Bộ GTVT nhận được kiến nghị của cử tri thành phố Đà Nẵng do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 1418/BDN ngày 07/11/2022.
Ảnh minh họa
Nội dung kiến nghị như sau: “Cử tri phản ánh, vấn đề quy hoạch xây dựng đường bộ ở Việt Nam còn nhiều bất cập, chắp vá, chất lượng đường sá không đảm bảo, nhiều khúc cua gấp bị che khuất tầm nhìn, dễ gây tai nạn. Đồng thời, các điểm giao cắt với đường sắt (nơi không có rào chắn) đường giao thông thường gồ gề, mấp mô (mục đích giảm tốc cho phương tiện giao thông khi lưu thông trên đoạn đường này), tuy nhiên đây lại là nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến những vụ tai nạn giao thông đáng tiếc, thương tâm. Cử tri kiến nghị, Bộ Giao thông vận tải cần nghiên cứu và có giải pháp cụ thể trong thời gian đến để đảm bảo an toàn giao thông.”
Trước tiên, Bộ GTVT trân trọng cảm ơn cử tri và Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng đã quan tâm, góp ý đối với công tác quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố Đà Nẵng nhằm giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ GTVT ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người dân. Về nội dung kiến nghị của cử tri, Bộ GTVT trả lời như sau:
Đối với đề nghị của cử tri liên quan đến nội dung quy hoạch đường bộ:
Thực hiện Luật Quy hoạch, Bộ GTVT đã triển khai đồng thời 05 quy hoạch ngành quốc gia lĩnh vực giao thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không); đây là điều kiện thuận lợi để hoàn thành ý tưởng quy hoạch một hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại bảo đảm kết nối hiệu quả giữa các phương thức vận tải nhằm tái cơ cấu thị phần vận tải, nâng cao chất lượng vận tải và giảm chi phí logistics, khắc phục những tồn tại, bất cập của các quy hoạch thực hiện trong thời gian trước đây. Đến nay, quy hoạch mạng lưới đường bộ và quy hoạch mạng lưới đường sắt đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Về vấn đề quy hoạch đường bộ ở Việt Nam còn nhiều bất cập, chắp vá như đề cập của cử tri: Bộ GTVT ghi nhận kiến nghị của cử tri, trong thời gian tới, khi tham gia góp ý các quy hoạch đô thị, quy hoạch tỉnh của các địa phương (trong đó có hợp phần về giao thông), Bộ GTVT sẽ có ý kiến gửi các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện hồ sơ quy hoạch.
Đối với đề nghị của cử tri liên quan đến yếu tố hình học tuyến đường và công tác an toàn giao thông đường bộ:
Về yếu tố hình học trên hệ thống đường bộ: Hiện nay do nhiều nguyên nhân (địa hình khống chế, nguồn vốn hạn hẹp, ...) còn tồn tại các vị trí đường cong bán kính nhỏ, khúc cua gấp, khuất tầm nhìn, đặc biệt tại một số khu vực miền núi, đường đèo dốc. Trong quá trình khai thác, đơn vị quản lý đường bộ đã thường xuyên tăng cường công tác bảo dưỡng thường xuyên, phát quang tầm nhìn, bố trí đầy đủ hệ thống an toàn giao thông (biển cảnh báo, biển hạn chế tốc độ, gờ giảm tốc, tiêu dẫn hướng, gương cầu lồi, ...). Mặt khác, Bộ GTVT và các cơ quan có thẩm quyền của địa phương đã ưu tiên bố trí nguồn vốn, chỉ đạo đơn vị quản lý đường bộ kịp thời có biện pháp xử lý các vị trí điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông để giảm thiểu tai nạn giao thông, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Về yếu tố hình học các đoạn tuyến quốc lộ qua thành phố Đà Nẵng: Hiện chỉ có một số vị trí đường cong bán kính nhỏ, có tầm nhìn hạn chế trên đường qua đèo Hải Vân và QL.4G. Các vị trí này đã được cơ quan quản lý đường bộ bổ sung các biện pháp cảnh báo như: gương cầu lồi, biển cảnh báo, dẫn hướng, gờ giảm tốc, ... để tuyến quốc lộ được khai thác an toàn, thông suốt. Tiếp thu ý kiến của cử tri, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo Cục ĐBVN và đơn vị quản lý đường bộ tiếp tục theo dõi, tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến.
Về các vị trí quốc lộ giao cắt với đường sắt qua thành phố Đà Nẵng: Hiện tại có 03 vị trí quốc lộ giao cắt với đường sắt (Km916+250, Km927+400/QL.1 và Km18+522/QL.14B), theo báo cáo của Cục ĐBVN, tại các vị trí giao cắt này mặt đường đang được khai thác êm thuận.
Về việc thiết kế, sử dụng gờ giảm tốc, gồ giảm tốc trên đường bộ khu vực giao cắt giữa đường bộ và đường sắt: Bộ GTVT đã ban hành quyết định về việc Hướng dẫn tạm thời xây dựng gờ giảm tốc, gồ giảm tốc tại các vị trí đường bộ giao cắt cùng mức với đường sắt; đồng thời, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục ĐBVN công bố Tiêu chuẩn cơ sở TCCS 34:2020 “Gờ giảm tốc, gồ giảm tốc trên đường bộ - Yêu cầu thiết kế”.
Mục đích của việc xây dựng gờ giảm tốc tại khu vực nút giao giữa đường bộ, đường sắt nhằm gây chú ý cho người điều khiển phương tiện, giảm tốc độ khi đi qua nút giao để đảm bảo an toàn giao thông.
Trên đây là trả lời của Bộ GTVT đối với kiến nghị của cử tri thành phố Đà Nẵng, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng để trả lời cử tri và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của cử tri đối với ngành Giao thông vận tải.