quan tâm, góp ý nhằm giúp công tác quản lý của Bộ GTVT ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người dân. Về nội dung kiến nghị nêu trên, Bộ GTVT xin được trả lời như sau:
1. Về quy hoạch, đầu tư các dự án đường thủy nội địa tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)
- Về quy hoạch: Bộ GTVT đã tổ chức lập Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Quá trình tổ chức lập quy hoạch, Bộ GTVT đã tổng hợp ý kiến của các tỉnh/thành phố khu vực ĐBSCL để hoàn chỉnh nội dung quy hoạch, tiếp tục phát huy vai trò quan trọng của vận tải đường thủy nội địa trong việc vận tải hàng hóa nội địa cự ly trung bình, khối lượng lớn, nâng cao hiệu quả kết nối đến các cảng biển, tăng thị phần vận tải ĐTNĐ, đảm bảo tính khả thi về nguồn lực thực hiện quy hoạch. Ngoài ra, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục ĐTNĐ Việt Nam chủ trì phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng Kế hoạch, chính sách, giải pháp, nguồn lực để nâng cấp, cải tạo hệ thống đường thủy nội địa phù hợp với khu vực đồng bằng sông Cửu Long, để Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt, làm cơ sở thực hiện.
- Về đầu tư: Thời gian qua, mặc dù được phân bổ nguồn vốn đầu tư công rất hạn hẹp nhưng Bộ GTVT đã bố trí nguồn vốn để đầu tư và hoàn thành một số dự án ĐTNĐ quan trọng như: Nâng cấp hai tuyến đường thủy phía Nam, Phát triển CSHT giao thông ĐBSCL (dự án WB5), Nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo - Giai đoạn 1. Sau khi hoàn thành đầu tư, khu vực ĐBSCL có khoảng trên 1.000 km đường thủy chính nâng cấp đạt cấp II - III theo quy hoạch được đưa vào khai thác đã phát huy hiệu quả trong việc nâng cao năng lực vận tải, góp phần giảm tải cho hệ thống đường bộ. Đồng thời, bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 để tập trung triển khai các dự án ưu tiên đầu tư vùng ĐBSCL như: Dự án Nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến ĐTNĐ quốc gia - Giai đoạn 1 (khu vực phía Nam); Dự án Phát triển các hành lang vận tải thủy và logistics khu vực phía Nam.
Sau khi đưa các dự án nêu trên vào khai thác sẽ phát huy hơn nữa thế mạnh vận tải đường thủy nội địa của Vùng, nâng cao thị phần vận tải hàng hóa và năng lực vận tải thủy; tăng cường khả năng kết nối nội vùng, giữa khu vực ĐBSCL đến khu bến cảng Cái Mép - Thị Vải và các bến cảng khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, góp phần giảm chi phí vận tải, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng và liên vùng.
Đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ có ý kiến để UBND thành phố Cần Thơ triển khai xây dựng quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa địa phương trong quy hoạch tỉnh, trong đó lưu ý quy hoạch luồng, bến thủy nội địa đồng bộ với tuyến đường thủy nội địa quốc gia, phục vụ gom, rút hàng cho cảng biển, phát huy lợi thế vận tải thủy nội địa.
2. Về quy hoạch, đầu tư tuyến đường sắt từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Cà Mau
- Về quy hoạch: quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường sắt thời kỳ trước có định hướng phát triển tuyến đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ và kéo dài đến Cà Mau. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu lập Quy hoạch mạng lưới đường sắt cho thấy, trong giai đoạn 2021-2030 cần thiết phải đầu tư tuyến đường sắt từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Cần Thơ. Trước mắt chưa đầu tư xây dựng tuyến từ Cần Thơ đến Cà Mau do không phát huy được hiệu quả đầu tư và khả năng cạnh tranh so với đường bộ và đường thủy nội địa, vận tải ven bờ.
- Về đầu tư: do tính đặc thù, việc đầu tư các tuyến đường sắt đòi hỏi nguồn lực lớn, yếu tố kỹ thuật phức tạp đòi hỏi thời gian chuẩn bị dài, Bộ GTVT đang tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư tuyến đường sắt từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Cần Thơ với quy mô là Dự án quan trọng quốc gia làm cơ sở trình Quốc hội huy động nguồn lực đầu tư, dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2026-2030.
Tiếp thu kiến nghị của cử tri, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức rà soát cập nhật Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời gian tới. Trong đó, sẽ có đánh giá, phân tích, dự báo sâu hơn về tính khả thi và hiệu quả trong việc đầu tư tuyến đường sắt từ Cần Thơ đến Cà Mau giai đoạn sau năm 2030.
Trên đây là trả lời của Bộ Giao thông vận tải đối với kiến nghị của cử tri thành phố Cần Thơ gửi đến sau Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ để trả lời cử tri và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của cử tri đối với ngành giao thông vận tải.