Ngày 21/2/2023, Bộ GTVT đã có Văn bản số 1614/BGTVT-KHĐT gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận về việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới sau Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Cụ thể, Bộ GTVT nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Thuận do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 1418/BDN ngày 07/11/2022, nội dung kiến nghị như sau:
“Việc đường sắt hiện nay của Việt Nam đã lạc hậu so với thế giới, cử tri kiến nghị Đảng, Nhà nước quan tâm sớm đầu tư, mở rộng đường sắt Việt Nam”.
Ảnh minh họa
Trước tiên, Bộ GTVT trân trọng cảm ơn cử tri và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận đã quan tâm, góp ý đối với công tác quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Bình Thuận nhằm giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người dân.
Về nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ GTVT xin trả lời như sau:
Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế, đảm bảo an ninh quốc phòng, Đại hội Đảng lần thứ XIII có chủ trương phát triển hệ thống đường sắt và được Chính phủ cụ thể hóa trong quy hoạch mạng lưới đường sắt:
Về đường sắt quốc gia, theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021, trong đó: nâng cấp, cải tạo để khai thác có hiệu quả 07 tuyến đường sắt hiện có (chiều dài 2.440km) và đầu tư xây mới để mở rộng mạng lưới đường sắt (đến năm 2030, xây dựng mới 16 tuyến đường sắt với tổng chiều dài khoảng 4.802km; đến năm 2050, xây dựng mới 25 tuyến đường sắt với tổng chiều dài khoảng 6.354km).
Về đường sắt đô thị, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp với TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng các dự án theo quy hoạch được phê duyệt nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải tại công cộng các thành phố này với mục tiêu đến năm 2030. Các địa phương khác, cũng đang triển nghiên cứu đề xuất mạng lưới đường sắt đô thị trong quy hoạch tỉnh.
Về đường sắt chuyên dùng: Theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 sẽ tiếp tục duy trì, cải tạo, mở rộng các ga có kết nối đường sắt chuyên dùng, đáp ứng nhu cầu vận tải.
Như vậy, sau khi mạng lưới đường sắt được đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch sẽ kết nối các vùng, hành lang kinh tế chiến lược, trung tâm đô thị, cảng biển cửa ngõ quốc tế, cửa khẩu quốc tế, sân bay quốc tế, đầu mối giao thông lớn… của cả nước.
GTVT đường sắt với ưu thế là loại hình vận tải chiếm dụng ít đất đai, ít tác động đến môi trường; vận chuyển hành khách, hàng hóa khối lượng lớn, tốc độ nhanh, an toàn, chi phí tương đối thấp, ít bị ảnh hưởng của thời tiết khí hậu… phù hợp với hành lang, đầu mối giao thông có nhu cầu vận tải lớn nên mang lại lợi ích kinh tế rất lớn cho nền kinh tế cả nói chung và khu vực có tuyến đường sắt đi qua nói riêng.
Tuy nhiên, kinh phí đầu tư đường sắt rất lớn, nguồn lực ngân sách nhà nước còn hạn chế, hiệu quả tài chính đầu tư đường sắt thấp nên khó thu hút vốn từ xã hội hóa. Do đó, để sớm mở rộng và hiện đại hóa mạng lưới đường sắt nước ta theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, Bộ GTVT rất mong được sự quan tâm, ủng hộ và phối hợp các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân tỉnh Bình Thuận. Đề nghị tỉnh Bình Thuận, trong quá trình lập quy hoạch tỉnh, nghiên cứu quy hoạch khu đô thị, khu công nghiệp, cảng biển, cảng cạn, trung tâm logistics,…gắn kết với các khu ga để phát huy hiệu quả, tạo nguồn lực đầu tư phát triển đường sắt; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò, lợi ích của loại hình vận tải đường sắt để dành quỹ đất, giải phóng mặt bằng, đảm bảo trật tự an toàn giao thông và sử dụng dịch vụ đường sắt.
Trên đây là trả lời của Bộ GTVT đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Thuận trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận để trả lời cử tri và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của cử tri đối với ngành GTVT./.