Bộ GTVT vừa có Công văn gửi các cơ quan, đơn vị về việc trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.
Theo đó, Bộ Giao thông vận tải nhận được Phiếu chất vấn số 33/PCVK3-GS ngày 09 tháng 6 năm 2022 của Đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội với nội dung sau:
“Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), an toàn giao thông đường bộ là vấn đề sức khỏe cộng đồng, có quy mô và rất quan trọng. Trong 05 tháng đầu năm 2022, theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, toàn quốc đã xảy ra hơn 4700 vụ tai nạn giao thông, làm chết hơn 2700 người, làm bị thương hơn 3000 người. Văn hóa ý thức tham gia giao thông của người dân, người điều khiển phương tiện còn hạn chế, được xác định là một trong những nguyên nhân chính của tình trạng trên.
Để giải quyết được vấn đề tai nạn giao thông, ngoài các giải pháp về cơ sở hạ tầng, giảm mật độ phương tiện giao thông cá nhân, nhất thiết chúng ta phải xây dựng văn hóa giao thông để hình thành thói quen giao thông văn minh. Vậy tôi xin hỏi Bộ trưởng, Bộ Giao thông vận tải đã có giải pháp tổng thể và phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để xây dựng văn hóa giao thông như thế nào?”
Trước tiên, Bộ Giao thông vận tải trân trọng cảm ơn Đại biểu và Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã quan tâm, góp ý nhằm giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và nhân dân.
Về ý kiến chất vấn nêu trên, Bộ Giao thông vận tải xin trả lời và cung cấp một số thông tin như sau:
Đúng như ý kiến của Đại biểu, trong những năm qua và 05 tháng đầu năm 2022 mặc dù tai nạn giao thông tiếp tục giảm, những vẫn còn diễn biến phức tạp; trong đó chỉ tính riêng 05 tháng đầu năm 2022 trên toàn quốc đã xảy ra 4.733 vụ tai nạn giao thông, làm chết 2.761 người, làm bị thương 3.078 người, đồng thời đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đường bộ nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về người và tài sản; một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là một bộ phận người dân, doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) khi tham gia giao thông.
Để tiếp tục phấn đấu mục tiêu hàng năm giảm tai nạn giao thông từ 5-10% ở cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương, xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng, hàng năm Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về bảo đảm TTATGT theo chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04 tháng 9 năm 2012 về tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông; đồng thời, Bộ Giao thông vận tải đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tham mưu xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2022 về tăng cường bảo đảm TTATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 – 2025 (Nghị quyết số 48/NQ-CP), trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2060/QĐ-TTg ngày 12 tháng 12 năm 2020 về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo đảm TTATGTđường bộ giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 (Quyết định số 2060/QĐ-TTg), trong đó:
Tại Nghị quyết số 48/NQ-CP, Chính phủ đã đề ra một trong những nhiệm vụ trọng tâm được thực hiện trong giai đoạn 2022 – 2025 là “Kiên trì xây dựng văn hoá giao thông an toàn đối với tổ chức, cá nhân xây dựng, thực thi pháp luật, cung ứng hạ tầng, phương tiện, dịch vụ vận tải và tham gia giao thông. Đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm TTATGT theo hướng lấy thay đổi hành vi làm tiêu chí đánh giá kết quả; đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội và hạ tầng số; vận động, hướng dẫn việc lồng ghép mục tiêu bảo đảm TTATGT vào chương trình, kế hoạch và hoạt động của cơ quan, đơn vị, nhà trường, doanh nghiệp”. Để cụ thể hóa các nhiệm vụ trên, trong Nghị quyết, Chính phủ đã giao Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giao thông vận tải…thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, như: thực hiện tuyên truyền, phổ biến các tiêu chí, hành vi văn hóa giao thông bằng các hình thức văn hóa truyền thống; tiếp tục hoàn thiện chương trình, tài liệu giảng dạy, đưa nội dung giáo dục pháp luật về bảo đảm TTATGT, kỹ năng tham gia giao thông an toàn, văn hóa giao thông vào trong chương trình chính khóa dưới hình thức tích hợp vào nội dung một số môn học và hoạt động giáo dục từ giáo dục mầm non đến giáo dục phổ thông...;
Tại Quyết định số 2060/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ cũng đặt mục tiêu đến năm 2045 “hình thành văn hóa giao thông an toàn và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông; đa số người dân trong đô thị hình thành thói quen tham gia giao thông bằng dịch vụ vận tải công cộng, đi bộ và đi xe đạp”; trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao các Bộ, ngành, địa phương thực hiện một số giải pháp, như: mở các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về an toàn giao thông và văn hóa giao thông, trong đó chú trọng tuyên truyền, phổ biến về kỹ năng phòng tránh tai nạn, kỹ năng điều khiển phương tiện tham gia giao thông an toàn; hoàn thiện và cụ thể hóa các tiêu chí, hành vi văn hóa giao thông bằng hình ảnh sinh động; đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến các tiêu chí, hành vi văn hóa giao thông. Tổ chức vận động xây dựng văn hóa giao thông trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc”.
Từ những chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho thấy quá trình xây dựng văn hóa giao thông văn minh, hiện đại, đòi hỏi cần nhiều thời gian với sự vào cuộc đồng bộ của các Bộ, ngành, địa phương. Trong thời gian qua, theo trách nhiệm được giao, Bộ Giao thông vận tải đã thực hiện một số nhiệm vụ, như: hàng năm xây dựng các Kế hoạch hành động Năm An toàn giao thông (kế hoạch số 896/KH-BGTVT ngày 24 tháng 01 năm 2022 với chủ đề “Xây dựng văn hóa giao thông an toàn gắn với kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” với tinh thần “Vì sức khỏe, sinh mạng của người tham gia giao thông”; kế hoạch số 724/KH-BGTVT ngày 26 tháng 01 năm 2021 với chủ đề “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông”,…), trong đó chỉ đạo các đơn vị tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về bảo đảm TTATGT theo từng thời kỳ; triển khai rà soát, xây dựng và hoàn thiện các quy định của pháp luật, như: trình Chính phủ ban hành Nghị định số 100/2019/NĐCP ngày 30 tháng 12 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, Nghị định số 123/2021/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2021 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải, giao thông đường bộ, đường sắt, hàng không dân dụng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tập trung vào các lĩnh vực, như: kinh doanh vận tải, kiểm soát tải trọng phương tiện…; đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về bảo đảm TTATGT, như: phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến về phổ biến kiến thức an toàn giao thông cho hơn 1000 cán bộ, công nhân viên của Tập đoàn; phối hợp với các báo, đài truyền hình, Đài Tiếng nói Việt Nam (kênh VOV giao thông) tuyên truyền, phổ biến các nội dung, quy định mới liên quan đến công tác bảo đảm TTATGT; phối hợp Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phát động Giải thưởng báo chí về an toàn giao thông năm 2022.
Trong thời gian tới, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và địa phương thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về bảo đảm TTATGT tại Nghị quyết số 48/NQ-CP, Quyết định số 2060/QĐ-TTg, hướng tới hoàn thành mục tiêu xây dựng văn hóa giao thông văn minh, hiện đại trong cộng đồng.
Trên đây là trả lời của Bộ Giao thông vận tải đối với các vấn đề được Đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà quan tâm chất vấn, Bộ Giao thông vận tải trân trọng gửi tới Đại biểu và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của Đại biểu đối với ngành Giao thông vận tải./.